Lây lất trung tâm bóng đá trẻ: Dang dở VST

10/01/2010 23:19 GMT+7

Được xem là lò đào tạo tư nhân nổi đình nổi đám khi thành lập cách đây 5 năm, nhưng giờ đây Trung tâm Đào tạo VST đang rơi vào tình cảnh phải hoạt động èo uột.

Khu nhà ở cho học viên của VST xây dở đã mọc rêu - Ảnh: K.H

Được xem là lò đào tạo tư nhân nổi đình nổi đám khi thành lập cách đây 5 năm, nhưng giờ đây Trung tâm Đào tạo VST đang rơi vào tình cảnh phải hoạt động èo uột.

Thiếu nền tảng

Việc gia đình Văn Sỹ vào thời điểm năm 2004 thành lập Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VST (tên viết tắt của cựu cầu thủ Sông Lam Nghệ An Văn Sỹ Thủy) được coi là bước đi táo bạo trong việc mở ra một mô hình hoàn toàn mới so với mô hình đào tạo của Sông Lam Nghệ An (SLNA). Bằng toàn bộ nguồn vốn huy động được và kiến thức của bản thân cộng với những hỗ trợ của chính quyền thị trấn Cửa Lò (Nghệ An), anh em Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy đã lao vào cuộc với tất cả niềm say mê lẫn tâm huyết muốn góp phần tạo ra một lứa cầu thủ tốt cho bóng đá VN. Với danh tiếng của gia đình nhà Văn Sỹ, nhiều cầu thủ trẻ từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã đến “tầm sư học đạo” với hy vọng sẽ được học hỏi và trau dồi kỹ năng đá bóng cũng như gương khổ luyện thành tài từ những người thầy.

Thời đó sự hình thành của VST như một thế chân kiềng, cạnh tranh và cũng góp phần tạo lực đẩy với trung tâm đào tạo chính quy của SLNA, nên được nhiều người ủng hộ. Cũng chính nhờ vậy mà VST đã thuê được mảnh đất 6.500m2 tại đường Sào Nam, thị trấn Cửa Lò để mở trung tâm và trong 2 năm đầu, học viên đến sinh hoạt rất nhộn nhịp. Ngoài 64 học viên chính thức của 3 lớp U.13, U.15 và U.17, còn có 30 em được gia đình gửi học theo dạng ngoại khóa, có lúc tính luôn những học viên ngoài giờ thì số học viên xấp xỉ 150 người. Khi đó, dù mặt sân không thật tốt và trang thiết bị chưa thật nhiều, nhưng vì tình yêu bóng đá của thầy trò và vì ước muốn đổi đời của nhiều cầu thủ nhí cộng với quyết tâm làm kinh doanh mạnh mẽ của gia đình Văn Sỹ, nên Trung tâm VST nổi bật hẳn so với các lò đào tạo khác. Chỉ trong 2 năm, đội VST đã tham dự giải U.17 toàn quốc và vào đến bán kết, rồi sau đó được chuyển giao cho Công ty Hải An để thành Hải An United (sau này là Saigon United).

Tưởng như con đường đi của VST thuận lợi thì đùng một cái, hơn 1 năm qua, trung tâm này đang rơi vào tình cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Nguyên nhân chính là do thiếu nền tảng. Hỏi chuyện một cựu cầu thủ từng tham gia công tác huấn luyện tại VST thì được biết, VST cạn vốn và mất đi nhuệ khí trong việc duy trì sức sống cho trung tâm. Số là sau khi liên kết rồi chuyển giao cho Công ty Hải An cũng như “bán” được hơn chục cầu thủ cho một số đội phía Bắc với chi phí cộng chung gần chục tỉ đồng, VST chỉ đủ trang trải một phần nguồn vốn ban đầu bỏ ra. Bởi đào tạo trẻ với 3 cấp lớp như vậy, mỗi năm chi phí không dưới 300.000 USD (khoảng 6 tỉ đồng), nếu làm bài toán đơn giản thì trong 3 năm đầu cũng mất đứt gần 20 tỉ đồng. Trên thực tế số cầu thủ nổi bật thật sự từ VST chỉ đếm trên đầu ngón tay và không phải ai cũng dễ dàng tìm được bến đỗ. Khi mà nguồn vốn cạn kiệt và cơ sở vật chất, chất lượng huấn luyện, điều kiện trang thiết bị... thiếu được nâng cấp thường xuyên thì rất khó để duy trì bệ phóng cho VST. Thực tế sau khi chuyển giao đội lớn (?) cho Hải An, VST không còn tiếp tục treo bảng tuyển sinh, mà chỉ duy trì 2 lớp gần 40 cầu thủ của các lứa tuổi 12 và 14 đã tuyển từ trước đó.

