Ở đâu cũng lắp được điện mặt trời

03/07/2010 00:51 GMT+7

Điện mặt trời ở bất kỳ địa phương nào trên cả nước cũng lắp được, riêng miền Bắc mới cần bổ sung điện lưới vào mùa thu, đông.

Ông Trịnh Quang Dũng - Trưởng phòng Công nghệ điện mặt trời, Viện Vật lý TP.HCM cho biết, điện mặt trời hiện nay, trên phạm vi toàn thế giới, chưa được phát triển so với điện gió, nhưng đã bắt đầu "rục rịch". Nhân loại đã nhìn thấy tương lai của nguồn năng lượng vô tận này. Sau năm 2030, nguồn điện sạch này sẽ phát triển mạnh mẽ và từ năm 2050 trở đi, điện mặt trời sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sử dụng điện trên thế giới. Và, sau năm 2100, điện mặt trời sẽ cung cấp 3/4 năng lượng cho toàn thế giới - ông Dũng lạc quan nói.

Theo ông Dũng, tại VN, trong 3 miền thì miền Trung và miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở xuống) sẽ có điều kiện tốt hơn cho điện mặt trời. Ở miền Trung và miền Nam, cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt  5,2 kWh/m2 (mặt đất)/ngày; miền Bắc khoảng 4,5 kWh/m2/ngày. Như vậy, miền Nam có thể đủ dùng được điện mặt trời quanh năm. Còn ở miền Bắc, phải có hỗ trợ từ các nguồn điện khác trong những tháng mùa thu và mùa đông. Với kỹ thuật nối lưới hiện đang áp dụng trên các nước trên thế giới, vào mùa thu và mùa đông, chúng ta có thể vừa sử dụng điện mặt trời, vừa sử dụng bổ sung nguồn điện lưới quốc gia (ưu tiên dùng điện mặt trời, thiếu bao nhiêu, điện lưới sẽ bù vào bấy nhiêu).

Ông Trịnh Quang Dũng giải thích: Điện mặt trời là quang điện, cứ có ánh sáng là có điện chứ không nhất thiết phải có ánh nắng của mặt trời. Chỉ có điều, những ngày không có nắng thì lượng điện được sản xuất ra sẽ giảm bình quân khoảng hơn 50% so với những ngày có nắng. Nói chung, trong khoảng 4 tháng bức xạ mặt trời bị gián đoạn ở miền Bắc, sản lượng điện mặt trời sẽ giảm, nhưng vẫn tốt hơn ở châu u gấp hơn 2 lần.

Ông Nguyễn Minh Đồng - Giám đốc Công ty Tư vấn kỹ thuật và chiến lược Devitec cho biết, bức xạ mặt trời tại VN bao giờ cũng cao hơn các nước châu u và Bắc Mỹ từ 40-50%. Ở châu u, một năm có đến 6 tháng mùa đông, ngày ngắn đêm dài mà nhiều nước vẫn làm được điện mặt trời. "Chỉ cần có ánh sáng ban ngày là có điện" - ông Đồng nói. Tuy nhiên, trong những tháng mùa đông, công suất phát điện sẽ yếu hơn, chỉ đạt khoảng 60-80% so với mùa hè.

Ông Diệp Bảo Cánh, Tổng giám đốc Công ty CP năng lượng Mặt Trời Đỏ cũng cho rằng, không phải nắng "cháy da" là nhiều điện như nhiều người nghĩ, bởi vì không giống như máy nước nóng năng lượng mặt trời hấp thụ nhiệt năng, điện mặt trời hấp thụ quang năng để phát điện. Theo tính toán, nhiệt độ khoảng 25 độ C, cường độ bức xạ mặt trời từ 1 kWh/m2 trở lên là hệ thống điện mặt trời sẽ có công suất cao nhất. 

M.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.