Người nghiện, tái nghiện gia tăng

23/03/2010 01:41 GMT+7

Hôm qua 22.3, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có buổi giám sát tình hình triển khai Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy tại TP.HCM (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2009).

Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết hiện có 5.898 người nghiện (có 717 nữ) được quản lý tại các trung tâm để cắt cơn, cai nghiện phục hồi, dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động theo một quy trình chặt chẽ. Trong đó, người nghiện có hộ khẩu tại TP chiếm 53%, các tỉnh 31,5% và 15,5% sống lang thang. Tính riêng từ đầu 2009 đến 15.3.2010, các trường, trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội của TP đã tiếp nhận 3.424 người nghiện, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.

20% tái nghiện    

Đáng chú ý, trong số 16.694 người được tái hòa nhập cộng đồng về TP (sau khi Nghị quyết số 16/2003 Quốc hội khóa XI kết thúc) có đến 1.601 người tự ý rời bỏ địa phương không khai báo; có 732 trường hợp (tỷ lệ 4,38% tính trên số người có danh sách quản lý) vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự... Các vi phạm chủ yếu là trộm cắp tài sản, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy...

Đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, thông tin thêm: qua rà soát thực tế số về địa phương có 2.383 trường hợp tái nghiện, chiếm 20% số người tái hòa nhập cộng đồng có mặt tại địa phương. Đại tá Minh cảnh báo tình hình vi phạm mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng và sử dụng trái phép chất ma túy tại TP đang diễn biến phức tạp, gia tăng từ cuối năm 2008. Tuy trong năm 2009 giảm 138 vụ và 728 lượt người vi phạm so với năm 2008, nhưng số lượng ma túy tổng hợp thu giữ tăng so với cùng kỳ 2008.

Ma túy vận chuyển trái phép vào TP, theo đại tá Minh, chủ yếu qua các tuyến phía Bắc và các tỉnh giáp ranh Campuchia. Phương thức hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường sử dụng giấy tờ giả để che giấu lai lịch... Không ít vụ tội phạm ma túy có trang bị vũ khí nóng. Trong năm 2009 nổi lên tình hình đối tượng là người Nigieria thuê phụ nữ VN ra nước ngoài (Campuchia, Malaysia, Ấn Độ...) vận chuyển ma túy sang Trung Quốc tiêu thụ; xuất hiện tội phạm ma túy lên mạng internet lấy công thức pha chế ma túy tổng hợp bằng phương pháp thủ công để trộn Ketamin, Methanpetamine, cafein, Sorbitol, dùng khuôn ép thành viên bán cho người sử dụng.

Vướng luật  

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có một số nội dung khi áp dụng vào TP.HCM đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc và cả một số vấn đề không phù hợp. Điển hình là vấn đề cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện”, đại tá Phan Anh Minh thẳng thắn.

Hơn nữa, theo các sở, ngành TP.HCM, việc Chính phủ và các bộ, ngành chức năng chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung nên việc triển khai công tác này tại TP, vốn là địa bàn trọng điểm về các tệ nạn xã hội, gặp nhiều khó khăn. Đến khi có Nghị định 94 của Chính phủ (ban hành tháng 10.2009) quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện, thì cũng còn nhiều điều chưa rõ ràng, khó thực hiện...

Các cơ quan chức năng TP kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 94/2009. Trong đó, nghiên cứu bổ sung quy định chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương là địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại trung tâm hoặc tại nơi cư trú; những địa phương không là địa bàn trọng điểm thì chủ tịch UBND quận, huyện nơi lập hồ sơ đưa đối tượng vào trung tâm - chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội là cấp có thẩm quyền; cụ thể hóa các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư dạy nghề, giải quyết việc làm cho học viên và người sau cai nghiện; hướng dẫn chi tiết về áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại trong các vụ án về ma túy...

Chia sẻ những khó khăn của TP.HCM trong cuộc chiến phòng, chống ma túy, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết sẽ có ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét một cơ chế đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho TP thực hiện tốt công tác này. 

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.