Giao lưu sân khấu Hàn - Việt

24/06/2009 22:02 GMT+7

Trong buổi giao lưu sân khấu giữa nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc vào ngày 22.6 tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, có những “bí mật” được tiết lộ, nghe thật đáng suy ngẫm.

Đó là sự giống nhau khá kỳ lạ của hai nền sân khấu. Chẳng hạn, nghệ sĩ sân khấu đều bị phim ảnh “bắt cóc”, đặc biệt là phim truyền hình dài tập. Bởi dân sân khấu có tay nghề diễn xuất và thoại lời khá vững vàng, “đỡ mệt” cho đạo diễn. Vì vậy, họ đi đóng phim suốt, thu nhập cao. Còn sân khấu vẫn thuộc hàng “con nhà nghèo” y như nước mình. Và họ cũng có những công ty riêng, tự thân vận động, giống Công ty Thái Dương (sân khấu IDECAF), Công ty Phước Sang (Kịch Sài Gòn), Công ty VTTM (Kịch Phú Nhuận).

Vở Kẻ nói dối đa tình là của Công ty PAPA (viết tắt của Play And Play Again). Họ cũng phải cạnh tranh gay gắt với các công ty bạn và với phim ảnh, âm nhạc. Giám đốc Rhee Hyun Kyu nói: “Chỉ cần ra mắt một đêm mà dở là khán giả sẽ bỏ luôn”.
Và chính ông cũng giống “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch IDECAF, từng bán nhà để trang trải cho công ty những ngày đầu thành lập đầy sóng gió. Ông lại giống “bà bầu” Hồng Vân của sân khấu kịch Phú Nhuận ở chỗ không chỉ làm quản lý mà còn có thể viết kịch bản, đạo diễn, diễn xuất, coi như “đa hệ”. Nghĩa là rất vất vả, nhưng cũng rất năng động. Cả nhóm nghệ sĩ ồ lên thú vị khi thấy mình và bạn giống nhau như thế!

Im lặng như tờ

Nhưng, lại có những điểm rất khác. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam tiết lộ chi tiết, đồng nghiệp xứ kim chi bắt đầu vô phòng hóa trang là im lặng như tờ, không nói chuyện phiếm, để nuôi cảm xúc nhân vật, còn lấy kịch bản ra đọc đi đọc lại, dù đó là vở mà họ đã diễn suốt 12 năm. Rhee Hyun Kyu cười bảo đó là thói quen và kỷ luật của nghệ sĩ Hàn.

Trong buổi họp mặt, mọi người ồ lên bất ngờ vì các cô diễn viên xinh đẹp của Hàn Quốc xuất hiện trong những chiếc áo dài tha thướt. Thì ra đó là món quà của nghệ sĩ Việt Nam tặng cho đồng nghiệp Hàn Quốc, được nhà thiết kế Sĩ Hoàng may “tốc hành” trong 2 ngày. Món quà vừa đẹp vừa ý nghĩa, khiến các cô được cánh nhà báo chụp hình lia lịa.

Nhưng ở ta thì khác, nghệ sĩ vô diễn còn tà tà tán gẫu hoặc xem bóng đá, còn lời thoại có khi lúc tập cũng chẳng thèm học, cứ ỷ lại vào người nhắc tuồng. Người ta chạy sô thì cứ chạy sô, nhưng giây phút nào làm việc cho sân khấu thì vẫn hết lòng, tập trung. Xem ra mình “tài tử” hơn người ta nhiều!

Khác nhau nữa, một đêm ở Hàn Quốc có 200 vở diễn hoạt động, nghĩa là 200 sân khấu hoạt động, trong khi nước mình lèo tèo chỉ “gom bi” tại vài điểm diễn TP.HCM là chính. Chỉ riêng Rhee Hyun Kyu đã sở hữu 5 sân khấu và có 6 ê-kíp diễn viên, có thể đi diễn luôn các tỉnh.

Và cuối cùng, là sự khác biệt rất lớn, họ luôn ý thức công tác quảng bá văn hóa của đất nước họ ra thế giới, còn mình thì loay hoay trong nhà. Họ tự bỏ vốn ra đi lưu diễn, không chờ đợi Nhà nước cấp kinh phí, miễn sao giới thiệu được văn hóa dân tộc.

Chợt nhớ đoàn kịch Anh mới đây, hoặc nhóm kịch truyền thống của Nhật mấy năm trước, đã đi vòng quanh thế giới. Mà họ cũng vác ba lô đi đó thôi, tự làm hậu đài, tự phục vụ, chứ đâu phải sang trọng gì.

Mình nói mình nghèo, nhưng thiết nghĩ chắc không đến nỗi quá nghèo để có thể tài trợ cho nhau mỗi năm đi diễn tại một vài nước nào đó. Nhà nước lẫn doanh nghiệp, tư nhân đều có thể góp tay cho công cuộc quảng bá văn hóa này để chúng ta bớt... tự ái.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.