Cảnh khuyển

03/03/2009 14:57 GMT+7

Lực lượng biên phòng Việt Nam (tiền thân là Công an vũ trang) có trung tâm huấn luyện chó phục vụ cho tác chiến, huấn luyện ngựa làm phương tiện vận chuyển tại các vùng núi đá tai mèo hiểm trở ở biên giới phía Bắc, huấn luyện chim bồ câu làm công tác thông tin liên lạc. Những con vật này đã trở thành các “công cụ” hữu hiệu như thế nào là điều ít ai được biết...

“Binh chủng” đặc biệt

Sáng sớm, tiết trời cao nguyên lạnh buốt, phố núi Pleiku còn chìm trong cơn ngái ngủ. Chiếc UAZ ì ạch chở chúng tôi vượt qua cổng doanh trại của Cụm cơ động 3 Tây Nguyên. Tiếng động cơ xe vừa tắt, chúng tôi đã nghe tiếng chó cắn (sủa) ầm ĩ. 

Tiếp chúng tôi là một sĩ quan còn rất trẻ, thượng úy Tô Xuân Thủy mang chức vụ Đại đội trưởng. Đơn vị của anh đặc trách bốn tỉnh Tây Nguyên và đặt dưới sự điều động trực tiếp của Bộ Tư lệnh tiền phương biên phòng.

Thao trường huấn luyện cảnh khuyển đang tất bật chuẩn bị cho buổi tập dượt. Hai mươi con chó chiến đấu mang rọ mõm được hai mươi người lính - huấn luyện viên đưa vào vị trí chiến đấu. Tiếng lựu đạn khói nổ vang, từng cột khói bốc lên mù mịt. Đàn chó lồng lên như hổ dữ vì bị kích thích bởi tiếng nổ và mùi khói cay nồng.

 

Vượt chướng ngại - Ảnh: Cao Thụ

Lờ mờ sau đám khói xuất hiện đám “quân xanh” đóng vai tội phạm. Đây là những người phục vụ cũng là những chiến sĩ thay phiên nhau làm mục tiêu cho chó tấn công. Họ đều mặc áo bông dày và mang giáp ống bảo hộ tay. Tiếng khẩu lệnh vang lên đanh gọn, đàn chó được tháo rọ mõm phóng lên như tên bắn. Đến đích, bằng một cú chồm lên chúng cắn phập hàm răng thép vào cánh tay “quân xanh”. Bằng một sức mạnh phi thường, chúng quật ngã “đối thủ” xuống đất. Chúng tôi ai cũng hồi hộp, cứ sợ sẽ mục kích một tai nạn chết người xảy ra. Bất chợt có tiếng hô to: Dừng! Đàn chó vội buông “con mồi” ra, nhưng vẫn giữ tư thế khống chế. “Quân xanh” phải nằm im, không được cựa quậy, tránh cho chó bị kích động có thể tấn công tiếp...

Để có được một con chó thiện chiến như vậy, việc nuôi dạy thật là nhọc nhằn, nhiều công sức. Ngày đầu vào trường, mỗi con chó bắt đầu làm quen với một “người thầy” học viên. Từ đây “thầy” và “trò” luôn gắn bó với nhau cho đến khi cả hai cùng tốt nghiệp. Chiến sĩ Nguyễn Đức Thuận còn nhớ rõ những ngày tháng học tập, rèn luyện vô cùng vất vả để phấn đấu ra trường. Có những thao tác rất kỳ cục là các học viên thi nhau “chọc” cho chó nổi điên. Chó được xích lại, một nhóm mấy học viên hóa trang người lạ vào trêu chọc, thậm chí còn cào cấu, xách tai, giựt đuôi... làm cho đàn chó lồng lên. Một vài anh em phục vụ có bảo hiểm làm “mồi” cho chó cắn thật. “Mục đích là phát triển tính hung dữ của chó, dạy theo giáo trình của Nga”, Thuận giải thích.

 

Vượt độ cao - Ảnh: Cao Thụ

Tiếp đến chó được rèn đưa vào khuôn khổ kỷ luật, học tuân theo mệnh lệnh của chủ. Các động tác cơ bản như đứng, chào, ngồi, nằm, bò, trườn, kêu, cắp (mang đồ vật)... phải hết sức thuần thục. Tính thông minh của loài chó thích ứng rất nhanh khi biết nghe gọi tên riêng, không nhận thức ăn của người lạ, tập quen dần tiếng súng, tiếng nổ... Những buổi tập thể lực cùng các bài tập vượt qua chướng ngại vật, lao qua vòng lửa, chinh phục độ cao... cũng là lúc kết thúc giai đoạn một kéo dài bốn tháng. Bước vào giai đoạn hai, qua đánh giá phân loại, tùy theo khả năng từng con mà đưa vào chuyên ngành chiến đấu, chống ma túy, hoặc cứu hộ.

Từ trung tâm huấn luyện, chó nghiệp vụ được đưa về các đơn vị tác chiến trên khắp mọi miền đất nước. Những chú cảnh khuyển khôn ngoan, hung dữ đã nhận lệnh xuất kích trên nhiều mặt trận, lập nhiều chiến công xuất sắc. Chúng được xếp hạng vào loại vũ khí nhóm 1.

Nhiệm vụ “bất khả thi”!

