FIFA lại đụng độ chính quyền

26/07/2010 07:44 GMT+7

Vừa qua, FIFA đã lên tiếng cảnh báo sẽ cấm thi đấu quốc tế đối với đội tuyển Sudan do cuộc tranh chấp quyền lực đang diễn ra giữa Liên đoàn bóng đá Sudan (S.F.A) và Bộ Thể thao nước này ngay trước thềm cuộc bầu cử chức chủ tịch S.F.A dự kiến sẽ diễn ra trong cuối tháng 7.

Chủ tịch của FIFA, Sepp Blatter, rất cứng rắn với những trường hợp chính trị xen vào bóng đá - Ảnh: Reuters

Vừa qua, FIFA đã lên tiếng cảnh báo sẽ cấm thi đấu quốc tế đối với đội tuyển Sudan do cuộc tranh chấp quyền lực đang diễn ra giữa Liên đoàn bóng đá Sudan (S.F.A) và Bộ Thể thao nước này ngay trước thềm cuộc bầu cử chức chủ tịch S.F.A dự kiến sẽ diễn ra trong cuối tháng 7.

Theo luật của FIFA, LĐBĐ các nước phải là những tổ chức độc lập và chính quyền các nước không được can thiệp vào công việc nội bộ của nó. Tuy nhiên, thời gian vừa qua rộ lên xu hướng chính quyền nhiều nước can thiệp sâu vào công việc của các LĐBĐ. Với những trường hợp này, hình thức chế tài của FIFA là cấm đội tuyển của quốc gia vi phạm thi đấu quốc tế, hoặc khai trừ LĐBĐ nước đó khỏi FIFA. Ngay sau World Cup 2010, FIFA đã phải dọa áp dụng biện pháp này với Pháp và Nigieria vì những hành vi tương tự.

Đầu tháng 3.2001, FIFA ra lệnh cấm đội tuyển Guinea thi đấu quốc tế sau khi chính quyền nước này giải tán LĐBĐ Guinea và thay bằng bộ máy mới do thành tích thi đấu nghèo nàn của đội tuyển trước đó.

Tháng 11.2006, FIFA cấm đội tuyển Kenya thi đấu quốc tế sau khi Bộ trưởng Thể thao nước này, Maina Kamanda, ra lệnh giải tán LĐBĐ Kenya (KFF) và thay bằng bộ máy mới do chính phủ chỉ định. Lệnh cấm này được dỡ bỏ vào ngày 26.3.2007.

Tháng 5.2008, FIFA ra lệnh cấm tuyển Iraq thi đấu quốc tế sau khi chính phủ nước này giải tán LĐBĐ. Lệnh cấm được dỡ bỏ vài ngày sau đó sau khi chính phủ Iraq hứa sẽ không can thiệp vào công việc của LĐ. Đến ngày 21.11.2009, FIFA một lần nữa cấm Iraq thi đấu quốc tế. Lần này do Ủy ban Olympic Iraq ra lệnh giải tán LĐBĐ nước này (lấy cớ có bê bối tài chính) và không chịu tổ chức bầu cử chủ tịch LĐ theo đúng thời hạn. Lệnh cấm này được dỡ bỏ vào tháng 3.2010.

Ngày 25.11.2008, FIFA cấm Peru thi đấu quốc tế vì Bộ Thể thao nước này không công nhận ông Manuel Burga làm chủ tịch LĐBĐ Peru (FPF) sau cuộc bầu cử do FPF tổ chức. Lệnh cấm sau đó được dỡ bỏ vào ngày 22.12.2008.

Bộ Thể thao Sudan đã ra lệnh cấm một số ứng cử viên, trong đó có cả chủ tịch đương nhiệm S.F.A, ông Kamal Shaddad, không được ra ứng cử lần này. Riêng với ông Shaddad, Bộ Thể thao Sudan cho rằng ông này không đủ tư cách pháp lý để tranh cử do đã làm chủ tịch S.F.A 2 nhiệm kỳ liên tiếp. “Theo luật Sudan, một người không được phép làm chủ tịch Liên đoàn bóng đá quốc gia 3 nhiệm kỳ trừ khi người này đang đảm nhiệm một trọng trách nào đó trong bóng đá ở cấp độ quốc tế và do Bộ trưởng Thể thao Sudan chỉ định. Luật pháp Sudan hoàn toàn phù hợp với luật FIFA”, ông Al-Rayah Wadatallah, Bộ trưởng Thể thao Sudan tuyên bố.

Trong khi đó, ông Shaddad tỏ ra rất tức giận khi bị Bộ Thể thao Sudan ngăn cản không cho ứng cử. “Điều này đi ngược lại nội dung cơ bản trong luật của FIFA”, ông Shaddad tuyên bố. Nhân dịp, ông Shaddad cũng tiết lộ rằng có những vấn đề không rõ ràng về tài chính xung quanh cuộc bầu cử lần này. Các ứng cử viên đã được yêu cầu phải đóng 25.000 bảng tiền Sudan (khoảng 10.000 USD) lệ phí trước khi đăng ký ứng cử.

Phản ứng trước sự việc này, FIFA yêu cầu Bộ Thể thao Sudan xem xét lại quyết định của mình hoặc phải đối mặt với án phạt từ FIFA. “FIFA sẽ không công nhận kết quả từ bất cứ cuộc bầu cử nào không dựa trên quy chế của S.F.A và/hoặc có sự can thiệp từ phía chính phủ. Thêm vào đó, những sự can thiệp như vậy có thể sẽ dẫn đến những biện pháp trừng phạt như cấm bóng đá Sudan thi đấu quốc tế hoặc khai trừ S.F.A khỏi FIFA”, trang web chính thức của FIFA thông báo.

Đây không phải lần đầu FIFA đe dọa áp dụng hình thức trừng phạt này đối với nền bóng đá của một nước. Trước đây, các nước như Iraq, Peru, Kenya, Guinea…cũng đã từng phải nhận hình phạt tương tự vì lý do giống Sudan. Nhưng đáng nói là hầu hết các lệnh cấm đều chỉ có tác dụng răn đe và sau đó đều đã được nhanh chóng dỡ bỏ.

Sudan là một trong những quốc gia lớn nhất châu Phi và bóng đá nước này cũng đã có những thành tựu đáng kể trong quá khứ, điển hình là chức vô địch CAN 1970. Tuy nhiên từ sau thập niên 70 đến nay, bóng đá Sudan hầu như không xuất hiện trên đấu trường quốc tế do điều kiện kinh tế khó khăn cộng thêm những bê bối tài chính và các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ bóng đá làm cho tàn lụi.

Nguyên Chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.