Phố Wall giữ vững đà tăng

17/03/2010 08:47 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch ngày 16.3 (vào rạng sáng nay, 17.3, giờ VN), chứng khoán châu u đã trở lại đà tăng; trong khi các thị trường chứng khoán chủ chốt tại châu Á tiếp tục đi xuống. Mức tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ được mở rộng. >> Dưa hấu xếp hàng chờ... thối / Một con cá rô giá 2 triệu đồng / Thành lập Công ty đầu tư tài chính TP.HCM / Quỹ đầu tư chuyển hướng

Tại Mỹ, thông tin Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định kéo dài thời gian duy trì lãi suất cơ bản đối với đồng dollar Mỹ ở mức thấp kỷ lục nhằm bảo vệ nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đã giúp thị trường chứng khoán nước này khởi sắc.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ và nhận định của Fed, giá cả của hàng hóa nhập khẩu trong tháng 2 vừa qua đã giảm 0,3%, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia, là dấu hiệu cho thấy nguy cơ xảy ra lạm phát sau khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu.

Cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục tăng khá trong phiên này. Có thể kể tới là cổ phiếu Citigroup tăng 4,1%; cổ phiếu Wells Fargo tăng 1,3%; Morgan Stanley tăng 2,3%; cổ phiếu của ngân hàng cấp vùng BB&T Ban Corp cũng tăng 2,6%.

Phiên giao dịch 16.3 cũng ghi nhận những bước tiến tốt của nhóm cổ phiếu công nghệ. Cổ phiếu của Intel, hãng sản xuất chip máy tính hàng đầu thế giới, tăng 4%. Cổ phiếu của General Electric (GE), nhà sản xuất động cơ phản lực và thiết bị hình ảnh trong ngành y tế lớn nhất thế giới, cũng tăng 4,5%.

Bất chấp thị trường nhà đất vẫn gặp nhiều bất lợi, cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực này vẫn tăng giá trong phiên 16.3. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, số giấy phép xây mới nhà được cấp trong tháng 2 vừa qua là 575.000 trường hợp, giảm 5,9% so với tháng 1.2010.

Tổng kết phiên 16.3, chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên thành 1.159,46 điểm, cao nhất kể từ tháng 10.2008. Chỉ số Nasdaq dành cho các công ty công nghệ tăng 0,7% lên mức 2.378,01 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng tăng 43,83 điểm, tương đương tăng 0,4%, chốt phiên ở mức 10.685,98 điểm. Đây là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp đối với riêng Dow Jones Industrial, quãng tăng bền bỉ nhất kể từ đầu năm nay.

Tại châu u, việc Standard & Poor (S&P), hãng định mức tín dụng uy tín của Mỹ, cho biết sẽ không xem xét tới việc hạ định mức tín dụng của Hy Lạp do nước này đã rất nỗ lực để tìm kiếm biện pháp giảm thâm hụt ngân sách quốc gia, là nguyên nhân chính giúp các thị trường chứng khoán khu vực trở lại màu xanh.

Cùng với đó, ZEW Center, trung tâm nghiên cứu kinh tế châu u (có trụ sở tại Mannheim, Đức) cho biết chỉ số niềm tin nhà đầu tư của các nước trong khu vực trong tháng 3 này giảm xuống 44,5 điểm, tuy thấp hơn hồi tháng 2 nhưng vẫn cao hơn so với dự đoán 43,5 điểm của các chuyên gia (theo khảo sát của Bloomberg News).

Chỉ số Stoxx Europe 600 (STXE 600) chung cho toàn khu vực tăng 1% trong phiên này (16.3). Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,48% lên thành 5.620,43 điểm; CAC 40 của Pháp và DAX của Đức tăng lần lượt 1,23% và 1,14%, chốt phiên ở các mức 3.938,95 điểm và 5.970,99 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Athex Composite của Hy Lạp vẫn giảm nhẹ 0,5%.

Tại châu Á, trong phiên giao dịch cùng ngày (kết thúc chiều qua, 16.3, giờ VN), các thị trường chứng khoán chủ chốt ghi nhận sự tăng giảm đan xen, dù cổ phiếu của hầu hết các công ty đều tăng giá khá tốt.

Tại Tokyo (Nhật Bản), cổ phiếu của Sony Financial (một công ty con thuộc Sony) tăng tới 14%, cổ phiếu của Toyota cũng tăng 1,3%, cổ phiếu Nikon tăng 2,8%, nhưng chung cuộc, chỉ số Nikkei 225 vẫn giảm nhẹ 0,28%, xuống còn 10.721,71 điểm. HSI của Hồng Kông cũng giảm 0,27%, xuống còn 21.022,93 điểm.

Ghi nhận trên một số thị trường khác: Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,53%; KOSPI (Hàn Quốc) giảm nhẹ 0,09%; Straits Times (Singapore) tăng 0,77%. Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 0,1% trong phiên này.

Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.