"Cô gái bán hoa" - Truyện ngắn của Thái Bá Tân

06/02/2010 14:49 GMT+7

Thành phố đêm trăng. Đèn sáng rực khắp nơi nhưng không át được thứ ánh sáng huyền ảo có màu vừa bàng bạc vừa xanh lơ của trăng rằm tháng sáu cao trên đầu. Trời không mây. Gió ấm thổi nhẹ từ phía sông Hồng thật dễ chịu, phảng phất mùi gì đấy như mùi trăng. Đúng hơn, có lẽ đó là mùi hạnh phúc.

Ông đang cảm thấy hạnh phúc, cái hạnh phúc bình dị của một người không đòi hỏi nhiều ở đời, chỉ muốn cho, nếu có cái để cho. Một người tốt, chân thành đến mức ngây thơ, do vậy nhiều khi lạc lõng và dễ bị tổn thương. Vì người tốt thường dễ tổn thương.

Đứng dưới vành trăng tròn vằng vặc ấy, ông thấy người lâng lâng như có thể bay lên được. Cảm giác này làm ông nhớ tới chuyện khoa học đã chứng minh rằng khi đứng đúng dưới trăng tròn, trọng lượng người ta sẽ nhẹ hơn chút ít. Có thể nhẹ hơn bao nhiêu? Ông không biết, nhưng quả người ông đang rất nhẹ. Ông bèn nhún người, nhảy lên một cái như trẻ con.

Ông mỉm cười, đưa mắt nhìn quanh, hài lòng thấy ai cũng có vẻ no đủ, ăn mặc đẹp, phố xá khang trang, xe cộ bóng lộn nối đuôi nhau nườm nượp. Ông hạnh phúc với ý nghĩ rằng ông và cả dân tộc đã phải chịu vất vả, hy sinh mấy mươi năm quả không uổng, để có được ngày hôm nay.

Khi hạnh phúc người ta dễ xúc động, dễ nảy ra ý định làm một việc gì đấy thật lớn lao, phi thường, thật tốt cho người khác.

Nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta đang ở đúng tâm trạng ấy khi ông nện gót giày đi dạo dọc theo một trong những đường phố đẹp nhất của Hà Nội.

Bạn có tò mò muốn biết người đó là ai? Chính là giáo sư N. xấu số tôi viết trong truyện Say nắng năm ngoái. Ông giáo sư thơ ngây, "mắc bệnh tim to" và độc thân, đã nghỉ hưu ấy, một hôm trời nắng đẹp quyết định dạo phố, tự cho phép mình hút thuốc ba con năm, uống rượu vang Pháp, vào hiệu "gội đầu máy lạnh", nơi ông, vì "say nắng", đã để mình lọt vào vòng tay một cô gái trẻ rồi bị đưa lên đồn công an...

Ông là bạn thân của tôi. Chuyện xảy ra đúng như thế. Có điều ông không treo cổ tự tử khi bị báo nêu đích danh, mặc dù đã có ý định ấy, bởi tôi và mấy người bạn nữa kịp thời can ngăn. Thường vẫn thế, trong đời mọi việc không tiến triển một cách quyết liệt như trong truyện. Tôi phải xin lỗi bạn đọc vì đã phịa ra cái kết mà theo tôi là hợp logic ấy.

Vậy là giáo sư N., lần này ban đêm, dưới ánh trăng, lại lâng lâng bước đi trên đường phố thủ đô xinh đẹp. Có nói ông bị "say trăng" thì cũng chẳng sai. Ánh trăng làm người ông mềm ra, hơi hơi mệt một cách dễ chịu. Ý tưởng về việc làm "tốt", "vĩ đại" vẫn lởn vởn trong đầu. Tiếc rằng ông không còn trẻ, người gầy nhom, lại giữa lúc thanh bình hạnh phúc thế này, chắc ít có điều kiện để ông thực hiện ý tưởng đáng khen ấy. Nên ông cứ thong thả bước, cho đến lúc bất chợt nhìn thấy một cô gái đứng bên góc phố, tay cầm bó hoa chìa phía trước.

