Năm lao đao cho ngân hàng Mỹ

25/07/2010 23:12 GMT+7

Dù cơn bão tài chính đã tạm tan, song hậu quả của nó để lại vẫn còn dư âm nặng nề. Hiện nhiều hệ thống ngân hàng tiếp tục trở thành nạn nhân của thời hậu khủng hoảng.

Mỹ vừa chịu thêm một cú đấm khi hơn 100 ngân hàng phá sản trong năm nay và dự đoán con số này sẽ vượt mốc 200 vào cuối năm.

Tính đến tuần rồi, số ngân hàng Mỹ bị phá sản đã vượt mốc 100 sau khi giới hữu trách đóng cửa thêm một số ngân hàng tại các bang Georgia, Florida, South Carolina, Kansas, Nevada, Minnesota và Oregon. Tờ Wall Street Journal dẫn lời đại diện Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang của Mỹ (FDIC) hôm 23.7 cho hay cơ quan này đã giành quyền kiểm soát các ngân hàng gồm: Crescent Bank và Trust Co., tại Jasper, Georgia, với khoảng 1 tỉ USD tài sản; Sterling ở Lantana, Florida (407,9 triệu USD); Williamsburg First National Bank của Kingstree, South Carolina (139,3 triệu USD); Thunder ở Sylvan Grove, Kansas (32,6 triệu USD); SouthwestUSA với một chi nhánh ở Las Vegas, Nevada (214 triệu USD); Community Security Bank tại New Prague, Minnesota (108 triệu USD); và Home Valley ở Cave Junction, Oregon (251,8 triệu USD).

Vỡ nợ tăng tốc

Nếu 23.7 là ngày buồn bã cho giới ngân hàng Mỹ thì các nhà quản lý ngân hàng châu u đã loan báo một thông tin đầy lạc quan. Báo Guardian dẫn lời Ủy ban Giám sát ngân hàng châu u có trụ sở tại London tuyên bố hầu hết các ngân hàng đều vượt qua đợt trắc nghiệm kiểm tra "sức đề kháng" của ngành tài chính vừa qua. Mục đích của cuộc kiểm tra này là nhằm đánh giá khả năng của các ngân hàng ứng phó trước một cuộc khủng hoảng mới hoặc phải được hỗ trợ thêm về vốn. Chỉ có 7/91 ngân hàng châu u không qua được cuộc sát hạch lần này.
Sự sụp đổ của 7 ngân hàng trên vào cuối tuần trước đã nâng tổng số ngân hàng Mỹ bị vỡ nợ lên 103 trong năm nay. Đây là năm thứ hai liên tiếp, số ngân hàng bị đóng cửa vượt ngưỡng 100. FDIC, vốn chịu trách nhiệm bảo hiểm các khoản vay của gần 8.000 ngân hàng ở Mỹ, đánh giá việc đóng cửa 7 ngân hàng trên đã ngốn khoảng 431 triệu USD tiền bảo hiểm của tổ chức này. Tính đến thời điểm này, "cái chết" của 103 ngân hàng đã gây nên tổn thất hơn 18 tỉ USD cho FDIC.

Tốc độ "sập tiệm" như trên cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, với 64 ngân hàng bị tịch thu khi đó, theo AP. Trong năm 2009, tổng cộng 140 ngân hàng tại Mỹ đã phải ngậm ngùi tuyên bố phá sản. Năm ngoái cũng là năm mà số ngân hàng tại Mỹ phải đóng cửa cao nhất kể từ năm 1992 - thời điểm nước này có đến 181 ngân hàng bị phá sản vì khủng hoảng tiết kiệm và cho vay. Tuy nhiên, với tốc độ phá sản của các ngân hàng trong năm nay, Chủ tịch Sheila Bair của FDIC dự đoán con số này sẽ vượt xa kỷ lục của năm trước.

Một số nhà phân tích dự đoán sẽ có đến 200 ngân hàng đóng cửa trong năm 2010, và thêm 100 hoặc hơn tiếp nối vào năm 2011. Tính đến ngày 31.3.2010, khoảng 775 ngân hàng lọt vào danh sách báo động của FDIC với tổng tài sản trị giá 431 tỉ USD. Đây cũng là danh sách dài nhất kể từ tháng 6.1993. Vào năm 2008, chỉ có 25 ngân hàng phải đóng cửa, dù đây là thời điểm đỉnh cao của khủng hoảng tài chính. Trước đó 1 năm, chỉ có 3 ngân hàng sập tiệm.

Ngân hàng nhỏ "gặp hạn"

Tình trạng phá sản tăng tốc như trên là do các ngân hàng mất cả đống tiền cho vay khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản thương mại và phát triển kinh doanh. Trong khi hầu hết các ngân hàng lớn bắt đầu làm ăn có lãi lại, nhiều ngân hàng khu vực và các trung tâm tài chính nhỏ vẫn đang chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt vốn cũng như quá nhiều khoản nợ xấu, đặc biệt trong ngành bất động sản. Lý do là nhiều công ty đã phải đóng cửa do suy thoái, bỏ lại sau lưng cơ man nào là các khu trung tâm thương mại và những tòa nhà văn phòng trống hoác, vốn được dựng lên bằng tiền vay ngân hàng. Trong số 103 ngân hàng vừa bị đóng cửa, 81% có tài sản dưới 1 tỉ USD.

Theo RTTNews, FDIC dự kiến tổng cộng chi phí để giải quyết những ngân hàng phá sản vào khoảng 60 tỉ USD từ năm 2010 đến 2014. Và trong quý đầu năm 2010, quỹ của FDIC đã thâm hụt 20,7 tỉ USD. Mặc dù số ngân hàng đóng cửa được dự đoán sẽ tăng cao hơn so với năm trước, giới chức tài chính cho rằng cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này sẽ lên đến đỉnh điểm vào năm nay và tình hình sẽ bắt đầu ổn định trong năm sau. Một trong những dấu hiệu lạc quan là các ngân hàng và tổ chức tài chính do FDIC bảo trợ đã kiếm được tổng cộng 18 tỉ USD trong quý 1 năm nay. Đây là khoản lợi nhuận cao nhất kể từ quý 1/2008 và tăng gấp 3 lần so với cách đây 1 năm, theo CNN.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.