Nóng bỏng sau vụ xử 2 nhà báo Mỹ

09/06/2009 23:52 GMT+7

CHDCND Triều Tiên đã xét xử 2 nhà báo Mỹ với phán quyết 12 năm lao động quản thúc. Sự kiện này đã làm quan hệ Bình Nhưỡng - Washington thêm căng thẳng.

Bị bắt giữ

Hai nhà báo người Mỹ Euna Lee (36 tuổi) và Laura Ling (32 tuổi) đã bị lực lượng biên phòng CHDCND Triều Tiên bắt giữ vào ngày 17.3. Đây là 2 nhà báo làm việc cho kênh truyền hình Current TV mà cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore là một trong những nhà sáng lập. Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) hôm 22.3 cho hay cả hai đã trải qua những đợt thẩm vấn dồn dập và căng thẳng tại một “nhà khách” của quân đội ở ngoại ô Bình Nhưỡng để xác định các cáo buộc về xâm nhập nước này bất hợp pháp và có thể cả hoạt động gián điệp. Người dẫn đường Trung Quốc và người Mỹ thứ 3, nhà quay phim Mitch Koss, cũng thuộc Current TV, đã thoát khỏi tay lính biên phòng CHDCND Triều Tiên nhưng lại bị lính biên phòng Trung Quốc bắt giữ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó xác nhận ông Koss đã rời khỏi nước này.

Báo Huffington Post dẫn lời Chun Ki-won, người giúp bộ ba trên lên kế hoạch cho chuyến đi CHDCND Triều Tiên, cho hay họ dự định phỏng vấn những người đang sống dọc theo biên giới giữa CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc. Ông Chun cũng cho biết đã nhận được cuộc điện thoại cuối cùng từ nữ nhà báo Lee vào ngày 17.3, khi đó họ đang ở gần sông Đồ Môn nằm giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên ở phần thượng nguồn. Vẫn chưa rõ các nhà báo người Mỹ đã tìm cách vào được lãnh thổ CHDCND Triều Tiên hay lính biên phòng của nước này đã vượt qua biên giới để bắt họ.

 

Euna Lee và con gái Hannah - Ảnh: blogs.cnn.com

Trong suốt 12 tuần bị tạm giam, hai nữ nhà báo trên chỉ được gọi điện đúng một lần cho cha mẹ và được tiếp xúc 3 lần với Đại sứ Thụy Điển tại Bình Nhưỡng Mats Foyer, người đại diện cho phía Mỹ do Washington và Bình Nhưỡng không có quan hệ chính thức về ngoại giao, theo báo Times Online. Ông Foyer là người mang những bức thư viết tay của các nữ nhà báo gửi cho người thân.

Lời kêu gọi từ gia đình

Sau thời gian dài theo lời khuyên của Bộ Ngoại giao Mỹ là nên giữ im lặng dù người thân bị bắt, ngay khi bản án được công bố, gia đình của các nữ nhà báo đã đi đến nhiều đài truyền hình tại Mỹ kêu gọi giới chức hãy cố gắng hết mức để thuyết phục CHDCND Triều Tiên trả tự do cho Lee và Ling. Chị của Ling là Lisa, bản thân cũng là một phát thanh viên truyền hình có tên tuổi, cho hay gia đình vô cùng hồi hộp theo dõi diễn tiến vụ việc và ngày càng lo ngại khi thấy tình hình hai nước liên tục căng thẳng. Theo báo Independent, Ling cũng đã gọi được 1 lần cho chị Lisa, nói rằng mình vô cùng xin lỗi nếu đã vô tình vượt qua biên giới vào CHDCND Triều Tiên. Theo Lisa, Ling có cho biết đã được chỉ định luật sư bào chữa trước khi phiên tòa bắt đầu. Và họ đã hết sức hy vọng, cho đến khi hãng thông tấn KCNA hôm 8.6 tuyên bố Tòa án trung ương tại Bình Nhưỡng đã tuyên án 12 năm lao động quản thúc đối với hai bị cáo trên.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ cử phái đoàn sang CHDCND Triều Tiên để đàm phán nhằm kêu gọi trả tự do cho các nhà báo. Trong trường hợp này, hai ứng viên nổi trội nhất có thể được chọn dẫn đầu đoàn đàm phán là Thống đốc Richardson, người từng 2 lần tham gia thương thuyết với Bình Nhưỡng, và cựu Phó tổng thống Al Gore. Trước khi thực hiện việc này, Mỹ sẽ cố gắng tìm cách liên lạc và thuyết phục CHDCND Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao.

Người thân của hai nhà báo thúc giục chính quyền Tổng thống Barack Obama hãy nhanh chóng có các biện pháp giúp con em mình trở về nhà càng sớm càng tốt. Gia đình của Ling cho biết cô đang bị một vết loét khá trầm trọng, trong khi Lee có một cô con gái mới 4 tuổi.

Tiền lệ

Trước đây, CHDCND Triều Tiên cũng đã có nhiều lần giam giữ công dân phương Tây trong lúc căng thẳng chính trị gia tăng giữa Bình Nhưỡng và Washington. Theo báo Los Angeles Times, trường hợp đầu tiên là vào năm 1994. Khi đó, Thống đốc bang New Mexico hiện nay Bill Richardson, lúc đó còn là dân biểu Hạ viện, đã tham gia vào các cuộc đàm phán giúp binh lính Mỹ về nước. Đây là những người có mặt trên chiếc trực thăng quân đội Mỹ bay lạc vào CHDCND Triều Tiên và bị bắn hạ. Vào thời điểm đó, phương Tây đang nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình hạt nhân để đổi lấy lương thực và viện trợ nhân đạo. Cuộc điều đình diễn ra trôi chảy và sĩ quan cao cấp Bobby Hall (Mỹ) đã được phép mang thi hài của đồng đội David Hilemon sang Hàn Quốc.

Trường hợp thứ 2 phức tạp hơn nhiều, diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ rất căng thẳng. Vào năm 1996, Bình Nhưỡng đã bắt công dân Mỹ Evan Hunziker khi anh này bơi vượt sông Áp Lục tại biên giới Trung Quốc – CHDCND Triều Tiên. Hunziker bị nghi ngờ là gián điệp của Mỹ cài vào CHDCND Triều Tiên và bị giam suốt 90 ngày. Lần này, Thống đốc Richardson cũng dẫn đầu phái đoàn điều đình với CHDCND Triều Tiên để giải thoát cho công dân Mỹ. Theo ông Richardson, hành động trên của người thanh niên mới 27 tuổi bắt nguồn từ lòng thôi thúc mãnh liệt muốn khám phá nguồn gốc Triều Tiên của mình (Hunziker mang một nửa dòng máu Triều Tiên). Với khả năng thuyết phục trên bàn đàm phán của ông Richardson, anh này đã được trả tự do sau khi nộp phạt.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.