Người, xe đi ngang qua cô rất đông nhưng chẳng ai để ý. Cũng đúng thôi, ban đêm ai đi mua hoa? Chẳng những thế, hoa lại héo, không đẹp tí nào. Không trông rõ hoa gì, chỉ thấy trăng trắng một đám. Cô gái rõ ràng đang tuyệt vọng vì ế ẩm. Chắc cô cảm thấy rất buồn và bất hạnh... Giữa đêm trăng tuyệt đẹp thế này, ở một thành phố cũng tuyệt đẹp với bao con người hạnh phúc thế này mà lại có kẻ bất hạnh?

Giáo sư N. khựng chân lại, nhăn trán với vẻ khó hiểu rồi hăng hái tiến lại gần cô gái. Cơ hội thực hiện việc làm "vĩ đại" đã đến.

Ông móc túi lấy hết số tiền mình có đưa cho cô (dù không nhiều, nhưng cũng kha khá), rồi cầm bó hoa héo lên tay. Vậy là ông đã biến được một người bất hạnh, có lẽ duy nhất của thủ đô đêm nay, thành người hạnh phúc. Ông mỉm cười, sung sướng và hồn nhiên như đứa trẻ.

"Bác... Anh không mua hoa gì nữa à?".
Ông không hiểu, đứng đờ ra hồi lâu.

"Tôi già rồi. Cô gọi bác cho tiện". Cuối cùng ông nói: "Tôi đã mua hết hoa của cô rồi đấy thôi".

"Em bán cả hoa kia nữa". Cô gái ấp úng nói, phớt lờ yêu cầu thay đổi cách xưng hô.

"Hoa nào?".

Cô gái có vẻ lúng túng, chắc lần đầu gặp ông phải khách chậm hiểu thế này. Cô đành phải nói thật:

"Em là gái bán hoa... Nếu thích, anh đưa em đi đâu đó, làm gì thì làm. Chỉ cần cho em dăm chục nghìn. Ba chục cũng được".

Giờ thì ông giáo sư già đã hiểu. Có cái gì nhoi nhói trong ngực. Nhìn kỹ, ông thấy cô gái còn trẻ, chắc chưa đến hai mươi, không xinh đẹp nhưng cũng ưa nhìn và có vẻ thật thà chất phác kiểu nhà quê.

"Bác từ quê lên à?". Cô gái hỏi, chuyển sang gọi bác, xưng em. "Em cũng từ quê lên đấy. Quê em Thái Bình. Bác ở đâu?".

"Tôi người Hà Nội, sống ở đây sáu mươi năm rồi". 

Ông đáp, vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Nó hẵng còn là một con bé. Một con bé ngốc nghếch!

"Sao cháu không ở quê, lại lên đây làm nghề này?".

"Ôi, sao đàn ông nào cũng hỏi em câu ấy nhỉ? Nhất là các ông già". Cô gái nói to, giọng khó chịu và thách thức. "Hỏi ra vẻ thương lắm, rồi sau lại lôi con người ta tới cái xó xỉnh nào đó. Tại sao không được lên đây? Hà Nội của riêng các người à? Hà Nội không cần những đứa nhà quê như em à? Chỉ giỏi đạo đức giả. Thôi, không cần dài dòng. Có muốn thì ta đi. À, mà lúc nãy đưa cũng nhiều tiền rồi đấy. Đủ cho cả hai loại. Không phải trả thêm nữa đâu. Dân quê bọn em cũng tự trọng, sòng phẳng lắm…".

Giờ thì giáo sư N., nhà vật lý lý thuyết đã đọc hàng núi sách về chuyên môn trong căn hộ "hang chuột" ở một căn hộ chung cư kiểu cũ, hiểu cặn kẽ tường tận tất cả các hạt vật chất và phi vật chất vô hình, đang bối rối thực sự, không hiểu cô gái trẻ con trước mặt mình đang nói gì, vì sao lại nói như thế, và quan trọng hơn, là ông phải làm gì bây giờ.

Hình như vụ gội đầu thư giãn ở quán Minh Hồng năm ngoái không giúp ông hiểu  thêm được gì về cuộc sống hiện đại. Thường những người quá chân thành, cả tin chẳng bao giờ rút được bài học nào cho mình.

Ông im lặng khá lâu, cho đến lúc cô kia suýt đuổi đi thì bỗng vọt miệng nói, giọng quả quyết:

"Thế thì đi".
"Đi đâu?".
"Về nhà tôi".
"Không sợ sư tử Hà Đông à?".
"Tôi sống một mình".

