Lợi ích người xem truyền hình bị chiếm đoạt

20/07/2010 23:24 GMT+7

Sau loạt bài phản ánh việc kênh K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá lớn của châu Âu, rất nhiều bạn đọc gửi đến Thanh Niên những ý kiến bức xúc.

Bóng đá Anh luôn là sự quan tâm hàng đầu của người hâm mộ, nhưng không vì thế mà K+ lại bắt chẹt người hâm mộ - Ảnh: AFP

Sau loạt bài phản ánh việc kênh K+ độc quyền phát sóng các giải bóng đá lớn của châu Âu, rất nhiều bạn đọc gửi đến Thanh Niên những ý kiến bức xúc.

Thế là bất công!

Tôi thấy rằng ở đất nước chúng ta giá cả là do sự quản lý thị trường chứ chưa thực sự xuất phát từ thực tế cung cầu. Tôi còn nhớ 10 năm trước, MobiFone bán cái Ericson 388 giá 5 triệu đồng cộng với 11 triệu đồng tiền đăng ký thuê bao di động đủ biết rằng người dân phải trả chi phí đầu tư ban đầu cho những nhà tài phiệt. Chúng ta nên biết rằng VTV được thành lập ra nhằm mục đích phục vụ quần chúng nhân dân, họ được đầu tư tiền bạc, vốn liếng từ nguồn ngân sách nhà nước, ngân sách này lại từ tiền thuế của dân. Bây giờ họ liên doanh với nước ngoài và...

Như thế là họ đã lấy của dân để kinh doanh với người dân. Thế là bất công. Ở các nước như Indonesia mà tôi đã có dịp tới, dịch vụ truyền hình của họ thật tuyệt. Chỉ cần đăng ký và trả trước 3 tháng sử dụng khoảng 500 ngàn rupiah (khoảng 1 triệu đồng) là có ngay một bộ chảo và đầu thu với đầy đủ các kênh quốc tế hay nhất. Vậy thì K+ là gì mà đắt thế. Người dân VN đang bị móc túi quá nhiều từ cái gọi là bản quyền mà thực tế là độc quyền.

(hoatnguyen...@gmail.com)

Cần có tiếng nói của Nhà nước

Số trận hay ít, trả tiền nhiều

Thực tế Premier League có 20 đội thi đấu 38 vòng tức 380 trận (mỗi vòng 10 trận) nhưng hiếm có ai xem những cái tên như Sunderland, Wigan, Stock..., mà cuộc đua chỉ hấp dẫn xung quanh các trận giữa tứ đại gia Arsenal, M.U, Liverpool, Chelsea, nếu có thêm là Tottenham hoặc Man.City. Như vậy với 6 đội này, tổng cộng đá vòng tròn 2 lượt chỉ có 30 trận, tức chỉ chiếm chưa đến 1/12 số trận đấu của Premier League. Tương tự Serie A hay La Liga cũng vậy, chỉ nóng bỏng tập trung 4-5 đội hàng đầu, nên số trận hay cũng không nhiều. Vậy mà K+ lại đưa ra mức giá quá cao như vậy là không hợp lý chút nào.

T.K

Đến lúc này tôi có thể khẳng định rằng, các nhà đài không vì người dân mà chủ yếu là vì lợi nhuận của họ. Vậy có còn vai trò quản lý và điều phối của Nhà nước ở đây không? Tôi rất yêu bóng đá, tuy nhiên, với giá cả và cách làm như thế này của kênh K+, thì dù không thiếu tiền nhưng tôi sẽ từ bỏ thú vui hơn 50 năm nay của tôi. Có lẽ ở các nước tư bản người ta cũng không đối xử tệ như vậy với người tiêu dùng, nhất là với những người có thu nhập thấp. Có lẽ người xem cần lên tiếng mạnh mẽ hơn về sự độc quyền và lợi dụng cơ sở hạ tầng mà nhân dân đã đóng góp xây dựng để làm giàu cho nước ngoài hoặc cho một số người.

Nguyễn Trọng Chuẩn (ngách 39, ngõ 106, Hoàng Quốc Việt, Hà Nội)

Thế mới sang sao?

Tôi ghiền bóng đá Anh. Cứ vào cuối tuần, ấm trà chén nước là cả xóm tụm ba tụm bảy để thưởng thức. Thế rồi ông VTC lấn chiếm khiến cả xóm phải gom tiền để có cái đầu thu và hằng tuần lại được xem người Anh đá bóng. Hôm nay lại ông K+ chiếm lĩnh. Đài truyền hình ở VN tất cả đều là cơ quan nhà nước mà, có phải đài tư nhân đâu? Nhìn mấy khuôn mặt buồn so của bà con xóm tôi khi đọc mấy bài báo này mà thương.

Trần Thông  (Điện Bàn, Quảng Nam)

Xử lý ngay

Tiêu chí của Đài truyền hình VN là phục vụ lợi ích của đa số nhân dân. Vậy thử hỏi với mức giá "trên trời" để xem bóng đá như thế thì bao nhiêu gia đình VN có đủ điều kiện để xem? Trước khi nhà đài đưa ra mức giá này đã thông qua Bộ Tài chính chưa? Tôi mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý để người dân được nhờ.

