Sớm nếm “mùi đời”: Dậy thì sớm, “yêu” vô tư

07/01/2011 09:07 GMT+7

Theo Hội Kế hoạch hóa gia đình, hiện độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của giới trẻ VN bình quân là 17,8 so với 19,6 của 5 năm trước. Nhiều bạn trẻ sớm “nếm mùi đời” nhưng hầu hết đều rất mù mờ về sức khỏe sinh sản.

Mới hơn 9 giờ, phòng tư vấn dành cho thai phụ tuổi vị thành niên tại Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ - TPHCM đã chật kín người chờ đợi. Khi tôi bước vào phòng tư vấn với chiếc máy ảnh trên tay, những cô bé gương mặt non nớt lo lắng dõi theo.
 
Khi được gọi tên, một cô bé chừng 16-17 tuổi, dáng gầy guộc, mặc chiếc áo khoác rộng để che đi cái bụng bắt đầu lộ ra, bước vào bàn tư vấn với vẻ âu lo không giấu nổi...
 
12 tuổi: “Cho” hay “không cho”?!
 
“Tuổi 17,8 coi chừng lạc hậu rồi! Teen bây giờ nếm mùi đời sớm lắm” - T.L, một học sinh cấp 3 ngụ quận Bình Thạnh – TPHCM,  cười khẩy khi tôi đưa cho cậu xem số liệu khảo sát của Hội Kế hoạch hóa gia đình. Theo đó, hiện độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của giới trẻ VN bình quân là 17,8, cao hơn nhiều so với mức 19,6 của 5 năm trước.
 
Để chứng minh, T.L mở vài trang diễn đàn dành cho tuổi teen. Nhiều đoạn trò chuyện liên quan đến sex ồ ạt hiện ra. Trên trang đầu diễn đàn “Giới tính tuổi teen” của một website, có hơn chục bài viết liên quan đến sex. Trong đó, nick hoangtum..., 15 tuổi, bày tỏ sự lo sợ khi cô bạn nhỏ hơn vài tuổi của mình có dấu hiệu mang thai.
 
Mới đây, tôi đã gặp một bà mẹ đưa con trai đến Trung tâm Công tác xã hội trẻ em (Sở LĐ-TB-XH TPHCM) để tư vấn với tâm trạng lo lắng. Bà tâm sự:  “Sau vài ngày đi công tác để cậu con trai học lớp 11 ở nhà một mình, tôi phát hiện trong phòng tắm một chiếc bao cao su đã sử dụng.
 
Tôi hỏi thì nó thản nhiên: “Đó là chuyện của con”. Sau vài ngày la mắng lẫn khóc lóc, khuyên răn, con trai tôi vẫn không chịu chia sẻ với mẹ. Tôi đành đưa nó đến trung tâm, mong các chuyên viên ở đây khuyên bảo giúp”.

“Những trường hợp trẻ dưới 18 tuổi tìm đến hoặc được cha mẹ đưa đến để nhờ tư vấn vì có quan hệ tình dục không hiếm” - TS Thạch Ngọc Yến, chuyên viên tư vấn tại Trung tâm Công tác xã hội trẻ em, cho biết. “Có lần, một cô bé đến tìm tôi nói rằng đã yêu và nhờ tư vấn về vấn đề “cho” hay “không cho”.
 
Nhìn bề ngoài, cô bé trông như 15-16 tuổi, đã ra dáng thiếu nữ nhưng hỏi ra thì chỉ mới 12 tuổi” - TS Yến kể lại. Theo bà, trong trường hợp như vậy, người tư vấn phải hết sức khéo léo để giải thích cho các em hiểu về giá trị bản thân, biết kiềm chế cảm xúc bộc phát của tuổi mới lớn, đồng thời cung cấp kiến thức về tâm sinh lý - sức khỏe sinh sản để ngăn ngừa những hậu quả như mang thai ngoài ý muốn, lây lan các bệnh qua đường tình dục.
 
