Đại thi hào Nguyễn Du lên màn ảnh

15/09/2010 00:07 GMT+7

Long Thành cầm giả ca, bộ phim lịch sử mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã để lại ấn tượng đẹp cho người xem bởi phong vị “thuần Việt” trong buổi ra mắt báo giới sáng 14.9.

Bộ phim do Hãng phim Giải Phóng sản xuất với sự tài trợ kinh phí của Nhà nước (khoảng 7 tỉ đồng), dự kiến ra mắt khán giả vào tháng 10.2010. Gặp chúng tôi sau buổi chiếu, đạo diễn Đào Bá Sơn hỏi ngay: “Thế nào, thấy có nét gì giống phim sử Trung Quốc không? Tôi sợ nhất phim chiếu ra người ta bảo giống phim Trung Quốc”.

Không biết có phải vì “nỗi sợ” thường trực đó không, mà dễ nhận thấy những nhà làm phim Long Thành cầm giả ca đã rất nỗ lực để bộ phim có được một không khí cổ kính rất riêng, rất “Việt”. Trước hết, tông màu chủ đạo được chọn là nâu, tông màu của ký ức nông thôn xa xưa, gợi nên cảm giác gần gũi thân quen. Thứ hai, trang phục của nhân vật đẹp nhưng không cầu kỳ lòe loẹt. Thứ 3, từ nội cảnh như vương phủ, quán nước... đến ngoại cảnh như đường phố Thăng Long qua các thời kỳ đều cho thấy có sự kỹ lưỡng trong khâu dựng cảnh. m nhạc của phim, do nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện, sử dụng toàn bộ nhạc cụ dân tộc góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng hồn Việt cho phim. 

Đưa đại thi hào Nguyễn Du lên màn ảnh là một việc hoàn toàn không dễ dàng. Kịch bản Long Thành cầm giả ca (tác giả Văn Lê) lấy ý tưởng từ bài thơ cùng tên của Nguyễn Du khắc họa mối tình giữa nhà thơ và người ca nữ nổi danh đất Thăng Long qua bao biến động thời cuộc. Đó là một khoảng thời gian dài trong cuộc đời thực của thi hào (hơn 20 năm), song các nhà làm phim đã khéo léo chỉ tập trung vào một mảng trong cuộc đời và tâm hồn ông,  làm cho khán giả cảm nhận được nét tài hoa và sự nhạy cảm trong tâm hồn đầy trắc ẩn của Tố Như (Nguyễn Du). Mối tình của Tố Như và cô Cầm có men say của tình yêu trai gái tuổi thanh xuân, có niềm tương tư khi xa cách nhưng cao hơn cả là sự giao cảm giữa hai kẻ tri âm trong nghệ thuật phải chịu cảnh “cùng một lứa bên trời lận đận”. Diễn xuất của hai diễn viên chính Ngọc Ngoan (Tố Như) và Nhật Kim Anh (Cầm) đã không phụ sự khổ công tìm kiếm của đạo diễn.

Tuy nhiên, cách dẫn dắt câu chuyện của nhà làm phim vẫn khiến người xem có đôi chút hẫng hụt. Bộ phim mở đầu chậm rãi với cảnh Cầm và mẹ trò chuyện bên giếng nước, rồi Cầm lên thuyền và được đưa lên Thăng Long học đàn... Ta thích thú theo dõi hành trình của Cầm từ một cô bé có đôi mắt trong veo đến khi trở thành một ca nương xinh đẹp với nhiều tình tiết thú vị, như các cô bé phải cúi đầu vào chum nước luyện giọng, hằng ngày phải ngâm tay vào thuốc cho dẻo dai mềm mại... và chờ đợi sẽ tiếp tục theo dõi nỗi truân chuyên của nàng qua bao biến động ở Long Thành. Thế nhưng từ khi Tố Như (Nguyễn Du) xuất hiện thì dường như các nhà làm phim đã “buông” Cầm để tập trung cho bước đường phiêu tán và nội tâm của nhân vật này, khiến cho phần chi tiết về Cầm bị sơ lược, không hài hòa và tương xứng với sự khởi đầu của bộ phim.

Trong phim, niềm thương cảm của Tố Như đối với cô Cầm khi về già là nỗi đau trước sự tàn phai, sự mất đi của cái đẹp trong dâu bể cuộc đời.  Còn với các tác giả của bộ phim, vẫn có những điều không hề mất. Cây đàn của Cầm vẫn còn đó. Người ca nữ vẫn sống trong bài thơ của Nguyễn Du, và những tác phẩm của Nguyễn Du “tam bách dư niên hậu” vẫn còn có người đọc. Đó chính là sự trường tồn của nghệ thuật.

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.