Cái bang châu Âu

16/08/2010 00:17 GMT+7

Ngay giữa lòng châu u hiện đại và văn minh, người Zi-gan vẫn phải sống trong nghèo khổ, bấp bênh và kỳ thị.

“Zi-gan” hay Gypsy là tên gọi chung cho những người sống du cư, phần đông là người Roma, tập trung nhiều nhất ở khu vực Trung và Đông u từ hơn 800 năm nay. Là công dân châu u đã lâu đời nhưng cho đến nay, cái nhìn của xã hội dành cho người Zi-gan vẫn chưa cải thiện. Thời gian gần đây, họ liên tục trở thành tâm điểm chỉ trích, triệt phá của các chính trị gia nhiều nước châu u nhằm đánh lạc hướng cơn thịnh nộ của dư luận khi đất nước gặp vấn đề về kinh tế, an ninh... Cảnh sát Pháp vừa lập “kỷ lục” giải tán hơn 40 trại tạm cư của người Zi-gan chỉ trong 15 ngày qua.

Thủ phạm cũng là nạn nhân

Bị xã hội kỳ thị, chính quyền hững hờ và sống trong tuyệt vọng, từ thập niên 1990, hàng chục ngàn người Zi-gan di cư sang Tây u với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng trên thực tế, người Zi-gan lại càng khó thích nghi hơn ở môi trường mới. Họ chỉ kiếm được những công việc nặng nhọc với thù lao rẻ mạt. Không còn sự chọn lựa, rất đông người Zi-gan sa vào những hoạt động phạm pháp như trộm vặt, móc túi, ăn xin. Những lều trại nhếch nhác của họ khi mọc lên gần khu vực nào là dân cư ở đó phải “cẩn thận cửa nẻo” hơn hẳn.

Tại những nước Tây u như Pháp, Ý, hầu hết “cái bang” và “diệu thủ thư sinh” đều là người Zi-gan. Những ngày còn lưu tại Pháp, người viết luôn phải cẩn thận liếc mắt về phía balô của mình ở nơi đông người hoặc vào tàu điện mỗi khi có một nhóm thiếu niên Zi-gan xuất hiện vì đã từng bị mở túi xách. Những tên móc túi đa phần chỉ từ 10 - 15 tuổi, thường đi theo nhóm 2 - 4 người. Nhìn chúng rất già dặn, khắc khổ và sõi đời. Một vài lần phát hiện ra ba lô của mình đang bị “táy máy”, tôi quay lại trừng mắt nhìn thì chúng tỉnh bơ toét miệng cười rồi lỉnh đi chỗ khác ngay lập tức.

Giận là vậy, nhưng khi chứng kiến một phụ nữ Zi-gan ăn mày quỳ nhiều giờ đồng hồ bên vệ đường giữa trời đông lạnh giá, không ai không thấy xót xa. Xét cho cùng, họ cũng là nạn nhân của nghèo khổ, kỳ thị và bị những đường dây tội phạm lợi dụng. Một người bạn Pháp kể với tôi, những thiếu niên hay móc túi được huấn luyện từ nhỏ. Bọn chăn dắt cột nhiều cái chuông nhỏ vào một hình nộm rồi bắt bọn trẻ sờ vào túi, giỏ treo trên đó sao cho chuông không kêu. Theo thống kê năm 2009 đăng trên Le Figaro, 40% những người Zi-gan phạm pháp là trẻ vị thành niên.

Những luật lệ ra đời gần đây tại Pháp, Ý... hầu hết chỉ nhấn mạnh chuyện kiểm soát, trừng phạt như: dỡ bỏ khu trại trái phép, trục xuất, phải trình diện cảnh sát mỗi 3 tháng và khai báo khi di chuyển đến nơi khác... Giáo sư xã hội học Jean-Pierre Liegeois của trường Paris 7 nhận định rằng người Zi-gan bị buộc phải thích nghi, từ bỏ thói quen của mình để hòa nhập vào xã hội. Nhưng với những thành kiến sẵn có, họ dễ dàng bị cho là không chịu thích nghi và trở nên thật sự không-thể-thích-nghi.

Quá khứ lang thang, hiện tại vất vưởng

Trong bài viết trên tạp chí La vie des idées, giáo sư Emmanuel Filhol - chuyên gia về người Zi-gan thuộc Đại học Bordeaux 1 - cho biết từ nửa sau thế kỷ XVII, triều đình nhiều nước châu u ban bố những luật trừng phạt khắc nghiệt, bắt người Zi-gan thay đổi lối sống, đuổi họ ra khỏi thành phố... Người Zi-gan bị xếp chung với tội phạm, du thủ du thực. Không có được cái kết có hậu như nàng Esméralda trong tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, những người Zi-gan cho đến tận ngày nay vẫn sống bên lề xã hội.

Trong số những tộc người gọi chung là Zi-gan, khoảng 10 triệu người Roma đang sống trên khắp châu u, tạo nên một trong những cộng đồng người thiểu số đông đảo nhất lục địa này. Là công dân châu u chính gốc, nhưng họ phải sống trong cảnh không được thừa nhận. Ngay giữa những đất nước phồn hoa như Pháp, Ý, song nhiều khu trại của người Roma không hề có điện, nước, nhà vệ sinh... Báo The Economist trích dẫn bản báo cáo của UNICEF vào năm 2005 cho thấy 84% người Roma ở Bulgaria, 88% ở Romania và 91% ở Hungaria sống dưới mức nghèo khổ. Tỷ lệ thất nghiệp và thất học của người Roma đều cao vọt so với bình quân của những quốc gia mà họ đang cư trú, nhưng vì không được quan tâm nên những số liệu cụ thể rất ít khi được chính quyền sở tại thống kê.

Ở các nước Đông u, trẻ em Zi-gan phải nhập học ở những ngôi trường đặc biệt dành cho trẻ không theo kịp chương trình và sau đó vào đời với thân phận của công dân hạng ba. Không những bị nhiều trường từ chối, việc học hành của trẻ em Zi-gan cũng quá xa xỉ đối với thu nhập của cha mẹ. Dưới gánh nặng của thành kiến và sự chuyển hóa của các ngành kinh tế, rất nhiều người phải từ bỏ những nghề truyền thống như đàn hát, kịch nghệ, rèn đúc, bán dạo, xem bói... Không có công việc ổn định, thu nhập chính của người Zi-gan chủ yếu dựa vào những việc thời vụ nặng nhọc và cả việc... ăn mày. Tại Pháp, những chiếc xe-nhà hoặc các khu lều trại tạm bợ của người Zi-gan không được luật pháp thừa nhận là chỗ ở, khiến họ không được nhận trợ cấp và không thể vay tiền ngân hàng.

Người Zi-gan rất cần sự tin tưởng và cảm thông từ xã hội châu u để thoát khỏi cuộc sống tối tăm. Hiện nay, với sự vận động của những tổ chức về nhân quyền, đã có một số tín hiệu tích cực. Tại khu vực phía bắc Paris, một số rạp hát nhỏ, quán ăn đã mời các nghệ sĩ Zi-gan biểu diễn, nhiều nhà máy bắt đầu tuyển dụng thợ Zi-gan chuyên nghề rèn đúc và tái chế kim loại...

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.