Làng VĐV đẹp, tiện nghi nhưng thiếu wifi

12/11/2010 10:41 GMT+7

(TNO) Khách sạn mà nhóm phóng viên Việt Nam (VN) ở khi tác nghiệp tại Quảng Châu (Trung Quốc) thuộc hàng 4 sao và gần như không thiếu bất cứ tiện nghi gì (chỉ trừ không có wifi)...

Ông Lê Quý Phượng (trái) - Trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhận quà lưu niệm của BTC ASIAD 16 - Ảnh: L.P

(TNO) Khách sạn mà nhóm phóng viên Việt Nam (VN) ở khi tác nghiệp tại Quảng Châu (Trung Quốc) thuộc hàng 4 sao và gần như không thiếu bất cứ tiện nghi gì (chỉ trừ không có wifi)...

Làng vận động viên (VĐV) chẳng khác thành phố thu nhỏ vì rộng thênh thang, bát ngát và đẹp. Khuôn viên đầy hoa và cây xanh. Làng lại nằm gần sông nên không khí mát rười rượi, rất thoáng đãng. Hàng chục “building” to lừng lững, cao ít nhất 11 tầng và “dài” nhất là 15 tầng.

Đoàn VN được ở tòa nhà cao 11 tầng với 92 căn hộ khép kín.

Sau ASIAD, khi các đoàn VĐV về hết, khu chung cư cao cấp này sẽ được sử dụng vào việc gì nhỉ? Quá đơn giản. Thành phố đã rao bán cho người dân từ cách đây mấy tháng. Khi ASIAD kết thúc, ai mua nhà sẽ dọn về ở. Không bao giờ gọi là lãng phí. 

Khí hậu tại Quảng Châu cũng đang vào thời điểm đẹp nhất trong năm, không khác gì mùa thu ở Hà Nội với những cơn gió heo may,  chỉ se se lạnh. “Thời tiết quá phù hợp để thi đấu. Cho đến thời điểm này, các VĐV VN đều đạt trạng thái tinh thần tốt và sức khỏe khá ổn định. Lại cộng với sự đón tiếp chu đáo của Ban tổ chức ở làng VĐV nên chúng tôi tạm thấy yên tâm phần nào” - ông Lê Quý Phượng, trưởng đoàn thể thao VN nói.


Cờ Việt Nam tung bay tại quảng trường làng VĐV - Ảnh: L.P

Yên tâm phần nào có nghĩa là vẫn có điều phiền muộn. Thức ăn của làng rất nhiều nhưng chưa hợp khẩu vị với người VN và rất... ít thịt. Một VĐV nhăn nhó: “Ở thì rất sướng nhưng ăn mà không có nhiều thịt thì chóng mệt lắm!”.

Rồi thêm một khó khăn nữa là phải di chuyển rất vất vả khi thi đấu. Một số môn, thậm chí mất hai tiếng từ làng đến nhà thi đấu. Giải quyết bằng cách nào?

Ông Phượng trả lời ngày: “Do đi tiền trạm từ trước nên chúng tôi không quá bị động về chuyện này. Các VĐV đã được chuẩn bị sẵn tâm lý từ ở nhà. Thậm chí, VĐV nào hay bị say xe, còn phải tập đi xe ô tô chặng dài để quen dần. Không nên để những khó khăn khách quan tác động đến chuyên môn. Từ ngày 10.11, các VĐV VN đã bước vào tập luyện theo sự phân công của ban tổ chức. Các HLV tận dụng cơ hội này để cho VĐV làm quen với điều kiện khí hậu cũng như sân bãi. Mục tiêu của đoàn vẫn được giữ vững và quyết tâm làm thật tốt”.

Lan Phương (từ Quảng Châu, Trung Quốc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.