Mũi chó thính hơn mũi người bốn ngàn lần, phân biệt được hơn năm ngàn mùi khác nhau. Chỉ những con nổi trội, có phản ứng lấy hơi, ngửi tốt mới được chọn học ngành chống ma túy.

Việc huấn luyện chó cứu hộ còn phức tạp, tốn kém hơn nhiều lần. Để chó quen với hiện trường, phải đào những hố đất thật sâu, cho hơi người rồi lấp lại. Bùn, đất được đổ ngổn ngang trông như vừa xảy ra sập hầm, lở núi... Chó được huy động tới tìm tung tích nạn nhân. Đôi khi còn phải xây hẳn những căn nhà rồi cho kéo đổ, chó phải xông vào trong đám đổ nát... cứu người.

Học trình của chó chiến đấu phải ít nhất là 9 tháng, chó phát hiện ma túy, chó cứu hộ mất 12 tháng. Chó tốt nghiệp ra trường phải trải qua 20 cuộc thi gắt gao kèm theo học bạ theo dõi suốt quá trình học tập.

Lần giở những trang sử chiến công của lực lượng cảnh khuyển kể từ khi thành lập năm 1959, thành tích thật đáng nể. Đó là đã tham gia truy quét, phục kích, bắt hàng trăm đối tượng xâm nhập, gián điệp, biệt kích. Cảnh khuyển còn góp phần phá hàng trăm vụ án hình sự, chống cướp có vũ trang, truy bắt buôn lậu, buôn bán ma túy ở biên giới, truy lùng phạm nhân trốn trại...

Một cựu chỉ huy biên phòng nói chắc nịch với chúng tôi, nếu không có “đám lính bốn chân” tinh nhuệ này, nhiều vụ việc trọng điểm có thể gọi là bó tay hoặc dậm chân tại chỗ.

Một ví dụ về tai nạn thảm khốc tại công trường thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cuối năm 2007. Vụ sập núi đá này đã chôn vùi mười mấy công nhân ở nhiều độ sâu khác nhau. Việc tìm kiếm thi thể gần như vô vọng. Chỉ đến khi đội chó cứu hộ do trung tá Nguyễn Văn Chiến cùng ba huấn luyện viên hành quân cấp tốc ngay trong đêm, để sáng hôm sau kịp có mặt tại hiện trường, mọi người mới le lói có chút hy vọng.

Hai chú chó Cô-ma và An-phốc làm quen, tiếp cận rất nhanh khu vực xảy ra tai nạn. Con Cô-ma khịt khịt mũi chạy tới chạy lui sục sạo xung quanh, con An-phốc truy tìm theo một hướng khác. Và khi đúng ngọ thì 7 vị trí xác định có hơi nạn nhân đã được đánh dấu. Phương tiện cơ giới được điều tới đào sâu vào lòng đất, đến độ sâu từ  5-16m bắt đầu tìm được nhiều thi thể. Có những thi thể bị vùi sâu hơn 20 mét. Cuộc tìm kiếm được mở rộng đến ngày 6.1.2008 thì kết thúc, tìm được tất cả 11 thi thể.

Đặc biệt tại địa bàn Tây Nguyên, cảnh khuyển là lực lượng răn đe có sức uy hiếp rất lớn đối với những phần tử gây rối. Một buổi chiều đầu xuân, chúng tôi có dịp cùng đội cảnh khuyển tăng viện của đồn 759 đi tuần tra dọc tuyến biên giới. Nhìn mấy con chó giống Ý lừng lững, được dẫn dắt bởi những người lính biên phòng cao lớn trong sắc phục “rằn ri” dữ dằn, chắc chắn các đối tượng phạm pháp, vi phạm quy chế biên giới không còn dám manh động.

Trong buổi tối nơi tiền đồn ngập tràn ánh trăng, lính biên phòng kể cho chúng tôi nghe những chiến công thầm lặng. Đó là vụ truy bắt 63 đối tượng dưới sự cầm đầu của tên Puh Chơn vượt biên trái phép qua Campuchia. Đám người này được trang bị dao, rựa... để chống lại khi bị ta ngăn chặn. Các chiến sĩ biên phòng cùng với năm con chó nghiệp vụ có sức trấn áp, áp đảo tinh thần làm cho tất cả đều thúc thủ và bị bắt giữ.

Một nhóm 10 đối tượng do Siu Noanh cầm đầu vừa đặt chân tới khu vực biên giới đã bị phát hiện, 3 con chó nghiệp vụ nhanh chóng vào cuộc. Trong vòng 20 phút, mấy con chó đã đánh hơi và khống chế 6 đối tượng. Những đối tượng còn lại chạy vô rừng cũng bị đàn chó truy lùng phải chịu quy hàng. Chiến sĩ Phùng Quang Đối “đơn thân độc mã” một người một chó từ năm 2001 đến nay đã truy quét, bắt giữ khoảng 60 đối tượng xâm nhập vùng biên gây rối.

Chuyện về chó nghiệp vụ kể hoài không hết. Có một điều làm chúng tôi hết sức tâm đắc là đằng sau những trận truy quét, bắt giữ những đối tượng phạm pháp kia không hề có tiếng súng, không hề có đổ máu. Một dải biên cương nay đã thật sự bình yên, có chiến công “xanh” của lực lượng cảnh khuyển.

Phóng sự của Cao Thụ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.