Ca sĩ trẻ và nhạc thính phòng

20/05/2010 10:23 GMT+7

Khi phát triển con đường ca hát chuyên nghiệp, số ca sĩ trụ được với nhạc thính phòng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như: Mỹ Linh, Đức Tuấn, Lê Anh Dũng... >> Nghe nhạc thính phòng? \ Còn ai nghe nhạc thính phòng

Mỹ Linh – tiên phong “xuất khẩu” âm nhạc

Đầu tiên phải kể đến ca sĩ Mỹ Linh với những dự án âm nhạc gây được ấn tượng. Ca sĩ Mỹ Linh đã có bộ ba sản phẩm âm nhạc gồm: Made in Vietnam, Chat với Mozart, Để tình yêu hát được phát hành trên mạng lưới Pony Canyon – một trong ba hệ thống phát hành lớn nhất tại Nhật Bản.

 
Ca sĩ Mỹ Linh

Riêng Chat với Mozart (2005), Mỹ Linh và ê-kíp của cô phải mất 3 năm để hoàn tất sản phẩm. CD là những ca khúc hóa các trích đoạn nhạc thính phòng từ tác phẩm của Bach, Tchaikovsky, Schumann… bằng ca từ đẹp trên nền hòa âm mới với tiết tấu hiện đại của nhạc R&B. Bằng sự sáng tạo của riêng mình, Mỹ Linh đã khiến cho những người hâm mộ bình thường nhất có thể ngân nga những giai điệu bất hủ thông qua các nhạc phẩm: Những ngày mộng mơ, Gió và lá cây, Mùa đồng, Ngày xa anh, Sớm nay mùa xuân, Về đây thiên nga, Tháng 6…

Trên thực tế, Mỹ Linh có phòng thu riêng, đươc sự hỗ trợ của chồng – nhạc sĩ Anh Quân cùng ê-kíp chuyên nghiệp. Với bộ ba sản phẩm được viết bằng tiếng Việt, Mỹ Linh có quyền tự hào là người Việt Nam “xuất khẩu” âm nhạc sang nước ngoài.

Đức Tuấn – vươn ra biển lớn

Trung thành với dòng nhạc được xem là “sang, già” ngay từ khi bước chân vào con đường ca hát, cuối cùng, ca sĩ Đức Tuấn đã chọn cho mình hướng đi riêng từ cuộc thử nghiệm bước đầu khá thành công với âm nhạc thính phòng cổ điển từ dự án album và đêm nhạc cùng tên Music of the night. Trong đêm nhạc này, diễn ra tại nhà hát Lớn TP.HCM vào cuối tháng 11.2009, anh đã thể hiện những trích đoạn opera bằng tiếng Anh, Pháp, Ý. Sau thành công này, anh đã phần nào khơi gợi ra một hướng đi mới cho các ca sĩ trẻ mạnh dạn khẳng định khả năng ở dòng âm nhạc thính phòng cổ điển.

 
Ca sĩ Đức Tuấn - Ảnh: NVCC

Trong lúc trung thành với dòng nhạc xưa, Đức Tuấn vẫn không ngừng nuôi dưỡng ước mơ và những dự án âm nhạc thính phòng cổ điển. Bởi ở khoảng thời điểm đó, anh còn thân độc thế cô, quá khó để làm một chương trình ca nhạc thỏa ước nguyện chứ không mong có lãi. Đến khi gặp quản lý có chung niềm đam mê, bên cạnh dòng nhạc xưa, anh đã mạnh dạn thử sức ở dòng nhạc bán cổ điển, đồng thời nuôi dưỡng tham vọng đưa âm nhạc Việt vươn ra thị trường nước ngoài.

Chuyện bỏ ra một khoản tiền khổng lồ mời diva Canada  Geneviève Charest và nhạc trưởng Paul Bateman đến Việt Nam thực hiện đêm nhạc cá nhân vừa qua có thể nhiều người xem là xa xỉ, nhưng với Đức Tuấn lại không hề như thế. Bởi đó cũng là cách Đức Tuấn tiếp cận và cọ xát với cách làm việc của các nghệ sĩ quốc tế, phục vụ cho kế hoạch lâu dài của mình sau này.

Lê Anh Dũng – giậm chân tại chỗ?