Hơn nữa cũng có ý kiến cho rằng VST hơi nóng vội trong việc kinh doanh bóng đá trẻ vì để đào tạo một cầu thủ thành tài thường mất 5 - 7 năm và không được sốt ruột. Nhưng việc sớm chuyển giao lực lượng cho Hải An và tìm cách bán các cầu thủ “chưa đủ chín” của mình chỉ sau chưa đến 3 năm đào tạo khiến cho mô hình này tạo tâm lý không tốt cho gia đình của nhiều cầu thủ. Từ đó có phụ huynh cho rằng nếu phải chọn giữa VST và lò SLNA thì gửi con theo con đường chính thống vẫn đáng tin cậy hơn.

Bao giờ có lối ra?

Thật ra mô hình tư nhân hóa trung tâm đào tạo của VST không khác gì Trung tâm Đa Phước của cựu danh thủ Nguyễn Văn Mộng thành lập hồi những năm 1997. Ý tưởng thì nhiều, mơ ước rất lớn, ban đầu rất hồ hởi, nhưng càng làm càng bắt đầu “đụng” vào cơ chế, vào tiền và vào những vướng mắc nảy sinh trong quá trình đào tạo từ chính trung tâm nên không thể duy trì được lâu. Việc VST phải “thu hẹp” khóa đào tạo trong thời gian gần đây cho thấy làm bóng đá trẻ là một công việc hết sức gian nan và chẳng phải ngày một ngày hai là có thể thu hoạch được nếu như không có sự kiên trì và có đầu ra hợp lý.

Một trong những nguyên nhân tác động đến việc VST không thể duy trì công tác đào tạo của mình là vì “đầu ra” chính của trung tâm này là CLB Saigon United đã xuống hạng và tương lai đội bóng trở nên mịt mù khi có những phản ứng không bình thường với LĐBĐ VN thời gian qua. Mấy ngày qua, chúng tôi đến trụ sở làm việc của trung tâm mới thấy có nhiều dự định của VST đang dang dở. Dãy nhà 2 tầng dự định làm nơi ăn, ở cho học viên xây chưa xong bỏ lâu ngày đã bám rêu. Bên trong, sân tập duy nhất cho cầu thủ xuống cấp, chỉ lưa thưa đôi mảng cỏ. Hai lớp học viên vẫn được duy trì học văn hóa và tập luyện đều đặn, tuy nhiên không khí không còn háo hức như thời điểm 2, 3 năm trước.

Hỏi chuyện Văn Sỹ Hùng về tương lai của VST thì nhận được câu trả lời sẽ cố gắng tiếp tục duy trì. Anh còn hé lộ thông tin T&T đã chính thức liên kết với VST để đào tạo trẻ. Nhưng ai cũng biết bầu Hiển nếu có liên kết với VST thì chẳng qua chỉ là thời vụ và cũng muốn tranh thủ việc đào tạo tại chỗ của VST để “hút” các cầu thủ gốc Thanh Hóa, Nghệ An ra T&T. Thực sự thì ông bầu của CLB giàu tiềm năng này đã tính đến chuyện mở trung tâm đào tạo của riêng T&T liên kết với CLB Leixoes (Bồ Đào Nha), do đó “mối tình” nếu có với VST cũng chỉ trong thời gian ngắn. Do vậy VST không thể tồn tại một cách lây lất mà cần phải tìm cho được hướng ra tích cực hơn. Một khi không giải quyết được “bài toán” tạo nền tảng vững chắc thì trung tâm bóng đá trẻ này sẽ khó sống tốt.


Ảnh: Khả Hòa

* Ông Hồ Văn Chiêm (Giám đốc điều hành CLB SLNA): "Khi VST hình thành, chúng tôi rất vui vì bóng đá trẻ Nghệ An có thêm một trường lớp đào tạo bài bản hẳn hoi. Nhưng sau khi chuyển giao cho Hải An, hoạt động của VST gần như "đóng khung", không còn rầm rộ nữa, thậm chí có lúc còn bị "quên lãng". Tôi nghĩ rằng đào tạo trẻ là một công việc lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ và chấp nhận "thương đau". Nhưng có lẽ VST đã không huy động được nhiều tiềm lực để có nguồn kinh phí mạnh cũng như nóng vội trong quá trình chuyển giao nên tình hình rơi vào thế khó khăn". 


Ảnh: Khả Hòa

* HLV Văn Sỹ Hùng: "Việc chuyển nhượng cầu thủ trẻ do VST đào tạo để kiếm lời dĩ nhiên là mục đích của chúng tôi. Nhưng điều chúng tôi trăn trở nhất là nguồn tài chính ổn định, bởi chúng tôi không những chỉ có kinh doanh, mà còn hướng tới việc đào tạo con người, đào tạo một thế hệ kế cận tài năng cho bóng VN. Nếu đến một ngày, những tập đoàn, doanh nghiệp không còn sát cánh nữa, có lẽ công việc đào tạo cũng theo đó không phát triển được".

K.Hoan - Tây Nguyên (ghi)

Quang Tuyến - Khánh Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.