Đừng lạm dụng lễ hội

31/05/2010 01:14 GMT+7

Nỗi kinh hoàng Quá lãng phí mà không biết phàn nàn cùng ai. Lễ hội cái nào cũng giống nhau. Khốn khổ nhất là bắt người dân phải xem những chương trình này trên truyền hình - một nỗi kinh hoàng! (hhoa...@yahoo.com) >> Lãng phí trong tổ chức lễ hội

Chi đúng chỗ

Tôi rất đồng tình với ý kiến của quý vị đại biểu QH. Nước ta còn nhiều người nghèo thì tại sao Nhà nước không hạn chế phung phí vào những việc chưa cần thiết để hỗ trợ cho người dân. Ở tỉnh tôi khi công bố quyết định từ TX Cao Lãnh lên TP Cao Lãnh, chỉ chi cho sân khấu và trang trí nghe nói đã đến hơn một tỉ. Số tiền ấy phải chi để dùng vào việc xóa đói giảm nghèo hoặc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ở địa phương hay cầu đường nông thôn thì tốt biết bao. Ngô Thị Cẩm Tú (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Lạm dụng lễ hội để xài tiền

Nhiều lễ hội hiện nay quá nhàm chán, địa phương nào, năm nào cũng đua nhau tổ chức, không có gì thay đổi. Việc khoa trương phung phí tiền bạc một cách vô lý không mang lại hiệu quả bao nhiêu. Cần nhớ: đất nước và rất nhiều người dân đang còn nghèo. Trần Đình Dũng (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng)

Cần chọn lựa để tổ chức

Nên lựa chọn một số lễ hội điển hình, có tầm cỡ để tổ chức cho nhân dân cùng thưởng thức. Và đã làm thì làm cho hoành tráng, đầy đủ ý nghĩa, sâu sắc để lại ấn tượng trong lòng người. Còn lại, có thể giao cho các ngành du lịch địa phương tổ chức, quảng bá và làm tour (có phê duyệt của cấp có thẩm quyền) để lấy thu bù chi là tốt nhất. Vừa duy trì được phong tục tập quán, vừa tiết kiệm ngân sách. (ntlong...@yahoo.com.vn)

Nhiều lễ hội na ná nhau

Qua các ý kiến về việc tổ chức quá nhiều lễ, hội trong thời gian qua, tôi thấy các vị đại biểu QH nhận xét rất đúng, nhất là dẫn đến nội dung, ý nghĩa một số lễ hội na ná giống nhau, lại tổ chức ở nhiều nơi, nhiều lần, từ đó, vừa không tác dụng tốt, vừa gây lãng phí tiền bạc, thời gian, nhân vật lực nhiều ngành, nhiều cấp.

Ở địa phương tôi, có lễ hội nội dung hoàn toàn như nhau, trước đây, có năm tổ chức, có năm không (vì do thiên tai, bão lũ nhiều)... Nhưng trong thời gian gần đây, mặc dù có thời điểm tình hình kinh tế khó khăn, thậm chí mất mùa tôm, lúa... đời sống người dân còn rất khó khăn. Song, ở tỉnh, ở huyện vẫn tổ chức lễ hội này (thậm chí cấp tỉnh bây giờ là một năm 2 lần), đồng thời, thêm các hội hè, hát hò khác, gây tốn kém rất nhiều, kể cả ngân sách nhà nước, tiền bạc của nhân dân.

Liệu có phải đây là chủ trương kích cầu không? Tôi cho rằng hiệu quả ngược lại là khác. Còn nói phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, thì thực tế cũng chưa thỏa đáng. Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo, nhất là các cơ quan tham mưu cần nghiêm túc cân nhắc, đánh giá chính xác lợi, thiệt trong việc này, để đề xuất, vận động nhân dân tổ chức các lễ hội sao cho thật sự mang đậm ý nghĩa nhân văn, với tinh thần tiết kiệm thời gian, tiền bạc, nhân vật lực cho nhiều việc khác có ích cho cuộc sống bản thân và cộng đồng hơn. Trần Văn Nhân (P.6, TP Sóc Trăng, Sóc Trăng)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.