Khi cầu thủ phá đội bóng - Kỳ 1: “Quyền lực đen”, ngày ấy bây giờ

01/09/2010 09:01 GMT+7

HLV Đặng Trần Chỉnh từng thốt lên cay đắng: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ hết 3 chân”. Câu nói của ông Chỉnh ngụ ý rằng chính các cầu thủ là người nắm “định mệnh” HLV. Bản thân ông Chỉnh trong mùa giải 2010 từng mất việc vì bất đồng với các cầu thủ trụ cột tại B.Bình Dương. Trong năm 2010, trường hợp của B.Bình Dương cũng chẳng phải là cá biệt…

HLV Kiatisak không điều khiển được cầu thủ trên sân - Ảnh: Bạch Dương

HLV Đặng Trần Chỉnh từng thốt lên cay đắng: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ giữ hết 3 chân”. Câu nói của ông Chỉnh ngụ ý rằng chính các cầu thủ là người nắm “định mệnh” HLV. Bản thân ông Chỉnh trong mùa giải 2010 từng mất việc vì bất đồng với các cầu thủ trụ cột tại B.Bình Dương. Trong năm 2010, trường hợp của B.Bình Dương cũng chẳng phải là cá biệt…

Sự trỗi dậy của những “ông sao”, coi mình trên cả HLV đã làm khổ biết bao nhiêu vị “tướng” cầm quân, ảnh hưởng đến thành tích của nhiều đội bóng và làm người hâm mộ mất hết lòng tin. Vì lẽ đó, Thanh Niên Tin nhanh Thể thao thực hiện loạt bài về tình trạng mất kiểm soát cầu thủ trong làng bóng đá Việt Nam nhằm phản ảnh thực trạng đáng buồn này.

Chính cuộc chạy đua thương hiệu của các doanh nghiệp làm bóng đá, sự tranh giành nhau về từng điểm số, từng bàn thắng trong làng bóng Việt Nam đã ngày càng đặt cầu thủ lên vị trí quan trọng. Nhiều đội bóng cưng cầu thủ như trứng, chỉ cần cầu thủ “hắt hơi sổ mũi” là đứng ngồi không yên. Trong khi đó, mỗi khi đội bóng có vấn đề là chủ doanh nghiệp lại sẵn sàng “trảm” tướng để tìm sự thay đổi. Sự quá nâng niu, cưng chiều cầu thủ vô tình càng dung túng cho “quyền lực đen” trỗi dậy ở các đội bóng. Ngày trước, bóng đá là cuộc chơi hồn nhiên và khán giả đến sân để xem những cầu thủ có tâm hồn trong sáng đá bóng. Còn bây giờ, nhiều người sau khi xem mỗi trận đấu chỉ nhận lấy sự ngán ngẩm khi chứng kiến những đôi chân cầu thủ chỉ đá bóng theo một ý đồ “bí hiểm” nào đó.

Trước khi có V-League, bóng đá Việt Nam không có những trận cầu bạc tỉ, cầu thủ ra sân không bị áp lực của hàng trăm triệu tiền thưởng đè lên chân. Thời giải bóng đá hàng đầu Việt Nam còn nghiệp dư và mang tên Giải bóng đá các đội mạnh toàn quốc, các cầu thủ luôn tập luyện chăm chỉ để hy vọng có tên trong đội hình ra sân, để tự hào thi đấu khi có người thân, bà con chòm xóm và người hâm mộ đến sân cổ vũ, gọi tên. Ngày trước, cầu thủ ra sân vì niềm tự hào, chứ không có chuyện muốn được thi đấu để nhận mức thưởng chênh lệch đến cả chục triệu đồng cho một trận đấu. Để rồi khi không được HLV trưởng xếp đá chính thì rỉ tai những cầu thủ cùng “cạ” buông vài trận để “đá văng” HLV. Khi bóng đá Việt Nam lên chuyên, tiền được doanh nghiệp đổ vào đội bóng ngày càng nhiều. Sự cạnh tranh quyền lợi giữa cầu thủ này với cầu thủ kia, hay giữa nhóm cầu thủ này và nhóm cầu thủ kia ngày càng gay gắt. Một HLV trưởng dù có dung hòa đến đâu bao giờ cũng phải đụng chạm đến quyền lợi của một nhóm cầu thủ nào đó, và thế là bị “đá văng” sau vài trận đội bóng bị thua một cách khó hiểu.

Lần đầu tiên V-League nhắc nhiều tới khái niệm “quyền lực đen” đó chính là mùa giải 2002. Giới truyền thông đã đồng loạt đưa tin về tiền đạo Lê Huỳnh Đức bị tình nghi cầm đầu nhóm “quyền lực đen” ở CLB ngân hàng Đông Á, nhằm thực hiện những yêu sách đòi đội bóng tăng lương, thưởng. Tuy nhiên sau đó, mọi chuyện dần rơi vào quên lãng. Huỳnh Đức cũng phủ nhận hoàn toàn chuyện mình cầm đầu nhóm cầu thủ trụ cột thực hiện hành vi phá đội, đồng thời khẳng định mình luôn thi đấu hết sức mình vì đội bóng, vì người hâm mộ. Lãnh đội ngân hàng Đông Á bấy giờ không tiếc lời đay nghiến Huỳnh Đức nhưng cuối cùng cũng ngậm bồ hòn làm ngọt vì không thể đưa ra được bằng chứng xác đáng.

Từ đó đến nay, căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đến V-League 2010 thì tình trạng các đội bóng mất kiểm soát cầu thủ càng lây lan. Hết B.Bình Dương khổ vì nhóm cầu thủ trụ cột “đá văng” cả 3 HLV chỉ trong một mùa giải, đến lượt HLV Vương Tiến Dũng khổ vì “ông trời con” Leandro dám ngang nhiên nghỉ tập giữa chừng khi ông chưa cho phép. Ngay cả đội bóng vốn “lành” như CS.Đồng Tháp cũng khiến dư luận cảm thấy bàng hoàng khi để thua ĐT.LA đến 0-6 trên sân nhà trong một trận đấu mà nhiều người hiểu rõ cầu thủ Đồng Tháp “buông” để nêu yêu sách đòi tăng thưởng. Sự thật về quyền lực của cầu thủ cay đắng đến mức HLV Kiatisak từng thốt lên sau trận HA.GL thua ĐT.LA trên sân nhà rằng: “Các cầu thủ đá không theo ý tôi, họ đá theo kiểu của họ”.

Những hình ảnh cầu thủ khi bị thay ra sân đá văng cả chai nước, không thèm đến bắt tay HLV trưởng đang đứng chờ sẵn ngày càng đầy rẫy ở các trận đấu V-League. Khó mà kể ra cho hết những biểu hiện của việc mất kiểm soát cầu thủ trong làng bóng Việt Nam, khi V-League 2010 hạ màn.

Kỳ 2: Từ CLB TP.HCM đến B.Bình Dương

Di Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.