"Được đấy. Vậy thì đi. Nhưng nhà anh có xa không? Em không muốn đi bộ, mất thời gian. Hôm nay chưa được khách nào. Anh không còn tiền thuê xe à?".

Ông nhìn cô, nghiêm giọng:

"Tôi nhắc lại: đừng xưng anh em. Bác cháu dễ nghe hơn".

"Cũng được. Nhưng bác bác cháu cháu rồi lại làm chuyện ấy, ngượng lắm. Có người còn vừa làm vừa hỏi có thích không con. Kinh!".

"Sẽ không có chuyện ấy".
"Hử? Vậy về nhà làm gì?".
"Rồi cháu sẽ biết. Yên tâm. Bác chỉ mong điều tốt cho cháu thôi".

"Hay bác định đưa cháu về đồn công an? Đừng! Cháu van bác. Sợ lắm. Cháu bị bắt một lần rồi...".

"Công an nào. Rõ vớ vẩn. Thôi, không nói nhiều nữa. Nào, ta đi!".

Rồi ông cầm tay cô gái dắt đi.

Trên cao trăng vẫn sáng, thơ mộng và quyến rũ. Vẫn ngay trên đỉnh đầu, nhưng ông không còn cái cảm giác lâng lâng lúc nãy. Có thể các nhà khoa học đã sai khi kết luận về sự giảm trọng lượng do sức hút từ mặt trăng.

Quang cảnh phố xá, người xe vẫn thế, nhưng bức tranh hạnh phúc bây giờ đã không còn trọn vẹn, vì ông đã phát hiện một vết ố nhỏ, chính là cô bé này. Không hiểu sao ông cảm thấy mình có lỗi vì đã để nó xuất hiện.

Đột ngột và nhanh chóng, ông phác ra trong đầu kế hoạch để xóa sạch vết ố ấy. Có làm được, mới chính là việc "tốt, vĩ đại" mà ông vẫn mong ước.

***

Bà hàng xóm to béo và tốt bụng rất ngạc nhiên khi bị giáo sư N. gõ cửa vào đêm khuya, lúc đã mười giờ rưỡi và bà đã đi ngủ. Bà sống một mình với đứa cháu gái được gửi từ quê ra nhờ nuôi hộ. Hóa ra, ông xin bà cho một cô gái không quen biết ngủ tạm, ít nhất cũng vài tối.

"Người bà con của bác à?".
"Không. Chỉ là cô gái bán hoa tôi gặp ngoài phố".
Là người từng trải, bà hiểu đúng nghĩa bóng của từ này.
"Trời! Lại còn dẫn về nhà. Nếu bác cần thì sao không đưa về phòng mình?".
"Bà hiểu sai rồi, tôi chỉ muốn giúp cô ấy đổi nghề".
"Giúp cách nào?".

"Tạm thời chưa rõ, nhưng phải giúp và chắc giúp được. Nhà tôi rộng nhưng cho ở đấy không tiện. Vậy mới nhờ đến bà. Có thể cô ấy đói, bà có gì cho ăn hộ. Mai tôi sẽ nói hết mọi chuyện".

Vậy là tối hôm ấy cô gái bán hoa ngủ lại nhà bà hàng xóm. Bà này thương người, lại quý ông giáo sư nên đã nhận lời. Bà không chỉ cho cô ăn mà còn bắt tắm rửa thật kỹ. "Khi nào mòn hết nửa bánh xà phòng này mới thôi", bà dặn thế.

Còn cô gái thì dọc đường đi trước đó đã được nghe nói về kế hoạch của giáo sư nên cũng yên tâm. Cô cũng kể về mình và được ông tin một cách tuyệt đối như tất cả những người tốt bụng có lòng trắc ẩn khác.

Sau đó ông gọi điện cho tôi, bảo phải đến ngay có chuyện quan trọng. Hiểu tính bạn, tôi đồng ý mà không vặn hỏi điều gì, dù đã mười một giờ đêm.

"Tôi có lòng, ông có tiền. Vậy ta thử giúp con bé!". Ông nói sau khi kể tôi nghe vắn tắt sự việc.

"Tôi cũng có lòng", tôi đáp, hơi chút tự ái. "Ông mãi vẫn không chừa được cái tính bốc đồng. Không khéo lại chuốc vạ vào thân".