“Hiện nay, nhiều trẻ dậy thì rất sớm, có bé gái mới lớp 4, lớp 5 đã có kinh nguyệt. Nếu không được quan tâm đúng mức, trẻ có thể sớm bước vào đời sống tình dục” – TS Yến khuyến cáo.
 
Lỡ thì phá!
 
Cậu bé H.T, 16 tuổi, tìm đến Trung tâm Công tác xã hội trẻ em với nỗi lo về lây nhiễm HIV. Sau khi đọc một bài báo viết về căn bệnh thế kỷ AIDS, T. tìm để hỏi tư vấn viên một cách ngây ngô: “Bạn gái hiện giờ của con có vẻ rất từng trải, vậy cô ấy có thể nhiễm HIV không, con có thể bị lây không?”.
 
Không thể xác định một người có HIV/AIDS hay không chỉ qua vẻ ngoài và những lời kể nên chuyên viên tư vấn đã khuyên T. đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để được xét nghiệm.
 
Các chuyên gia cho biết hiện nay, nhiều trẻ vị thành niên sớm biết đến tình dục nhưng hầu hết đều rất mù mờ về sức khỏe sinh sản và cách phòng tránh các bệnh lây lan qua đường tình dục. Nhiều em khi quan hệ tình dục không hề nghĩ tới các biện pháp an toàn và những căn bệnh có thể mắc phải nếu quan hệ thiếu an toàn.
 
Bác sĩ Dương Phương Mai, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ, bày tỏ lo ngại về tình trạng lạm dụng các loại thuốc ngừa thai khẩn cấp khi quan hệ của lớp trẻ ngày nay: “Khi một loại thuốc đã được ghi rõ là “khẩn cấp” mà vẫn sử dụng như một biện pháp thường xuyên sẽ có rất nhiều tác hại, giảm tác dụng của thuốc và thậm chí ảnh hưởng đến khả năng mang thai của phụ nữ sau này. Bên cạnh đó, thuốc này không thể ngăn chặn các bệnh lây lan qua đường tình dục”.
 
Nữ hộ sinh Ngô Phụng Kim, tư vấn viên Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và nam học - Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, cho biết: “Nhiều bạn trẻ đến phá thai khi được hướng dẫn về các biện pháp phòng tránh để không mang thai ngoài ý muốn nữa lại tỏ ra hời hợt không muốn nghe. Nếu cứ suy nghĩ đơn giản “lỡ thì phá” thì tác hại khôn lường, nhất là ở tuổi vị thành niên, vì biện pháp nạo phá thai nào cũng có tác dụng phụ”. 

10% bỏ thai ở tuổi dưới 18

Theo bác sĩ Dương Phương Mai, mỗi ngày, Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận khoảng 10-20 cô gái chưa đủ 18 tuổi đến xin làm thủ thuật bỏ thai, thậm chí có những trường hợp chỉ mới 12-13 tuổi.

Trong đó, số người phá thai từ 13 tuần trở lên có chiều hướng gia tăng. “Có trường hợp thai đã hơn 25 tuần, cha mẹ đến năn nỉ, khóc lóc xin phá để con họ tiếp tục đi học nhưng chúng tôi không thể thực hiện vì thai quá lớn, vượt quá quy định cho phép” – bác sĩ Mai cho biết.

Trong 10 tháng đầu năm 2010, theo thống kê tại khoa, số ca nạo phá thai ở người dưới 18 tuổi là 2.661 (trong 24.943 trường hợp nạo phá thai, chiếm hơn 10%. Năm 2009, tỉ lệ này là 7%).

Đáng chú ý, trong số 2.661 trường hợp này, hơn 2.000 ca là thai từ 13 tuần trở lên.

Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2010 cũng có 78 ca nạo phá thai trong độ tuổi từ 10-19.

Theo nữ hộ sinh Ngô Phụng Kim, nhiều trẻ vị thành niên sớm tiếp xúc với tình dục nhưng còn thờ ơ với việc bổ sung kiến thức về phòng tránh thai và sức khỏe sinh sản nên khi đến tư vấn đều đã lỡ mang thai, có nhu cầu phá bỏ.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.