Người trẻ đến đây để được trải nghiệm làm tranh Đông Hồ

01/11/2022 12:02 GMT+7

Chạm nét Đông Hồ là chương trình giúp các bạn trẻ tự tay thực hiện và tiếp cận kiến thức về thể loại tranh dân gian này.

Thuộc dự án Kì Công, Chạm nét Đông Hồ được diễn ra bởi tổ chức phi lợi nhuận Vietnamme vào cuối tháng 10 vừa qua tại Ươm Art Hub (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đến với Chạm nét Đông Hồ, người tham dự được tự tay pha màu, phết màu, dập khuôn và thực hiện bức tranh in khắc gỗ truyền thống với họa tiết dân gian theo phong cách cá nhân.

Người trẻ trải nghiệm các công đoạn làm tranh Đông Hồ

MAI THỤY

Thích thú trải nghiệm làm tranh Đông Hồ

Để thực hiện, người tham dự cần có nguyên liệu là giấy điệp và 5 bản khắc, mỗi bản khắc in một màu. Màu sử dụng trong tranh Đông Hồ cũng được chế biến từ tự nhiên bao gồm: màu đỏ (từ sỏi son), màu vàng (từ hoa hòe), màu xanh (từ lá chàm hòa với chút màu vàng), màu đen (từ than lá tre), màu trắng (từ bột điệp). Khi người tham dự in lần lượt theo thứ tự sẽ hoàn thiện một bức tranh đông hồ trong thời gian ngắn.

Cầm trong tay thành quả sau nửa tiếng, chị Huỳnh Thị Bích Hạnh (30 tuổi, ngụ tại TP. Thủ Đức) hào hứng chia sẻ: “Tôi có biết về loại hình tranh nghệ thuật Đông Hồ nên cũng hiểu được sự kì công khi thực hiện. Bản thân muốn làm nhưng lại tốn nguyên vật liệu nên không có thời gian và cơ hội để đầu tư. Do vậy, khi đến với chương trình, nơi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cũng chính là cơ hội để được trải nghiệm, hiện thực hóa ước mơ bấy lâu”.

Các bé thích thú khi lần đầu được trải nghiệm làm tranh Đông Hồ

MAI THỤY

Bản thân là thợ gốm, Lê Đào Phương Đình (27 tuổi, ngụ tại Phú Nhuận) cho biết cô cũng có niềm hứng thú với văn hóa thủ công Việt Nam và dòng tranh dân gian. Đồng thời, cô cũng mong muốn có thể ứng dụng chất liệu tranh Đông Hồ vào nghề gốm. “Tôi hy vọng nhiều người trẻ đi tìm hiểu và quảng bá thủ công truyền thống thông qua những sự kiện gần gũi như hôm nay để lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam nhiều hơn”, Phương Đình bộc bạch.

Không chỉ giúp người tham dự tự tay tạo nên bức tranh Đông Hồ mà chương trình còn có khu vực trưng bày những tác phẩm thuộc dòng tranh này. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn được lắng nghe diễn giả Nguyễn Thị Thanh Mai, từ kỹ sư tại Singapore đến người gieo mầm tranh Đông Hồ. Qua đó, người tham dự có thể hiểu hơn về kiến thức cũng như các dòng tranh Đông Hồ.

Tò mò tìm hiểu cách làm

MAI THỤY

Nỗ lực lan tỏa tranh Đông Hồ

“Tranh Đông Hồ được tạo nên bằng những chất liệu bản địa tự nhiên như vỏ cây, vỏ điệp. Bên cạnh đó, thể loại tranh này vốn bình dân và mang hơi thở nhịp sống đương đại, diễn tả nhịp sống thường ngày của nhân dân. Chính sự bình dị mà tranh Đông Hồ được lưu truyền qua thi ca suốt 500 năm. Tuy nhiên, dòng tranh này bị chững lại từ khoảng những năm 1975”, diễn giả Mai Nguyễn bùi ngùi chia sẻ.

Tuy nhiên, chứng kiến nhiều bạn trẻ tò mò và hứng thú với dòng tranh Đông Hồ, chị Mai vui mừng cho rằng đây là dấu hiệu tích cực khi giới trẻ ngày càng quan tâm giá trị truyền thống và biết bảo tồn thông qua việc lan tỏa đến nhiều người hơn.

Chị Mai chia sẻ hành trình Nam tiến để quảng bá nhiều hơn về dòng tranh này

MAI THỤY

Bằng việc sáng tạo ra bộ học cụ làm tranh Đông Hồ, chị gửi gắm mong muốn trẻ em và các bạn trẻ sẽ cảm nhận được về dòng tranh này sinh động, trực quan và sâu sắc hơn so với việc đọc thông tin từ sách báo.

Đồng quan điểm với chị Mai, Trần Lê Trọng Nghĩa, thành viên sáng lập Vietnamme, chia sẻ lý do muốn đem thủ công truyền thống đến gần hơn các bạn trẻ bởi anh tin rằng vẻ đẹp thủ công luôn đáng được trân trọng.

Chị Mai mong muốn sẽ duy trì làng nghề tranh Đông Hồ và phát huy những nét sáng tạo mới

MAI THỤY

“Đặc biệt trong bối cảnh hiện đại, khi người trẻ khó có điều kiện để tiếp xúc trực tiếp với thủ công truyền thống nên Vietnamme mong muốn mang dự án thiết thực, thú vị để các bạn trẻ trải nghiệm và mang đến đời sống thứ hai cho tranh Đông Hồ trong nghệ thuật đương đại. Thông qua đó, các bạn có những tham chiếu gần gũi, tích cực, đầy đủ để thêm quan tâm, yêu quý thủ công truyền thống Việt Nam”, Nghĩa thổ lộ.

Thông qua buổi triển lãm và trải nghiệm, chị Mai cũng gửi gắm hy vọng nhà nước cùng các ban ngành sẽ phối hợp với các nghệ nhân để chú trọng việc duy trì làng nghề tranh Đông Hồ và phát huy những sáng tạo mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.