Cô gái Việt Nam cụt chân trước Hạ viện Mỹ

15/07/2010 22:59 GMT+7

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nạn nhân chất độc da cam Việt Nam sẽ điều trần trước Hạ viện Mỹ.

Trần Thị Hoan, cô sinh viên 23 tuổi của trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, sẽ điều trần trước Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương và các vấn đề môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào lúc 2 giờ chiều ngày 15.7 (giờ Washington). Bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN (VAVA), sẽ cùng điều trần với Hoan. “Tôi tin chỉ với gương mặt và hình hài đó thôi, Hoan đã có thể làm nghị trường rúng động rồi”, BS Phượng nói với Thanh Niên qua điện thoại từ Washington.

Hoan, sinh ra tại H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận, cho biết bài điều trần của mình sẽ tập trung vào những mảnh đời “da cam” của chính cô và bạn bè, cũng như mong mỏi nhận được bồi thường xứng đáng từ phía có trách nhiệm - Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất sản xuất chất độc da cam. “Tôi sẽ nói với các hạ nghị sĩ Mỹ rằng, tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người lắm”. Cô gái với đôi chân và cánh tay trái cụt quá nửa này đang sống tại làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ ở TP.HCM.

Chất độc da cam, loại thuốc diệt cỏ và rụng lá được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, chứa chất tetrachlorodibenzop dioxin, một trong những chất độc hại nhất mà con người từng tạo ra. Trong giai đoạn 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất độc da cam xuống hơn 7 triệu ha rừng Việt Nam nhằm hủy diệt nơi ẩn nấp của các chiến sĩ du kích thuộc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, theo số liệu do VAVA công bố. Khi hòa bình lập lại năm 1975, đã có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam và 400.000 người đã thiệt mạng.

Hy vọng công lý sẽ được thực thi

Phiên điều trần lần này sẽ là một cơ hội nữa để mang vấn đề chất độc da cam lên bàn nghị sự và đến những giới chức có thẩm quyền quyết định việc tăng viện trợ cho các nạn nhân VN. Tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm ngày một lớn của cộng đồng quốc tế, phiên điều trần sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp cho các nạn nhân chất độc da cam VN và cả gia đình của họ - những người đang từng ngày mong đợi công lý được thực thi”.

(Ông Len Aldis, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt)

Trao đổi với Thanh Niên qua điện thoại, dân biểu Eni F.H.Faleomavaega, Chủ tịch tiểu ban nói trên của Hạ viện và là người chủ trì cả 3 phiên điều trần tính từ năm 2008 đến nay, luôn dùng cụm từ “chiến tranh hóa học” (chemical warfare), khi đề cập đến chiến dịch rải chất độc da cam của quân đội Mỹ. “Những di họa từ chính sách sử dụng chất độc này trong cuộc chiến VN thực sự ngoài sức tưởng tượng”, ông Faleomavaega nói.

Từng tham chiến tại VN trong khoảng thời gian 1967-1968, ông Faleomavaega đã có những ký ức không thể nào quên từ những chuyến đi thăm các nạn nhân da cam tại VN.

“Khi nhìn thấy những đứa trẻ bị biến dạng ngay từ lúc sinh ra, tôi có cảm tưởng như chúng đang bị phơi nhiễm bức xạ hạt nhân vậy”.

Trong chuyến thăm VN tuần trước, thượng nghị sĩ Mỹ Tom Harkin cũng bày tỏ mong muốn tăng số tiền đền bù cho các nạn nhân da cam VN từ khoảng 3 triệu USD/năm lên 20-30 triệu USD/năm. Trao đổi với Thanh Niên qua e-mail, phát ngôn viên của ông Harkin nói hiện ông chưa thể công bố số tiền sẽ tăng lên cụ thể là bao nhiêu. “Thượng nghị sĩ Harkin đang vận động miệt mài để tăng tiền viện trợ”, người phát ngôn này nói. Còn ông Faleomavaega thì luôn nhấn mạnh: “3 triệu USD/năm không khác gì muối bỏ bể”. “Tôi vô cùng phẫn nộ mỗi khi đọc báo cáo rằng hàng tỉ USD đang bị lãng phí trong 2 cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan. Vung vít hàng tỉ USD nhưng không dành được vài triệu USD để khắc phục hậu quả của chất độc da cam sao? Không thể thế được”, ông nói. Dân biểu Faleomavaega nói ông chưa thể tiên liệu những gì sẽ xảy ra sau phiên điều trần này. Điều duy nhất ông có thể làm là cố gắng bằng tất cả khả năng. “Hy vọng rằng sẽ có những hạ nghị sĩ thấy được lẽ phải của nghĩa vụ khắc phục hậu quả của chất độc da cam và sẽ nói rằng chúng ta phải thực thi nghĩa vụ đó. Thế thôi”.

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng cho biết bà sẽ kiến nghị mạnh mẽ tại phiên điều trần này rằng tiền hỗ trợ cho các nạn nhân da cam phải được rót cho các tổ chức phi chính phủ của VN thay vì các tổ chức Mỹ như trước đây. “Chỉ riêng chuyện đến VN, họ (các tổ chức phi Chính phủ Mỹ - PV) đi cả đoàn và ở tại khách sạn 5 sao, tiền đến tay các nạn nhân sẽ còn được bao nhiêu? Trao tiền cho Chính phủ VN, cho các hội nạn nhân da cam VN thì mới đúng là giúp cho VN”, BS Phượng nói.

An Điền - Jon Dillingham - Calvin Godfrey

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.