Tiếp tục hỗ trợ lãi suất phát triển nông nghiệp, nông thôn

04/01/2010 14:10 GMT+7

Năm 2010, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký kết, giải ngân từ ngày 1/1/2010 đến 31/12/2010 của các tổ chức, cá nhân để mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng (VLXD) nhà ở khu vực nông thôn.

Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện gói kích cầu nông nghiệp, nông thôn trong năm 2009, tuy nhiên sẽ thu hẹp đối tượng và giảm mức hỗ trợ lãi suất so với năm trước.

Thu hẹp đối tượng hỗ trợ mua VLXD nhà ở

Cụ thể, năm 2010, đối tượng khu vực nông thôn được hỗ trợ lãi suất vốn vay mua vật liệu xây dựng nhà ở chỉ bao gồm địa bàn xã, không bao gồm địa bàn phường và thị trấn.

Các hàng hóa được hỗ trợ lãi suất vốn vay trong năm 2010 là hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, bao gồm: Các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp; Xe tải nhẹ trọng tải dưới 5 tấn; Máy vi tính để bàn; Vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp: Phân bón hóa học các loại (phân ure, phân lân nung chảy và phân lân super, các loại phân NPK có hàm lượng dinh dưỡng từ 18% trở lên, phân DAP); thuốc bảo vệ thực vật các loại thuộc Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư 09/2009/TT-BNN ngày 3/3/2009); Các loại VLXD chủ yếu để làm nhà: xi măng, thép xây dựng, gạch, ngói các loại, tấm lợp các loại.

Hàng hóa trên để được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn phải đáp ứng điều kiện: Do các tổ chức, cá nhân (có cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam) sản xuất, lắp ráp và có nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp các hàng hóa là máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam thông báo công khai rộng rãi danh sách, địa chỉ các cơ sở bán hàng và hệ thống đại lý bán hàng của doanh nghiệp để tổ chức, cá nhân có nhu cầu biết, liên hệ.

Giảm mức lãi suất hỗ trợ

Điều kiện được vay vốn về cơ bản vẫn như cũ, tuy nhiên có sự thay đổi về mức tiền cho vay và mức lãi suất hỗ trợ.

Cụ thể, về mức tiền vay, đối với các sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông nghiệp; máy vi tính; VLXD vẫn giữ nguyên là 100% giá trị hàng hóa và không vượt quá 5 triệu đối với máy vi tính, 50 triệu đối với VLXD. Riêng đối với các sản phẩm vật tư nông nghiệp, mức tiền vay tối đa vẫn bằng 100% giá trị hàng hóa, tuy nhiên không bị áp mức vay tối đa là 7 triệu đồng/ha.

Mức hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay mua vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và VLXD sẽ giảm từ 4%/năm xuống còn 2%/năm. Đối với các loại hàng hóa còn lại, giữ nguyên mức hỗ trợ lãi suất là 100%/năm.

Trong năm 2009 vừa qua, hiệu quả từ các gói kích cầu của Chính phủ, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua thiết bị sản xuất nông nghiệp và VLXD nhà ở khu vực nông thôn, đã giúp nhiều doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.    

Tính đến hết tháng 9/2009, sau gần 5 tháng kể từ khi Quyết định 497/QĐ-TTg  ngày 17/4/2009 (hỗ trợ lãi suất cho nông nghiệp nông thôn) ra đời, trên 34.000 tỷ đồng đã được giải ngân, giải ngân tín dụng bảo lãnh qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng đạt trên 10.000 tỷ đồng (chiếm 59%).

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của doanh nghiệp vừa và nhỏ, của các hộ nông dân vẫn còn bị hạn chế.

Bởi vậy, để chương trình kích cầu nông nghiệp, nông thôn thực sự phát huy được hiệu quả, cần thiết phải nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian qua (như vướng mắc về văn bản hướng dẫn, thủ tục vay vốn,...), để đạt mục tiêu cuối cùng là các chính sách hỗ trợ hướng trực tiếp đến nông dân, giúp nông dân chủ động nguồn vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đó kích thích sản xuất nông nghiệp phát triển.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.