Nhìn Terry, thấy Chelsea nên học hỏi... Arsenal

01/02/2016 21:17 GMT+7

Thông tin về việc trung vệ đội trưởng John Terry tiết lộ kế hoạch chia tay Chelsea vào cuối mùa này được mô tả như một cú sốc. Sắp bước vào tuổi 36, đơn giản Terry vẫn chơi tốt, và hầu như không ai nghĩ rằng cầu thủ có thời gian cống hiến lâu nhất cho ‘The Blues’ hiện tại có thể chấm dứt ‘cuộc tình’ tại sân Stamford Bridge nhanh đến vậy.

Thông tin về việc trung vệ đội trưởng John Terry tiết lộ kế hoạch chia tay Chelsea vào cuối mùa này được mô tả như một cú sốc. Sắp bước vào tuổi 36, đơn giản Terry vẫn chơi tốt, và hầu như không ai nghĩ rằng cầu thủ có thời gian cống hiến lâu nhất cho ‘The Blues’ hiện tại có thể chấm dứt ‘cuộc tình’ tại sân Stamford Bridge nhanh đến vậy.

Không hợp lý về mặt thời điểm

Terry tuyên bố sẽ chia tay Chelsea vào cuối mùa giải này - Ảnh: Reuters

Trong cả hành trình bết bát của Chelsea tính đến nay, gần như không một ai ngoại trừ tiền vệ Willian còn giữ được phong độ. Rõ ràng trong bối cảnh này, tuyên bố ra đi của Terry có tác động rất xấu.

Việc chia tay một cầu thủ kỳ cựu là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên các đội bóng khác làm việc này khá tốt.

Manchester United đã chia tay cả thế hệ vàng 1992 của Sir Alex Ferguson mà không hề gây “sốc”, với Ryan Giggs hiện diện đến những ngày cuối cùng. Liverpool đẩy Steven Gerrard ra đi vào thời điểm thích hợp nhất, khi cựu đội trưởng Liverpool mắc sai lầm liên tục và sân Anfield đã có Jordan Henderson, P. Coutinho làm cảm hứng mới. Arsenal, trong khi đó luôn bán đội trưởng của mình ở thế bị động, và thực chất họ có thể làm điều này với Per Mertesacker hay Mikel Arteta mà không ai cảm thấy “sốc”.

Terry vẫn còn thi đấu tốt ở tuổi 35 - Ảnh: Reuters

Terry lại khác. Anh tuyên bố ra đi trong lúc đang chơi rất ổn định, bất kể cả hàng thủ Chelsea hiện tại đều xuống phong độ. Đội bóng này không có thần tượng mới ở thời điểm Terry tuyên bố chia tay.

Chelsea có vẻ rất quan tâm tới câu chuyện của Terry và tính thời điểm. Trong một thông báo vắn tắt được The Mirror trích lại ngay hôm 31.1, đội bóng này viết: “Anh ấy là một người phục vụ tận tụy cho Chelsea và là một đội trưởng tuyệt vời, vì lẽ đó, CLB sẽ giữ cánh cửa mở cho mọi cuộc thảo luận. Dù chưa có hợp đồng nào được đưa ra, tình trạng này sẽ thay đổi trong vài tháng tới”.

Sai lầm về mặt hình ảnh

Ông chủ Aramovich đã sai lầm trong nước cờ mang tên Terry - Ảnh: AFP

“Không có cái kết theo kiểu truyện cổ tích. Tôi sẽ không giải nghệ ở Chelsea”, The Guardian trích lời John Terry thừa nhận như vậy sau chiến thắng 5-1 của The Blues trước MK Dons tại FA Cup cuối tuần qua.

Cách diễn đạt của Terry cho thấy cầu thủ này hiểu rõ sẽ chẳng có cái gọi là tình cảm sâu nặng ở sân Stamford Bridge, như kiểu các CĐV vẫn thường mong chờ. Và như thế, nó cũng phần nào cho thấy Chelsea đang sai lầm trong việc xây dựng hình ảnh CLB.

Trong những thống kê gần nhất, Chelsea dù thua Manchester United và Liverpool về số lượng cổ động viên ở Anh, nhưng cũng thuộc hàng cao nhất châu Âu, nhỉnh hơn một chút so với Arsenal.

Tuy nhiên lượng người ủng hộ Chelsea được đong đếm nhiều qua mạng xã hội. Thành công của Chelsea chủ yếu đến trong khoảng 10 năm gần đây, vô tình trùng với giai đoạn bùng nổ internet nên có thể tạo hiệu ứng cao.

Mạng xã hội và internet cũng vì thế sẽ tạo hiệu ứng ngược, khi thông tin Chelsea đối xử có phần vô cảm với những cầu thủ kỳ cựu trong đội nhanh chóng tạo ra sự bàn tán. 

Lampard đã từng bị đẩy đi không thương tiếc - Ảnh: AFP

Tờ Independent (Anh) hôm 1.2 giật dòng tít: Thậm chí cả Terry cũng không thể tồn tại với một ông chủ tàn nhẫn (Roman Abramovich). Trước Terry, Chelsea cũng đã làm tương tự với Ashley Cole, Frank Lampard và cả việc bán Petr Cech cho Arsenal.

Rõ ràng từ việc đuổi cổ Roberto Di Matteo chỉ vài tháng sau chức vô địch Champions League, đến chuyện hủy hợp đồng với người đã tạo ra một Chelsea đỉnh cao của thập kỷ qua (Jose Mourinho) và câu chuyện Terry, Chelsea đang cho thấy sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của ông chủ Abramovich.

Trong khi đó, ở Arsenal, vẫn còn chỗ cho Rosicky - Ảnh: AFP

Cùng một chính sách hạn chế kỳ hợp đồng dài hạn với những người trên 30 tuổi, nhưng Arsenal đã thành công hơn Chelsea xét về mặt hình ảnh. Cách Arsenal “nuôi” những bệnh binh như Diaby, Walcott, Wilshere, Ramsey, và trường hợp Tomas Rosicky đã giải thích tại sao hơn 10 năm trắng tay, lượng cổ động viên Pháo thủ không hao hụt, bất chấp họ “trắng tay và giá vé cao ngất”.

Terry đã vượt qua nhiều khó khăn để trụ đến hôm nay, từ cú trượt chân trên mặt cỏ Luzhniki năm 2008, đến lần bị phanh phui vụng trộm với vợ Wayne Bridge, đụng chạm anh em nhà Rio Ferdinand, bị tước băng đội trưởng tuyển Anh...

Anh chính là những gì còn sót lại cho thế hệ Chelsea tuyệt đỉnh dưới thời đầu tiên của Jose Mourinho, ở sự lì lợm và không đầu hàng số phận. Nói như Frank Lampard trong trích dẫn trên hãng tin AP, thì Terry chính là “Ngài Chelsea”.

Cũng như Arsenal, các cổ động viên Chelsea hoàn toàn có thể nhìn vào Terry để vững tin trong những thời điểm gian khó. Nhưng Roman Abramovich không chọn cách này. Ông chuộng sự thay đổi hơn, như những gì đã làm với 13 lần thay HLV trong hơn 10 năm qua, nên Guus Hiddink và người kế nhiệm sẽ phải gầy dựng lại một Chelsea hoàn toàn mới, mà không còn vị thủ lĩnh nào.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.