Tranh cãi về Hồi giáo phủ bóng đen lễ tưởng niệm 11.9

11/09/2010 12:04 GMT+7

(TNO) Những nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công 11.9.2001 sẽ được xướng tên trong các lễ tưởng niệm trên toàn nước Mỹ. Gần 3.000 người đã thiệt mạng trong những vụ tấn công khủng bố tại New York, Washington và Shanksville, Pennsylvania.

Chuông nguyện cầu sẽ được rung lên. Và trong giây phút tưởng chừng như mọi người đều nối kết với nhau thông qua nỗi đau quá khứ, mầm mống bất đồng trỗi dậy trong lòng nước Mỹ và đe dọa hòa bình của thế giới.

Có thể nói lễ tưởng niệm sự kiện 11.9 lần này mang màu sắc chính trị và gây tranh cãi nhất so với 8 năm trước, thân nhân những người đã khuất cũng góp phần vào trận chiến xung quanh vụ cho phép xây đền thờ Hồi giáo cách Ground Zero 2 dãy nhà.

Vụ tranh cãi trở nên gay gắt đến nỗi Tổng thống Barack Obama cảm thấy cần phải nhắc nhở người Mỹ rằng: “Chúng ta không phải đang có chiến tranh chống người Hồi giáo”.

Đến cận ngày tưởng niệm, con trai của mục sư chống Hồi giáo tại Florida mới xác nhận là cha của anh sẽ không đốt những bản sao kinh Koran, ít nhất là trong thời điểm này. Kế hoạch của mục sư Terry Jones vấp phải sự phản đối đồng loạt trong thế giới các nước Hồi giáo, gây sức ép nặng nề lên Washington.

Trong khi đó, địa điểm xây dựng đền thờ và trung tâm Hồi giáo đã được đưa vào sử dụng, nhưng nơi này đã bị đóng cửa tạm thời vào thứ sáu hôm 10.9 và kéo dài đến chủ nhật 12.9. Cảnh sát New York đã phong tỏa khu vực này, và các tín đồ được hướng dẫn đến phòng cầu nguyện cách đó 10 dãy nhà.

Hơn 2.000 người ủng hộ việc xây dựng đền thờ Hồi giáo trên đã tổ chức lễ vọng vào chiều 10.9. Stephanie Parker, con gái của nạn nhân Philip L. Parker tại Skillman, New Jersey, cho hay cô đã tham gia lễ thức đêm này vì cho rằng mọi người đã sai khi đánh đồng toàn bộ tín đồ Hồi giáo với những kẻ cực đoan đã tấn công tòa tháp đôi cách đây 9 năm, cũng như cách đám đông tập trung xung quanh đền thờ phản đối.

"Tôi nghĩ rằng lễ tưởng niệm đã bị làm lu mờ”, hãng tin AP dẫn lời Parker, 21 tuổi, sinh viên năm cuối chuyên ngành quan hệ đối ngoại tại Đại học Drexel ở Philadelphia.

Keith Ellison, Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đại diện bang Minnesota kêu gọi hãy dành trọn ngày 11.9 để vinh danh người quá cố. “Thật sự không đúng khi làm xao lãng việc vinh danh những người hùng và tưởng nhớ người đã khuất”, dân biểu Ellison nói.

Trong khi đó, đối với mục sư Jones chịu trách nhiệm hướng dẫn 50 thành viên của nhà thờ Pentecostal tại Florida, đó là ngày lẽ ra phải đốt kinh Koran. Tuy nhiên ông này đã rút lại kế hoạch gây tranh cãi trên trước sức ép dữ dội từ thế giới Hồi giáo và sau khi nhận được cuộc gọi từ Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates.

Trước đó, mục sư Jones ra điều kiện hủy kế hoạch này nếu người lãnh đạo của trung tâm Hồi giáo New York, Imam Feisal Abdul Rauf, đồng ý dời địa điểm xây nhà thờ sang nơi khác.

Tại Afghanistan, có khoảng 11 người bị thương khi tham gia các cuộc biểu tình phản đối việc mục sư Jones đốt kinh Koran.

Tại Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, giáo sĩ Rusli Hasbi tuyên bố trước 1.000 tín đồ trong lễ cầu nguyện hôm 10.9 rằng dù đốt hay không đốt kinh Koran, mục sư Jones đã “làm tổn thương trái tim của thế giới Hồi giáo”.

Quay lại Mỹ, các lễ tưởng niệm chính thức đã được lên kế hoạch tại 3 địa điểm từng bị tấn công khủng bố. Tổng thống Obama chủ trì buổi lễ tại Lầu Năm Góc, Phó tổng thống Joe Biden đến New York, và đệ nhất phu nhân Michelle Obama và cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush cùng hiện diện tại Shanksville.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Obama đánh giá sự kiện 11.9 năm nay là thời điểm tốt để nước Mỹ chứng tỏ rằng có hàng triệu dân Mỹ gốc Hồi giáo trên toàn quốc, và họ cũng đang chiến đấu dưới màu áo quân đội Mỹ tại Afghanistan, và “chúng ta không phân biệt giữa “họ” và “chúng ta”. Chỉ có duy nhất “chúng ta” mà thôi”.

Trong khi đó, ông Biden tham dự lễ tưởng niệm lớn nhất nước tại một công viên gần Ground Zero, nơi 2.752 người đã thiệt mạng khi bọn khủng bố đâm máy bay vào tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới.

Tiếng chuông sẽ vang lên trên khắp thành phố vào đúng 8 giờ 46 ngày 11.9, khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp phía bắc, và sau đó là vào 9 giờ 3 khi chiếc máy bay thứ hai đâm vào tòa phía nam.

Các nhà hoạt động đang lên kế hoạch thực hiện những cuộc tuần hành riêng rẽ, với một bên chống lại việc xây đền thờ Hồi giáo còn một bên ủng hộ, sau lễ tưởng niệm chính thức.

Dự kiến John Bolton, từng là đại sứ của Mỹ tại LHQ dưới triều Tổng thống George W.Bush, sẽ gửi một đoạn băng ủng hộ phe chống xây đền thờ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.