Những tử thi bị cắt xẻo ở Sellafield

24/12/2010 22:34 GMT+7

Gia đình 64 nhân viên quá cố của Trung tâm hạt nhân Sellafield, Anh vừa được báo rằng thi thể người thân không còn nguyên vẹn khi được chôn cất.

Kết quả cuộc điều tra từ năm 2007 theo lệnh Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Anh khi ấy là Alistair Darling vừa được công bố gần đây cho thấy các cơ quan nội tạng, xương và nhiều bộ phận khác đã bị lấy ra khỏi xác của 64 nhân viên Trung tâm Sellafield, tây bắc Anh. Trung tâm này trước đây thuộc Tập đoàn hạt nhân BNFL nhưng hiện do Công ty Sellafield Ltd điều hành. Theo tờ The Independent, vụ việc đã bị che giấu trong nhiều năm và mãi đến giữa tháng này, thân nhân người quá cố mới biết họ đã được an táng trong tình trạng thiếu gan, tim, thận, lưỡi… thậm chí mất cả chân.

Bản báo cáo dày 650 trang chỉ ra rằng từ năm 1961 đến tận năm 1992, các nhà bệnh lý học, bác sĩ pháp y và nhiều chuyên gia của Sellafield đã thông đồng với nhau để qua mặt gia đình người quá cố.

The Independent dẫn lời đại diện nhân viên Trung tâm Sellafield cho rằng các tử thi đã bị “cắt xẻo” và xử lý như những “món đồ” để nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của phóng xạ lên những người này cũng như che đậy mọi liên quan giữa các chứng bệnh họ mắc phải và độ bức xạ từ nơi làm việc.

Tráo xương bằng cán chổi

Độ phóng xạ cao nhất Tây u

Sellafield là một trong những cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của Anh với 400 khu nhà được trải rộng trên diện tích 10 km2. Bắt đầu được xây dựng vào thập niên 1940 ở vùng Cumbria, bên bờ biển Ireland, Sellafield đã chấm dứt vai trò sản xuất điện từ năm 2003 nhưng vẫn đảm nhiệm việc xử lý nguyên liệu và chất thải hạt nhân.

Ban đầu, trung tâm này mang tên Windscale nhưng được đổi tên thành Sellafield sau một tai nạn nghiêm trọng ở một lò phản ứng vào năm 1957 gây nên vụ cháy kéo dài suốt nhiều ngày. Đến nay, nơi đây vẫn bị xem là khu vực nhiễm phóng xạ cao nhất Tây u, theo Đài truyền hình RTBF. Chính phủ Ireland đã nhiều lần bày tỏ lo ngại với phía Anh về những ảnh hưởng của Sellafield đối với nước này.

Trong một số trường hợp, trước khi cử hành tang lễ, các bác sĩ sử dụng những kiểu ngụy trang rất thô thiển: các khúc xương bị lấy mất được thay bằng… cán chổi. Ở các nước phương Tây, thường thân nhân sẽ giao việc tẩn liệm người vừa qua đời cho các dịch vụ mai táng rồi tham dự những nghi thức cuối cùng ở nhà thờ chứ không tổ chức quàn tại nhà. Vì vậy, họ rất khó phát hiện việc thi thể người thân bị cắt xẻo, đặc biệt khi kẻ chủ mưu là các bác sĩ. Người đứng đầu cuộc điều tra Michael Redfern nói: “Gia đình 64 nhân viên kể trên đã bị lừa dối trong lúc họ đang đau khổ nhất bởi những kẻ mà lẽ ra họ có thể tin tưởng tuyệt đối”.

Các nhà điều tra đặc biệt chỉ trích những bác sĩ có liên quan vì đã “xem thường luật pháp” và “tự tung tự tác khi lấy các cơ quan, bộ phận bất cứ khi nào họ thấy cần thiết”. Về các bác sĩ pháp y, bản báo cáo buộc họ đã không thông báo với thân nhân người quá cố về việc thi thể không nguyên vẹn và tiếp tay cho cơ sở hạt nhân mà không cần biết có được phép hay không.

Nhân vật trung tâm trong vụ này là người đứng đầu về công tác y tế trước đây của Tập đoàn BNFL, bác sĩ Geoffrey Schofield, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh nghề nghiệp. Điều tra cho thấy, không có cơ quan công quyền nào kiểm tra hay giám sát công việc của ông Schofield cho đến khi ông qua đời vào năm 1985. Bác sĩ Schofield đã có những “thỏa thuận ngầm” với các bác sĩ của Bệnh viện West Cumburland để được cung cấp các bộ phận của người chết. Ông và những người kế nhiệm thường đến bệnh viện để lấy các bộ phận cần thiết, bỏ vào thùng đá và đem về phòng thí nghiệm. Tại đây, các cơ quan nội tạng, mẫu mô hay xương sẽ được đem cân, đánh dấu và trữ trong tủ đông trước khi đem ra phân tích, sau đó sẽ bị mang ra bãi rác dành cho chất thải hạt nhân có độ phóng xạ thấp hoặc tiêu hủy trong quá trình nghiên cứu. Bản báo cáo cho rằng ông Schofield đã “xem thường các thủ tục pháp lý” và “thao túng tiến trình xử lý thi thể”.

Stan Higgins, con trai của một trong 64 nhân viên Sellafield quá cố bị lấy mất nội tạng tỏ ra rất bất bình khi trả lời phỏng vấn tờ The Independent: “Gia đình các nạn nhân cần phải đòi lại công bằng”. Cha ông qua đời khi mới 49 tuổi, đã bị nhiễm ruthenium nặng trong một vụ rò rỉ năm 1973. Higgins, hiện là bác sĩ, cho biết sau sự cố đó, cha mình sống thêm được 5 năm với tuyến giáp bị tàn phá nghiêm trọng và sức khỏe ngày càng suy yếu, sau cùng qua đời vì một cơn đau tim. Ông Higgins có nghe nói một vài mẫu mô đã được lấy khỏi cơ thể người cha quá cố nhưng mãi đến gần đây mới biết được toàn bộ sự thật: đốt sống, trung thất, thận, gan, tim, lá lách, xương ức, phổi, hạch bạch huyết đều đã “không cánh mà bay”.

Hôm 16.12, tại Hạ viện Anh, Bộ trưởng Năng lượng Chris Huhne đã chính thức xin lỗi gia đình các nạn nhân. Ông Huhne nhận định các bác sĩ trong vụ Sellafield đã có “cách làm việc không thể chấp nhận được”, “thiếu hiểu biết pháp luật” và khẳng định sẽ không để chuyện tương tự xảy ra, theo Le Monde.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.