"Thì đã sao? Suy cho cùng, những gì tôi làm mấy mươi năm qua trong lĩnh vực vật lý lý thuyết, cũng như cả trăm truyện ngắn dạy đời của ông, cũng không bằng cứu được một con người cụ thể như cô gái này...".

"Có thể như vậy. Nhưng Lỗ Tấn bỏ nghề y chuyển sang viết văn với ý nghĩ cùng một lúc có thể giúp được nhiều người hơn".

"Ông không ví mình với văn hào Lỗ Tấn đấy chứ?". Giáo sư N. nhìn tôi châm chọc. "Tôi đùa thôi. Công bằng mà nói, truyện ông cũng không đến nỗi, ít ra đọc xong người ta vẫn thấy yêu đời và còn muốn sống. Chứ như nhiều vị bây giờ viết gì mà khiếp, độc ác, tục tĩu, toàn một màu đen kịt. Thế nhưng, cái tốt, cái thương người của ông vẫn chỉ ở trên giấy, còn đây là một cô gái tội nghiệp bằng xương bằng thịt và đang chờ ta kéo ra khỏi vũng bùn...".

"Nếu cô ta không muốn được kéo ra thì sao?".
"Không thể có chuyện ấy. Không ai muốn sống trong bùn đen nhớp nhúa". 
"Nếu cô ta lừa ông, hoặc sau bao nhiêu vất vả, đâu lại vào đấy?".
"Thì coi như tôi tính sai một con số, ông viết một câu văn sai ngữ pháp. Đời còn dài mà. Vả lại, có sai thì mới có đúng".

Tôi thấy đuối lý trước những lập luận giản dị ấy.

***

Hai ngày sau, với tiền của tôi (ông hỏi mượn, bảo sau con gửi về sẽ trả), sự năng nổ đáng khâm phục của ông và cả sự giúp đỡ của bà hàng xóm, cô gái bán hoa được ở trong căn phòng mười lăm mét vuông trên tầng bốn một ngôi nhà chung cư, với giá thuê ba trăm năm mươi nghìn đồng một tháng, trả trước ba tháng. Ông bỏ tiền sắm cho cô những vật dụng cần thiết cùng năm mươi cân gạo, hai chai nước mắm và một nồi cá kho lớn. Những thứ này do bà hàng xóm gợi ý và lo liệu.

Để cô tự nuôi sống mình, ông thuê một góc cửa hàng (chỉ cách nơi ông gặp cô lần đầu mấy chục mét), thêm một triệu đồng làm vốn để cô mua hoa về bán. Tôi hỏi sao nhất thiết phải bán hoa chứ không phải cái gì khác, ông đáp, để cô vẫn là cô gái bán hoa như ông nghĩ lúc đầu. Bán hoa làm đẹp cho đời chứ không phải ngược lại. Một ý tưởng đẹp đẽ, đáng yêu.

***

Mọi việc có vẻ suôn sẻ. Ông hớn hở ra mặt. Tôi cũng vui lây với ông, một lần còn đi theo đến tận cửa hàng hoa và căn phòng mới thuê. Cô gái có vẻ chí thú và cũng khá ngoan.

Vậy nhưng, chỉ một tháng sau, một thằng lẻo khoẻo mặt đầy mụn bỗng xông đến nhà giáo sư N. làm ầm lên, như thể ông cướp vợ hắn. Bà hàng xóm phải nhờ anh bảo vệ tống hắn ra ngoài, nhưng cũng có khối người trong chung cư đã nghi ông làm điều bất chính.

Sau đó vài tuần thì ông chủ nhà đem tiền đến trả lại, không cho thuê nhà nữa, với lý do không muốn nhà mình biến thành nhà chứa, vì rằng cô gái bán hoa vẫn đêm đêm ra đứng đường "bán hoa" ở chỗ cũ, bắt được khách lại dắt về phòng mình.

Giáo sư N. nhất quyết không tin, đang đêm bắt tôi cùng tới đó để tận mắt xem hư thực thế nào. Nể bạn, tôi phải đi cùng. Cô gái tối ấy ở nhà. Khi chúng tôi gõ cửa bước vào thì hai anh công an khu vực đột ngột xuất hiện (chắc đã rình sẵn từ trước rồi). Một anh nghiêm mặt nói: "Lẽ ra các cụ nên làm gương cho con cháu, đằng này lại...". May sao, ông chủ nhà đã kịp đến thanh minh hộ.

