Kyrgyzstan trong vòng xoáy bạo lực

14/06/2010 23:55 GMT+7

Bạo động sắc tộc ở Kyrgyzstan chưa có dấu hiệu giảm bớt khi súng vẫn nổ và lửa vẫn cháy ở miền nam nước này.

Theo AFP, Bộ Y tế Kyrgyzstan hôm qua cho biết 124 người đã thiệt mạng và 1.685 người bị thương trong các vụ bạo lực giữa người Kyrgyz và người Uzbek thiểu số bắt đầu từ ngày 10.6. Tuy nhiên, hãng tin Nga Interfax dẫn lời một lãnh đạo cộng đồng Uzbek cho biết con số thực sự có thể lên đến 700 người. Theo AP, khoảng 100.000 người Uzbek đã tháo chạy khỏi Kyrgyzstan. Nước láng giềng Uzbekistan trong đêm 13.6 đã mở cửa biên giới cho những người này tị nạn, trong một động thái được Cao ủy LHQ về người tị nạn đánh giá cao, dù một nguồn tin Chính phủ Uzbekistan cho biết nước này có thể sớm đóng cửa biên giới và ngừng tiếp nhận người tị nạn trong ngày 14.6, theo Tân Hoa xã. “Chúng tôi sẽ không bao giờ quên chuyện này. Không thể sống chung hòa bình với nhau nữa rồi”, một người đàn ông Uzbek nói trong căm hận bên cạnh một hố chôn tập thể. 

Hôm qua, những đám cháy mới lại bùng lên ở thành phố Osh, nơi lương thực và nước uống đang rất khan hiếm. Những băng cướp có vũ trang đập phá các cửa hàng, cướp đi mọi thứ từ tivi đến thực phẩm. Bất chấp những cuộc tuần tra của quân đội, tiếng súng vẫn nổ lác đác khắp thành phố và một số người Uzbek còn cáo buộc quân đội tiếp tay với các băng đảng người Kyrgyz. Tại Jalalabad, cách đó khoảng 40 km, người Kyrgyz tập trung tại quảng trường trung tâm để chuẩn bị cho các đợt quần thảo mới. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu hôm qua cho hay nước này sẽ gửi hai máy bay đến Kyrgyzstan để đưa công dân của mình về nước. Trung Quốc cũng đã có động thái tương tự.

Chính phủ lâm thời của bà Roza Otunbayeva hiện vẫn chưa thể ngăn chặn bạo lực dù đã đưa ra những biện pháp cứng rắn như cho phép quân đội bắn chết tại chỗ những kẻ bạo loạn. Đã có ý kiến rằng các vụ bạo lực nhằm làm suy yếu chính quyền và Bishkek cũng buộc tội gia đình Tổng thống bị lật đổ Kurmanbek Bakiyev kích động bạo lực. Ông Bakiyev, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu tới vụ xung đột.

Hàng viện trợ đã bắt đầu được đưa đến miền nam. Nhiều máy bay đã hạ cánh xuống sân bay Osh, mang theo hàng tấn thuốc men của Tổ chức Y tế thế giới, Nga và nhiều nước khác. Những xe tải đưa hàng tiếp tế vào trung tâm thành phố với sự tháp tùng của xe tăng. Người dân miền bắc Kyrgyzstan cũng đóng góp hàng viện trợ nhân đạo và một số người bắt đầu hiến tặng máu ở Bishkek.

Bạo lực tại Kyrgyzstan có thể ảnh hưởng đến lợi ích chiến lược của Mỹ và Nga trong khu vực. Với Mỹ, quốc gia Trung Á là một điểm trung chuyển hàng tiếp tế và lực lượng quan trọng cho chiến trường Afghanistan. Trong khi đó, Nga cũng không muốn chính phủ lâm thời, vốn thân thiện với Moscow, sụp đổ vì không kiểm soát được tình hình.

Căn cứ Manas của Mỹ gần thủ đô Bishkek đang làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ và chính quyền lâm thời Kyrgyzstan để giúp vận chuyển thực phẩm và thuốc men. Trong khi đó, Nga đã gửi thêm 1 tiểu đoàn để bảo vệ căn cứ không quân của họ ở Kyrgyzstan. Theo AFP, Nga đã tuyên bố sẽ không đơn phương gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Kyrgyzstan. Tuy nhiên, tại một hội nghị khẩn cấp được tổ chức ở Moscow vào hôm qua, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể, vốn bao gồm Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, cho biết họ sẽ xem xét việc đưa một lực lượng quân sự đến miền nam Kyrgyzstan để dập tắt các cuộc xung đột sắc tộc tại đây.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.