(jurkoh...@yahoo.com)

Cộng đồng mạng kêu gọi tẩy chay K+

Hôm qua, khắp các diễn đàn trên mạng internet, người hâm mộ bóng đá VN đang kêu gọi nhau tẩy chay các gói dịch vụ xem trực tiếp các giải VĐQG tại châu Âu như Anh, Ý, Tây Ban Nha, mà kênh K+ đang độc quyền khai thác với các mức giá chỉ “dành cho nhà giàu”. Theo đó, trên mạng xã hội Facebook, những người sử dụng đã lập hẳn một chương mục với tên gọi: “Hội những người tẩy chay K+”, và hiện đã có hơn 1 ngàn thành viên tham gia để chia sẻ những bức xúc, và phân tích rất nhiều điểm bất hợp lý trong cách kinh doanh kiểu “nhà giàu” của K+. Trong khi đó, tại diễn đàn CSGFC.org, một thành viên tên Midup viết: “Thật là bi hài, vì cứ mỗi khi một nhà đài mới công bố độc quyền bản quyền truyền hình một giải đấu nào đó là họ ép người dùng phải trang bị lại đủ thứ, nào là từ đầu thu, chảo... và dĩ nhiên giá cả cũng tăng lên chóng mặt. Nhưng với mức giá như “nhà độc quyền” mới K+ công bố thì quả là khủng khiếp. Không biết 3 năm sau, đến lượt kênh truyền hình nào giành được bản quyền, và chắc chắn họ cũng sẽ ép người dùng VN phải chạy theo để thỏa mãn niềm đam mê của mình”.

Tương tự, trên diễn đàn Vozforum, thành viên tên BungNo chia sẻ: “Tôi đồng ý với việc xem bóng đá phải trả tiền nhưng giá cả cũng phải phù hợp với mức sống của người VN. Tuy nhiên, như với mức phí của K+ thì không thể chấp nhận được, ngay cả những người có thu nhập cao sống ở các thành phố lớn cũng khó chấp nhận chứ nói gì đến người dân đang sống ở nông thôn”. Ở các diễn đàn bóng đá khác như MUVN FC, Juventus VN FC, hay Barcelona VN FC cũng như tại các diễn đàn có số lượng thành viên lớn như HDvietnam, Linkhay và cả các diễn đàn mua bán trên mạng... cũng đang hối thúc đồng loạt tẩy chay K+, và chấp nhận việc không xem bóng đá châu Âu trên truyền hình nữa, để phản đối lại cách làm của nhà đài này.

Trong khi đó, trên diễn đàn của trang VNR500 của Vietnamnet, bạn đọc Bùi Anh Tuấn nhận xét: “Đây là một hình thức bắt chẹt người tiêu dùng, không hiểu đến bao giờ mới thoát được khỏi vấn nạn này”. Còn bạn đọc Nguyễn Hùng Anh kêu gọi quyết liệt hơn: “Chúng ta phải đồng lòng tẩy chay K+ như chúng ta đã từng làm đối với sản phẩm ngoại của các doanh nghiệp quá coi thường hoặc chặt chém người tiêu dùng”. Một số ý kiến khác thì nhận định rằng: “Các chương trình bóng đá trên K+ và VTC HD chỉ dành cho những người có tiền”.

G.Lao (tổng hợp)

Mua 1 bán đến 25 lần

Chi phí bản quyền giải Ngoại hạng Anh mà Công ty MP Silva bán cho các đối tác VN trị giá 13,8 triệu USD trong 3 năm (trong khi MP Silva chỉ mua có 8 triệu USD từ BTC Premier League, nghĩa là họ lời đến hơn 5 triệu USD trong 3 năm, tức khoảng gần 100 tỉ đồng). Trong đó, K+ mua 10 triệu USD gói độc quyền phát sóng toàn bộ; còn SCTV, VCTV mua gói không độc quyền lần lượt là 1,7 và 1,8 triệu USD; riêng VTC chỉ mua gói phát được trên VTC-HD ngày thứ bảy là 300 ngàn USD. Như vậy, tính ra K+ chỉ tốn 3 triệu USD/năm, tức trên dưới 60 tỉ đồng.

Nếu thật sự đặt mục tiêu kinh doanh thấp hơn lợi ích người tiêu dùng như một lãnh đạo VSTV đã tuyên bố với Báo Thanh Niên thì kênh K+ phải tính chi phí cho phù hợp, nếu có lời thì cũng ở mức vừa phải. Đặt trường hợp K+ hợp tác với SCTV, giả sử mức doanh thu gấp ba lần tiền bản quyền trong một năm (tức lợi nhuận đã lên đến 120 tỉ đồng/năm, một tháng lời 10 tỉ đồng) thì với hơn 800 ngàn thuê bao của truyền hình cáp SCTV, mức thu thêm chỉ là 15 ngàn đồng/tháng cho mỗi thuê bao. Đó là con số chấp nhận được và người tiêu dùng sẵn sàng trả 55-70 ngàn đồng/tháng hiện nay + 15 ngàn đồng nữa để được xem bóng đá châu Âu. Nhưng đằng này K+ lại đưa ra con số 150 ngàn đồng/tháng thu thêm cho mỗi thuê bao của SCTV là bất hợp lý, nghĩa là doanh thu của K+ trong một tháng nếu kết hợp với SCTV đã gấp đến 25 lần so với tiền bản quyền. Một tháng K+ thu về hơn 120 tỉ đồng, một năm 1.500 tỉ đồng, gấp 25 lần so với chi phí họ mua bản quyền. Với mỗi năm lời gấp 25 lần như vậy, chỉ mới kết hợp với SCTV thôi cũng đủ thấy con số lợi nhuận khủng khiếp này, có phải là móc túi trắng trợn người dân?

Còn nếu không kết hợp với SCTV mà bán với giá thuê bao 3 triệu đồng/năm, K+ chỉ cần 2.000 thuê bao là họ lấy lại vốn. Nhưng theo thông tin từ K+, họ đặt ra mức bán đầu thu thuê bao từ nay đến khi giải Ngoại hạng Anh khai mạc trong 3 tuần nữa là 100 ngàn thuê bao, tức lời đến 50 lần!

T.K

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.