Kỳ lạ cô gái vàng

31/01/2011 09:00 GMT+7

Ngay sau khi Lê Bích Phương đoạt HCV ở ASIAD 16, tôi nán lại khá muộn cùng đội tuyển karatedo Việt Nam ở Nhà thi đấu Quảng Đông và chứng kiến nhiều điều ngộ nghĩnh về cô gái có khuôn mặt đáng yêu này.

Cú đá ăn 3 điểm của Bích Phương - Ảnh: Huy Tường

Ngay sau khi Lê Bích Phương đoạt HCV ở ASIAD 16, tôi nán lại khá muộn cùng đội tuyển karatedo Việt Nam ở Nhà thi đấu Quảng Đông và chứng kiến nhiều điều ngộ nghĩnh về cô gái có khuôn mặt đáng yêu này.

Dãy bàn họp báo có 4 đấu thủ đứng trong top đầu của hạng 55 kg nữ, chỉ có Phương là rạng rỡ và gần như cười hết cỡ. Cô gái người Nhật Bản Miki ngồi bên tay phải, mặt buồn như chấu cắn (buồn cũng đúng vì đường đường là nhà đương kim vô địch thế giới mà lại thua trận). Phương cứ ngọ nguậy không yên trên ghế và lúc nhận được câu hỏi tới tấp của phóng viên nước ngoài, thoạt tiên cô có vẻ choáng. Quay đầu lại cầu cứu thầy của mình là huấn luyện viên Lê Công thì bị thầy nạt: “Con cứ trả lời như những gì con có. Sao phải hoảng hốt?”.

Thế là Phương nói liền một lèo không nghỉ, rất hay, rất gãy gọn. Bác sĩ Nguyễn Văn Phú (phiên dịch luôn cho Phương ở cuộc họp báo) phải “hãm” bớt lại: “Cháu nói chậm để chú còn dịch cho các nhà báo kịp ghi”. Phương toét miệng cười. Rồi lại tiếp tục nói nhanh như tên bắn. Một phóng viên đến từ Úc, cầm máy tính xách tay, tra lấy tra để trên Google, tuyệt nhiên không thấy một dòng thông tin nào về Phương, liền hỏi: “Hình như chị chưa có bất kỳ thành tích quốc tế nào?”. Phương bảo: “ASIAD là giải đấu quốc tế chính thức đầu tiên mà tôi tham dự và tôi mới tập karatedo được 6 năm”.

Rời cuộc họp báo, Phương và các vận động viên khác được kéo đi để thử doping. Thi đấu xong, ai nấy đều mệt phờ nên rất khó lấy mẫu xét nghiệm (nước tiểu) nhưng chỉ có Phương là tỉnh như không. “Mình cũng thấy lạ là con bé không hề bị tâm lý. Thường sau khi giành chiến thắng vang dội, VĐV sẽ bị rơi vào trạng thái hưng phấn, thậm chí có thể hơi thái quá, dẫn đến cơ thể bị căng cứng. Phương cũng phấn chấn nhưng giải tỏa rất nhanh. Đó cũng là một sự kỳ lạ. Phương có năng khiếu bẩm sinh, có đầy đủ tố chất của một VĐV võ thuật và đặc biệt thích hợp với karatedo, môn võ đòi hỏi phải có đòn đánh liên hoàn phong phú, phức tạp ở cả tay, chân. Nhưng điều hay nhất ở Phương lại chính là sự… thiếu từng trải trong thi đấu. Ở cô bé, tôi đọc thấy rõ sự ngây thơ dù Phương đã 18 tuổi. Phương không bị một chút áp lực nào cả” - bác sĩ Phú (Trưởng khoa Y học thể thao Bệnh viện Thể thao Việt Nam) nhận xét.

- Lê Bích Phương, cao 1,60m, nặng 53 kg.

- Sinh ngày 14.8.1992 tại Hà Nội.

- Bắt đầu làm quen với môn karatedo năm 2005 và năm đó được gọi luôn vào đội tuyển trẻ Hà Nội.

- Năm 2006, lọt vào "mắt xanh" HLV Lê Công của CLB Quân đội và được ông đề nghị về tập cho CLB này. Hiện vẫn khoác áo Quân đội nhưng chưa mang hàm.

- Chính thức được triệu tập vào đội tuyển quốc gia từ tháng 3.2010.

- Tháng 8.2010, Phương đã đoạt HCĐ giải giao hữu Cúp nữ quốc tế tại Pháp. ASIAD là giải chính thức đầu tiên và trở thành nhà vô địch hạng 55 kg nữ.

Kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng và quyết định rất lớn đến kết quả chung cuộc của một trận đánh. Nhưng hình như ở Phương, điều đó không chính xác lắm. Có cảm giác chính sự ngây thơ đã cho Phương cơ hội chạm vàng. Đối thủ thuộc loại “khủng” nhưng Phương đã thoát khỏi sự ám ảnh, không hề cảm thấy đứng trước mặt mình là “núi”. Khi bị Miki dẫn trước tới 3-1 mà trận đấu chỉ còn 20 giây, Phương dường như quên thời gian mà hoàn toàn thi đấu bằng bản năng. Thời gian khổ luyện khiến động tác phản đòn bằng chân trái đã ăn vào máu của Phương và trở thành một phản xạ tự nhiên. Đợi đúng thời cơ, phản xạ đó được bung ra.

Người xưa có câu: Lấy củi 3 năm đốt một giờ. Còn một trận đấu của karatedo thì có thể ví von, chỉ “đốt” trong 2 phút. Và trong 2 phút lại có những thời điểm quyết định chỉ tính bằng  giây. Tôi thích nói mãi về cú đá xoáy trong nháy mắt của Phương vào mặt đối thủ - đây là đòn khó nhất nên số điểm cũng cao nhất: 3 điểm. Tôi cũng thấy câu này của ai đó trong đoàn thể thao là đúng tuyệt đối: Khoảnh khắc Phương đá trúng Miki quý hơn vàng của cuộc đời cô.

Đã có hai người dùng từ “kỳ lạ” khi ca ngợi Phương. Đó là bác sĩ Phú và cả Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Lê Quý Phượng (ông Phượng cũng là bác sĩ thể thao, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thể dục thể thao, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam). Thêm một người nữa rất quan trọng cũng nói về Phương mà câu đầu tiên là: “Con bé nhà tôi kỳ lạ lắm”. Đó là mẹ Phương. Hỏi kỳ lạ thế nào, mẹ Phương cười: “Tôi sinh con bé khi mới 20 tuổi. Gia đình khó khăn nên chẳng có nhiều thứ để chăm con. Thế mà nó khỏe mạnh, không mấy khi biết đến ốm đau. Tí tuổi đầu đã thích thể thao. Kỳ lạ vì con bé chẳng dịu dàng, nữ tính chút nào. Tính cách quyết đoán cứ như con trai”.

Hôm ở Quảng Châu, tôi hỏi Phương số máy điện thoại nhà, Phương bảo nhà em không dùng máy bàn. Nằm không quá xa trung tâm Hà Nội, nhưng địa chỉ nhà Phương rất khó tìm. Thôn Nở, Đặng Xá, Gia Lâm vẫn là làng nghèo. Gia đình Phương cũng nghèo. Mẹ Phương (chị Nguyễn Kim Oanh) kể: “Hai vợ chồng tôi vừa làm ruộng vừa phải bán thêm một số đồ ăn lặt vặt khác mới tạm đủ sống. Ruộng năm nay mất mùa nên thu nhập thấp lắm. Mấy sào được có vài trăm cân thóc. Mà kể cả làm thêm thì tiền mỗi tháng cũng chỉ 1 triệu bạc. Ngoài cậu con trai còn bé, thỉnh thoảng tôi và bố cháu còn phải chu cấp cho Phương. Mấy tháng gần đây, con bé cũng gửi về nhà ít tiền”.

Mẹ Phương khoe rối rít mà vẫn rơm rớm: “Hôm nghe tin con bé được huy chương vàng, cả làng đến chúc mừng. Vui lắm, chẳng biết nói gì, chỉ biết khóc. Khóc vì mừng, vì càng thương con!”.

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao, khi được một phóng viên Trung Quốc hỏi trong buổi họp báo sau trận chung kết, là lúc này nhớ đến ai nhất thì “cái con bé chẳng dịu dàng tí nào” đã trả lời ngay: Mẹ!

Trong danh bạ điện thoại của tôi bây giờ có thêm hai người mới: Phương - huy chương vàng ASIAD, và Phụng - Phương karatedo. Ghi thế cho dễ nhớ. Nguyễn Minh Phụng cũng thi đấu ở ASIAD nhưng đã dừng ở bán kết. Hai bạn trẻ này mới yêu nhau được vài tháng và chàng hơn nàng đúng 1 tuổi. HLV Lê Công khuyên tôi đừng viết gì về chuyện tình yêu của họ vì: “Chỉ sợ các học trò của tôi sẽ chểnh mảng tập luyện”. Nhưng sau khi nói chuyện khá lâu với Phương, tôi lại thấy khác. Phương bảo: “Thời gian chuẩn bị cho ASIAD, cả em, anh Phụng và các đồng đội đều cảm thấy mệt vì tập căng lắm. Hai đứa lúc nào cũng an ủi, động viên nhau. Không có anh Phụng chắc em khó tập tốt”. Phương cười hì hì rồi lại bảo tiếp: “Ai cũng hỏi là hai đứa có xác định tính chuyện lâu dài không? Có chứ. Dù nhà em ở Hà Nội, nhà Phụng ở tận Bình Dương nhưng đã yêu nhau, chẳng kể xa xôi. Hình như bố mẹ anh Phụng đã biết chuyện của bọn em”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.