Người dân đi gần 8 km mới tìm được chỗ mua xăng

10/10/2022 19:11 GMT+7

Theo Cục Quản lý thị trường Kiên Giang , qua kiểm tra, hầu hết các cửa hàng xăng dầu trong tỉnh đóng cửa là do không có nguồn hàng, chưa phát hiện cây xăng nào găm hàng.

Ngày 10.10, tin từ Sở Công thương Kiên Giang cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn, nhiều cây xăng phải đóng cửa hoặc chỉ bán cầm chừng do không có hàng. Nguyên nhân là các thương nhân phân phối xăng dầu phụ thuộc vào các thương nhân đầu mối nhưng các thương nhân đầu mối chỉ cung ứng nhỏ ngọt, cầm chừng, thậm chí hết hàng và chờ vận chuyển hàng…

Cửa hàng xăng dầu của hệ thống Petrolimex ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang) treo bảng hết xăng vào chiều 10.10

XUÂN LAM

Hiện, các thương nhân phân phối xăng dầu chỉ có khả năng đảm bảo cung ứng trong hệ thống theo tiến độ từ 2 - 3 ngày. Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được các thương nhân phân phối xăng dầu cung ứng cầm chừng, mỗi lần cấp chỉ từ 1 - 3 m3, cách nhau từ 3 - 5 ngày, trong khi cửa hàng bán hết xăng dầu từ 2 - 3 ngày, dẫn tới tình trạng các cửa hàng khan hiếm, thiếu hàng cục bộ từ 1 - 2 ngày.

XEM NHANH 20H ngày 1010: Lạ lùng cảnh vất vả mua xăng ở TP.HCM | Miền Tây chật vật vì triều cường

Chiều cùng ngày, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong hệ thống của Petrolimex cũng phải kéo rào, treo biển “hết xăng”. Anh Nguyễn Minh Thuận, người dân ở H.U Minh Thượng (Kiên Giang), cho biết sáng nay anh phải đi gần 8 km mới tìm được chỗ mua xăng. Xăng khan hiếm khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hoá nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn.

“Mấy cây xăng ở H.U Minh Thượng thường xuyên đóng cửa nên muốn mua thì phải chạy qua huyện khác. Sáng nay không có xăng, tôi phải đi kiếm, chạy qua tới xã Thạnh Yên. Mấy bữa trước chạy khoảng 8 km mới mua được xăng. Còn ở dưới xã Minh Thuận, bà con không có xăng chạy. Xã Minh Thuận có 3 cây xăng nhưng hôm qua (9.10) cả 3 không mở, hôm nay thì có 1 cây xăng mở cửa bán mà chỉ bán 20.000 đồng, mua nữa cũng không bán”, anh Thuận nói.

Cục Quản lý thị trường Kiên Giang cho biết, qua kiểm tra, hầu hết các cửa hàng đóng cửa là do không có nguồn hàng, chưa phát hiện cây xăng nào găm hàng. Số lượng các cây xăng đóng cửa cũng biến động, không ổn định vì khi có hàng thì họ lại mở cửa bán, hết hàng thì đóng cửa. Trong ngày hôm nay (10.10), do có thông tin xăng chuẩn bị tăng giá theo chu kỳ điều chỉnh giá nên số lượng người dân đi mua xăng tăng cao, khiến nguồn cung cấp xăng trong tỉnh đã thiếu hụt lại càng thiếu trầm trọng hơn.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Kiên Giang tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều hành giá linh hoạt theo đúng chu kỳ kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ tết, không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động; chỉ đạo đối với các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để đứt gãy nguồn cung hoặc thiếu hụt cục bộ trong hệ thống phân phối; có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong giá cơ sở từ thương nhân đầu mối, hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ nhằm ổn định trong hệ thống phân phối xăng dầu để các thương nhân có thể duy trì hoạt động kinh doanh, góp phần phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Số cây xăng hết hàng ở TP.HCM tăng vọt lên 121
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.