Ông Lý Cường, Thủ tướng mới Trung Quốc, là ai?

11/03/2023 12:07 GMT+7

Tân Thủ tướng Lý Cường từng làm lãnh đạo ở các tỉnh thành có nền kinh tế phát triển hàng đầu Trung Quốc như Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải.

Lý Cường, tân thủ tướng Trung Quốc, là ai? - Ảnh 1.

Ông Lý Cường tại Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10.2022

REUTERS

Tại kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Nhân Đại, tức quốc hội Trung Quốc) khóa 14, ông Lý Cường đã được bầu làm thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, thay ông Lý Khắc Cường.

Theo Tân Hoa xã, ông Lý Cường sinh năm 1959 tại huyện Thụy An (ngày nay là thành phố cấp huyện) thuộc địa cấp thị (thành phố thuộc tỉnh) Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Ông theo học ngành cơ giới hóa nông nghiệp tại Đại học Nông nghiệp Chiết Giang, phân viện Ninh Ba, từ năm 1978 đến năm 1982. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm công tác đoàn thanh niên tại địa phương, cuối cùng trở thành bí thư huyện đoàn Thụy An vào năm 1984.

Trong giai đoạn 1984-1996, ông Lý Cường kinh qua nhiều vị trí tại Sở Dân chính tỉnh Chiết Giang và sau đó ông trở thành bí thư thành ủy Vĩnh Khang, một thành phố cấp huyện ở tỉnh này. Đến năm 2002, ông trở thành bí thư thành ủy Ôn Châu. Khi đó, ở tuổi 43, ông là bí thư thành ủy trẻ nhất trong hơn 30 năm kể từ khi Ôn Châu trở thành thành phố, theo Sina. Nằm bên biển Hoa Đông, Ôn Châu là thương cảng nổi tiếng về hoạt động giao thương với nước ngoài trong quá khứ. Sau cải cách mở cửa, thành phố này cũng được xem là căn cứ của kinh tế tư nhân và là cánh quạt của kinh tế thị trường tại Trung Quốc.

Vài nét về Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Sau hai năm rưỡi phụ trách Ôn Châu, ông Lý Cường trở thành tổng thư ký tỉnh ủy Chiết Giang vào năm 2004 và giữ chức vụ này đến năm 2012. Trong thời gian đó, ông cũng bước chân vào thường vụ tỉnh ủy Chiết Giang (khi đó ông Tập Cận Bình là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang). Ông cũng tốt nghiệp cao học ngành kinh tế thế giới tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc và lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Bách khoa Hồng Kông. Năm 2011, ông trở thành phó bí thư tỉnh ủy Chiết Giang và đến năm 2013 kiêm nhiệm chức tỉnh trưởng tỉnh này. Ông cũng trở thành ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tại Đại hội 18 diễn ra vào tháng 11.2012.

Vào tháng 6.2016, ông Lý Cường được bổ nhiệm làm bí thư tỉnh ủy Giang Tô, nhưng chỉ tại nhiệm trong 15 tháng. Trước thềm Đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10.2017, ông trở thành ủy viên trung ương và tại đại hội, ông được bầu vào Bộ Chính trị. Sau đó, ông được cử giữ chức bí thư thành ủy Thượng Hải, trung tâm tài chính và là một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc. Ông đã lèo lái thành phố vượt qua hai năm đầu đại dịch Covid-19 nhưng đến đầu năm 2022, Thượng Hải trở thành tâm dịch và phải phong tỏa toàn bộ trong suốt 2 tháng. Dù vậy, tại Đại hội 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10.2022, ông trở thành một trong 7 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, và đi thứ hai sau ông Tập Cận Bình trong lễ ra mắt.

Theo truyền thống, thủ tướng Trung Quốc là nhân vật quyền lực thứ hai trong hệ thống chính trị nước này và là người chịu trách nhiệm chính về kinh tế. Trong bối cảnh Bắc Kinh mở cửa trở lại với thế giới sau 3 năm theo đuổi nghiêm ngặt chính sách "zero-Covid" và quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, vai trò mới của ông Lý Cường càng được chú ý.

Theo South China Morning Post, ông Lý Cường được xem là người có tư duy thực tế và cởi mở với giới doanh nghiệp. Trong khi đó, Nikkei Asia lưu ý rằng ông Lý Cường là người duy nhất tại Trung Quốc trở thành thủ tướng mà chưa từng trải qua thời gian làm phó thủ tướng, nếu không tính Chu Ân Lai, thủ tướng đầu tiên của nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.