Thành công biến đổi con người

19/09/2010 09:10 GMT+7

Vì sao HLV Felix Magath thành công ở Wolfsburg (cách nay vài năm) và ở Schalke (trong mùa bóng trước)? Dĩ nhiên, vì ông là HLV giỏi – cái giỏi đã được thể hiện khi Magath trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử bóng đá Đức bảo vệ thành công “cú đúp” hồi còn dẫn dắt Bayern Munich. Nhưng đáng nói hơn, Magath thành công vì hoàn cảnh khó khăn buộc ông phải bộc lộ hết những chỗ giỏi giang của mình.

Vì sao HLV Felix Magath thành công ở Wolfsburg (cách nay vài năm) và ở Schalke (trong mùa bóng trước)? Dĩ nhiên, vì ông là HLV giỏi – cái giỏi đã được thể hiện khi Magath trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử bóng đá Đức bảo vệ thành công “cú đúp” hồi còn dẫn dắt Bayern Munich. Nhưng đáng nói hơn, Magath thành công vì hoàn cảnh khó khăn buộc ông phải bộc lộ hết những chỗ giỏi giang của mình.

Huấn luyện một đội mạnh như Bayern mà không bảo vệ được “cú đúp” thì sẽ bị đuổi bất cứ lúc nào (hiển nhiên là ngay mùa bóng kế tiếp, Magath đã bị sa thải trong cay đắng). Huấn luyện một đội yếu như Wolfsburg mà không có một kế hoạch bài bản, không có những mục tiêu lâu dài thì đội bóng rớt hạng như chơi. Huấn luyện một đội đang nguy ngập về tài chính như Schalke mà không biết cách “liệu cơm gắp mắm” thì khoan nói đến ngôi vị cao, đội bóng có thể phá sản, rớt luôn xuống hạng nghiệp dư.

Tóm lại, Magath chỉ có một lựa chọn duy nhất khi dẫn dắt Bayern, Wolfsburg, Schalke: vươn lên bằng chính thực tài của mình. Lựa chọn duy nhất ấy có thể thành công nếu hội đủ các điều kiện cần. Trong bóng đá đỉnh cao, may mắn luôn là một điều kiện cần, ở bất cứ đội bóng nào. Con đường đi đến thành công bằng chính thực tài của mình, suy cho cùng, luôn là con đường khó nhất (bởi đâu còn lựa chọn nào khác).

Bây giờ, Magath nếu chưa được báo chí Đức phong thánh, ông cũng đã có một địa vị tương tự như thế. Tung hô một HLV thành công là chuyện dễ nhất trong làng báo thể thao. Người ta ca ngợi những phương pháp huấn luyện khắc khổ của Magath, dẫn đến hệ quả là thể lực siêu phàm cho cầu thủ. Người ta ca ngợi cặp mắt xanh của ông, khi Magath nhìn vào các cầu thủ trẻ do chính CLB đào tạo, hoặc những cầu thủ “vô danh tiểu tốt” trên thị trường chuyển nhượng, và biến họ thành hảo thủ trong màu áo Wolfsburg, Schalke. Người ta ca ngợi bài bản chiến thuật của Magath, khi Schalke luôn là hình mẫu về sự phòng ngự chắc chắn ở Bundesliga – nơi luôn có hiệu suất ghi bàn cao hơn các giải VĐQG quan trọng khác.

Thôi thì, Magath hay thật. Nhưng xét kỹ, ông không làm những việc như thế thì cũng chẳng còn con đường nào khác. Schalke đâu thể làm gì khác hơn là cố phòng ngự, khi họ không có được sức tấn công như Bayern Munich hoặc Werder Bremen. Schalke nếu không biết tự vươn lên bằng các cầu thủ đang bị xếp xó trong đội trẻ thì lấy đâu ra người khi họ không thể mua sắm ngôi sao?

Bây giờ, Magath đã ở một địa vị khác, có một tư thế khác, nói chung là đã trở thành một con người khác so với chính mình. Ông không còn sợ “bị đuổi” như khi huấn luyện Bayern nữa. Ông cũng không còn nhu cầu tìm đường đến một đội bóng nổi tiếng hơn như khi dẫn dắt Wolfsburg nữa. Tóm lại, ông không còn nhu cầu phải cố gắng vươn lên bằng chính thực tài của mình nữa. Như bao chuyện khác trên đời, nếu bạn có nhiều con đường để chọn, bạn sẽ không bao giờ chọn con đường khó khăn nhất. Magath cũng vậy.

Bất đồng quan điểm về chuyên môn (Heiko Westermann bảo mình phải là trung vệ, Magath lại bảo anh phải là tiền vệ trụ hoặc hậu vệ trái), Magath đẩy luôn ngôi sao này sang Hamburg. Ông rước về Christoph Metzelder và Raul. Khi các cầu thủ này không thành công như sự chờ đợi của Magath, ông lại mua ngay Nicolas Plestan và Klaas-Jan Huntelaar để thay thế. Khoảng chục trường hợp khác ở Schalke cũng tương tự như vậy. Magath bây giờ huấn luyện cứ như một gã nhà giàu mới phất và chơi ngông. Ông trở thành HLV tồi bởi chính ông chẳng cần chứng tỏ cái giỏi của mình nữa.

Ngũ Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.