Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị: Quá nhiều vấn đề chưa ổn

23/03/2009 23:27 GMT+7

Dù dự thảo Luật Quy hoạch đô thị (QHĐT) đã được chỉnh lý trước khi đưa ra lấy ý kiến của nhiều giới, nhưng tại buổi góp ý cho dự thảo luật này, đã có rất nhiều ý kiến phản ứng gay gắt từ giới chuyên môn. Mời nghe đọc bài

Bỏ quên quyền lợi  người dân

Hội thảo về dự thảo Luật QHĐT do Hội Kiến trúc sư TP.HCM và trường Đại học Kiến trúc TP.HCM tổ chức chiều 23.3 đã nhận được nhiều ý kiến phản biện tâm huyết của giới chuyên môn. Bằng một bài tham luận dài 4 trang, kiến trúc sư (KTS) Võ Thành Lân đã phân tích khá cặn kẽ về những "lỗ hổng" của dự thảo. Ông Lân nói: "Khi nghe có dự thảo luật này, tôi rất trông chờ, nhưng sau khi đọc kỹ, dự thảo luật chẳng gây cho tôi chút hứng thú nào".

Lý do - theo KTS Võ Thành Lân -  "Thứ nhất, tại điều 5 về tiêu chí phân loại đô thị, các nhà soạn thảo chưa chỉ rõ tiêu chí cụ thể cho từng cấp đô thị, trong đó quan trọng nhất là quy mô dân số và mật độ dân số. Việc phân loại đô thị hiện nay đang tiềm ẩn một nghịch lý đối với xu thế phát triển đô thị hiện đại. Đó là việc mở rộng quy mô dân số để được thăng hạng nhưng những địa phương mong muốn có sự thăng hạng này không nhằm những mục đích về dân sinh mà chỉ nhằm có thêm quyền hạn trong quản lý và điều hành. Điều này ngược lại với xu thế chung trên thế giới là cố gắng hạn chế và khống chế mức tăng dân số trên một đơn vị đô thị". Tại các điều 6, 7 quy định về nguyên tắc tuân thủ QHĐT và yêu cầu đối với QHĐT, KTS Võ Thành Lân cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập chưa được quy định rõ hoặc quy định một cách lệch lạc. 

"Dự thảo Luật QHĐT còn quá chung chung. Chưa có điều khoản nào quy định về xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức phạm sai sót, tiêu cực trong lĩnh vực quy hoạch thì làm sao gọi là luật được?"

KTS Lương Anh Dũng

KTS Nguyễn Hữu Thái cho rằng, dự thảo Luật QHĐT lần này vẫn chỉ giống một văn bản hành chính hơn là dự thảo của một bộ luật. Bởi, nếu là Luật QHĐT thì phải gắn liền với nhiều vấn đề khác như đất đai, môi trường và nhất thiết phải có những dự báo kỹ lưỡng về các vấn đề khác có thể xảy ra như sự biến đổi khí hậu, động đất... Theo KTS Nguyễn Hữu Thái, QHĐT là một vấn đề lớn, nếu không dự liệu những vấn đề đó thì sẽ rất phức tạp về sau. "Nhiều khu vực, do thiếu tầm nhìn lâu dài, các địa phương đã hy sinh quyền lợi của đại đa số người dân để giành quyền ưu tiên đó cho một nhóm các nhà đầu tư. Chẳng hạn như Đồi Cù tại TP Đà Lạt rất đẹp và là tài sản chung của nhân dân lại biến thành sân golf, bờ biển Đà Nẵng đã không còn là của người dân nữa..." - KTS Nguyễn Hữu Thái nói. Còn KTS Trịnh Kim Như thì dẫn chứng: "Dự án đường cao tốc Tân Sơn Nhất - Bình Lợi tại TP.HCM vốn đã chuẩn bị từ 15 năm trước, không hiểu vì lý do gì hoặc không quản lý được quy hoạch nên cho các doanh nghiệp phân lô, cấp phép cho xây nhà bán cho người dân. Đến nay, dự án khởi động lại thì người dân lãnh đủ, còn các chủ đầu tư đã cao chạy xa bay từ lâu rồi". 

Nhiều đại biểu cũng dẫn chứng nhiều ví dụ khác để cho rằng, nhất thiết lần này phải tạo ra một bộ luật hoàn chỉnh, áp dụng có hiệu quả và cần phải tôn trọng, bảo vệ lợi ích của người dân. "Với bản dự thảo luật này, tôi chẳng biết người dân sẽ thấy quyền lợi của mình như thế nào. Bởi những điều khoản ghi trong đó chỉ đơn thuần là nghiêng về phía quản lý nhà nước" - KTS  Nguyễn Hồng Việt bức xúc. 

Ai chịu trách nhiệm?

Một trong những nội dung quan trọng mà đa số các đại biểu đều nhấn mạnh, đó là biện pháp chế tài đối với người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch nhưng không khả thi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bản dự thảo Luật QHĐT không đưa ra một điều khoản nào nói đến vấn đề này. KTS Nguyễn Văn Tất nói: "QHĐT phải có tính chiến lược đi kèm với nhu cầu quản lý cụ thể. Tuy nhiên, không thể bỏ qua tình trạng 2-3 năm lại điều chỉnh quy hoạch. Chính sự mâu thuẫn giữa quy hoạch chiến lược với quy hoạch chi tiết đã đẻ ra cái gọi là quy hoạch "treo". Tôi đề nghị văn bản luật phải dành một chương để quy định về vấn đề này, vì đây là một vấn đề nhức nhối tại TP.HCM bao năm nay". "Luật có quy định phải có chế độ KTS trưởng, nhưng chưa chỉ rõ KTS trưởng có vai trò như thế nào. Tôi đề nghị, dù cách gọi là gì thì một đồ án quy hoạch phải có một chỉ huy để chủ trì thiết kế, kỹ thuật. Người đó sẽ là KTS trưởng của đồ án" - KTS Nguyễn Ngọc Dũng góp ý.

Theo KTS Lê Văn Năm, dự thảo phải "dụng công và nghiêm túc hơn nữa. Làm sao để có một bộ luật về QHĐT áp dụng từ nay đến năm 2025, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn này. Nếu không đầu tư tâm sức, chăm sóc cho bộ luật này hoàn chỉnh thì vấn đề QHĐT sẽ gặp rất nhiều khó khăn".

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.