Hôm sau thì cô gái bán hoa biến mất, tất nhiên mang theo tất cả những gì có thể mang đi được.

***

Nhiều bạn đọc cứ hỏi những gì tôi viết có đúng như sự thật xảy ra không. Câu hỏi thật khó. Vừa đúng lại vừa không.

"Nhà văn nói láo, nhà báo nói phét", người đời vẫn cho là thế. Viết văn là hư cấu, tất nhiên, nhưng không phải hư cấu hoàn toàn. Muốn hay không, vẫn phải có một liều lượng sự thật rồi từ đấy thêm thắt, khái quát thành câu chuyện còn thật hơn cả chuyện thật ngoài đời. Nếu không thì ai cũng có thể viết văn, chỉ cần nhớ ngữ pháp và ít nhiều biết cách kể chuyện.

Cứ tin tôi đi, nếu ai đó viết phịa hoàn toàn, sớm muộn gì cũng bị phát hiện ra. Không một kỹ thuật nào có thể che giấu được điều ấy. Những nét cơ bản trong câu chuyện tôi kể trên đây là có thật, xảy ra với ông bạn già của tôi là giáo sư N., và trong chừng mực nào đó, cả với tôi nữa. Vốn lạc quan và luôn tin vào điều tốt đẹp ở đời, tôi thích và thường viết những câu chuyện có hậu.

Thực tế cuộc sống vẫn còn có những người như cô gái bán hoa kia, dù ít nhưng vẫn có. Hay đúng ra, là vì tôi mong nó sẽ ít. Vì vậy, tôi đang vắt óc tìm một đoạn kết đẹp cho truyện ngắn này. Tạm thời tôi chưa tìm ra. Và tôi sẽ rất biết ơn nếu ai đó trong bạn đọc gợi ý hộ.

Ngay cả vợ tôi khi được hỏi ý kiến cũng lắc đầu (tôi có thói quen chuyện gì cũng đem ra hỏi vợ, kể cả chuyện viết lách). Bà ấy chỉ phán một câu, với cái giọng châm biếm không ác ý hằng ngày: "Rõ mấy ông già lẩm cẩm!".

Tôi không hỏi giáo sư N., thậm chí giấu không cho ông biết tôi viết truyện này. Ông vừa mới từ nhà tôi ra về. Như cú "say nắng" năm ngoái, lần "say trăng" này cũng làm ông buồn.

Vấn đề chẳng phải ở tiền bạc hay công sức. Ông buồn vì cô gái kia đã bỏ đi không một lời nhắn lại. Ông bảo tôi chắc cô làm thế vì hoàn cảnh bắt buộc, và rằng nếu cô nói ra, biết đâu có thể ông sẽ giúp được.

Tính ông dễ buồn, nhưng buồn cũng không lâu, và rồi cuối cùng bao giờ cái bản chất tin người, thương người cũng trội lên, lấn át tất cả. Tôi dám chắc chỉ nay mai ông sẽ lại bị "say" lần khác, và lại hăm hở lao vào một việc nào đó "tốt và vĩ đại" để giúp người khác.

Thì ông đã nói, nếu bị lừa, đó đơn giản cũng như là một phép tính ông làm sai. Sai thì tính lại. Cuộc đời là cả triệu phép tính, sai một phép cũng đã hề hấn gì.

Còn tôi? Tôi cũng thừa giấy mực và nghị lực. Trót viết sai một câu thì viết lại. No problem, như người Anh thường nói. Hơn thế, bây giờ tôi gõ truyện trên máy vi tính, tha hồ xóa, tha hồ dán, cho đến khi tìm được đúng cái cần tìm.

Dẫu không như Lỗ Tấn, tôi cũng mong bạn đọc không vì một cô bán hoa cạn nghĩ nào đó mà buồn. Cuộc đời vẫn đẹp.

Suy cho cùng, theo cách nói của giáo sư N., cô ta cũng chỉ là một con số sai trong cả triệu con số đúng của cuộc đời. Trong nghề của tôi, một câu văn chưa chuẩn không thể làm hỏng cả một truyện ngắn hay.

Miễn là cả giáo sư N., cả tôi, và tất cả chúng ta vẫn còn "có lòng" với cuộc đời.

 Thái Bá Tân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.