Đăng quang ngôi vị cao nhất của dòng nhạc thính phòng tại Sao Mai 2007, ca sĩ 8X Lê Anh Dũng vẫn đang giậm chân tại chỗ, loay hoay trong việc tìm kiếm cho mình con đường âm nhạc. Trong một lần trả lời báo chí, anh nói rằng dòng nhạc thính phòng ở nước ta hiện nay chưa có được một ê-kíp thật chuyên nghiệp, quy mô và hoạt động hiệu quả. Chính vì thế, ca sĩ nhạc thính phòng thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển sự nghiệp của mình. Còn tình trạng hiện nay, anh nói, dù có được xem là quý hiếm, nhưng lại đang thiếu địa điểm để được trưng bày và công chúng thưởng thức. Phần lớn các chương trình âm nhạc bây giờ vẫn ưu tiên cho các ca sĩ nhạc nhẹ, nhạc thị trường…

 
 Ca sĩ Lê Anh Dũng

Nhạc thính phòng vốn kén khán giả. Cho nên, một số ca sĩ cũng đành ngậm ngùi tạm gác lại niềm yêu thích ấy để hát những dòng nhạc khác cho phù hợp với thị hiếu của công chúng…

Ca sĩ Đức Tuấn: m nhạc không có chuyện thiệt thòi!

Nói đến nhạc thính phòng, chúng ta phải hiểu thế nào cho đúng?

Nếu để diễn giải đầy đủ, tôi chắc chắn bài báo này không thể đủ! Tôi có thể nói ngắn gọn thế này, nhạc thính phòng có hai cách hiểu, và cũng là hai dòng nhạc thính phòng được biết đến hiện nay ở Việt Nam. Một: nhạc thính phòng cổ điển với các tác phẩm âm nhạc cổ điển, đây là cách hiểu chính thống trên toàn thế giới. Hai: phong cách thính phòng trong nhạc nhẹ, chủ yếu là dòng nhạc tiền chiến, nhạc trữ tình lãng mạn được hòa âm và biểu diễn theo phong cách bán cổ điển, lối trình diễn nghiêng về thính phòng, tức là trong không gian nhỏ, gần gũi khán giả, dùng nhiều các nhạc cụ mộc – acoustic.

Anh có ý kiến gì về thực trạng nhạc thính phòng ở Việt Nam?

Dùng “thực trạng” nghe nặng nề quá, vì thính phòng cũng chỉ là một trong nhiều phong cách thôi mà. Nhạc thính phòng cổ điển trước giờ vẫn luôn có một đời sống riêng với lớp khán giả riêng, không ồn ào nên nhiều người nghĩ không mạnh, thực ra vẫn phát triển rất tốt khi đời sống ngày càng được nâng cao. Phong cách thính phòng nhạc nhẹ nay được nhiều ca sĩ chọn lựa giữa lúc dòng nhạc xưa vẫn được nghe nhiều và đối tượng khán giả chính của dòng này là những người trưởng thành, người lớn tuổi. Họ thích phong cách thính phòng hơn là trẻ trung nhảy múa. Cho nên, thính phòng nhạc nhẹ đang có cơ hội để phát triển.

Hỏi thật, ở Việt Nam, anh có thiện cảm với ca sĩ thính phòng nào?

Với các ca sĩ dòng thính phòng cổ điển, tôi có cảm tình với Lan Anh, Ngọc Tuyền. Tôi đã vài lần hát chung với hai cô, đó là những giọng nữ cao rất đẹp. Về dòng thính phòng nhạc nhẹ, nhạc tiền chiến, tôi nghe nhiều người hát, nhưng theo tôi không có ai nghiêng hẳn về thính phòng, và chất thính phòng cũng không rõ rệt lắm nên chưa ai thuyết phục được tôi, có thể thích người này chút người kia chút nhưng thích lắm thì không.

Có thể nói, nhạc thính phòng kén khán giả. Vì thế ca sĩ của loại hình âm nhạc này cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn các ca sĩ ở dòng nhạc khác. Chính vì thế, hiếm ca sĩ trẻ chung thủy với loại hình âm nhạc này, cho dù bản thân họ có năng lực?

Như tôi đã nói ở trên, mỗi dòng nhạc đều có khán giả riêng, không phải ai muốn hát cái gì cũng có thể ngay tức khắc thành công. Ca sĩ trẻ có lý do của họ khi chọn con đường riêng của mình và tôi không bình luận về chuyện chung thủy hay không của họ với con đường đó. Tôi không nghĩ có chuyện thiệt thòi nào ở đây cả. Khi ta hết mình với thứ âm nhạc ta đã chọn, ta sẽ được đền đáp xứng đáng!

- Xin cám ơn anh!

Đ.L (thực hiện)

Mỹ Lam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.