Vụ Công ty Thuận Thảo bứng cây xanh đường phố đem vào resort ở Phú Yên: Không hiểu nổi cách làm của địa phương!

16/02/2009 00:13 GMT+7

Đó là bức xúc của rất nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia về luật pháp... chung quanh vụ Công ty Thuận Thảo bứng cây xanh đường phố đem vào resort trồng, diễn ra tại TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thanh Niên xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: Sao lại có chuyện kỳ cục như vậy?

Không cần giở đến cuốn Bộ luật Hình sự (BLHS) lúc nào cũng để sẵn trên bàn làm việc, ông Nguyễn Đình Lộc (ảnh) nói rành rọt rằng cây xanh trồng ở đô thị được xem là tài sản nhà nước, và càng ngày chúng ta càng nhận thức được lợi ích của nó. Với hành vi bứng cây xanh ở đô thị, số lượng lớn để làm của riêng, Công ty Thuận Thảo đã phạm vào tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tùy vào tình tiết, mức độ mà xử lý. Ngoài ra, hành vi này còn chứa đựng một tình tiết, tính chất khác theo điều 272 (BLHS) là tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa danh lam thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng. “Chỗ này chúng ta cần phân biệt, cây xanh không thuộc di tích lịch sử nhưng trồng cây là để tốt đẹp cho thành phố, đô thị, cho nên nó là thắng cảnh”, ông Lộc phân tích. Còn về hậu quả, ông Lộc nói: “Tôi cho rằng rất nghiêm trọng, cây xanh vừa làm đẹp đô thị nhưng nó có giá trị lớn bảo vệ môi trường, sức khỏe con người; hành vi, hậu quả cũng đã rõ, khó khăn gì mà không xử lý được?”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cách hành xử của một số cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên rất “kỳ cục”. Theo cách giải thích của cơ quan chức năng thì Công ty Thuận Thảo đã được phép để bứng cây. Như vậy thì phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý. “Tôi không biết giữa ông giám đốc công ty (Công ty đô thị Tuy Hòa – PV) và doanh nghiệp có mối quan hệ như thế nào? Nếu quý mến nhau, sao ông ta không lấy cây trong vườn nhà mình đi cho mà lại lấy cây của nhà nước?”, nguyên Bộ trưởng nói và bức xúc: “Một vài cây cũng đã là nặng tội, ở đây là cả hàng chục cây, mà số cây này đâu phải của riêng của một cá nhân. Cái cách mà Công ty đô thị Tuy Hòa xem của công như của riêng, thích cho ai thì cho đương nhiên phải xem xét. Vậy mà còn cho rằng không ai vi phạm thì rõ ràng là quá kỳ cục, không thể hiểu được. Tôi đi nước ngoài, ở Singapore, cây xanh đô thị được đánh số, quản lý từng cây một, ai vi phạm bị phạt rất nặng. Nói chẳng đâu xa, ngay ở TP Hà Nội, cây xanh được coi là thắng cảnh, người thiếu ý thức phá một vài cây đã bị dư luận phản ứng gay gắt, cơ quan chức năng đã phải xem xét xử lý rồi”.

“Bất cứ công dân, doanh nghiệp nào cũng phải chấp hành pháp luật, chúng ta đừng xem nhẹ vấn đề, kể cả khi cho rằng đây là những việc chưa có trong tiền lệ. Tội đầu tiên mà không xử, sẽ rất khó khăn cho những hành vi tương tự sau này, không ai xử được ai cả”, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: Sự việc không được giải quyết đúng pháp luật

Cùng có chung nhận định việc Công ty Thuận Thảo bứng cây ở đường phố đem vào resort trồng là công nhiên chiếm đoạt tài sản công, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (ảnh) nói: “Tài sản bị chuyển mục đích sử dụng, gây thất thoát cho Nhà nước không lớn so với nhiều vụ khác chúng ta từng biết và tình tiết cũng không phức tạp. Nhưng điều khó hiểu là cách xử lý của chính quyền địa phương rất lúng túng. Nhiều người cũng từng phát biểu về việc áp dụng văn bản pháp luật này nọ nhưng tôi nghĩ cần phải vận dụng tinh thần pháp luật của chúng ta là bảo vệ quyền sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân chính đáng. Những cây bàng biển này là sở hữu chung, sở hữu toàn dân, mọi người đều được hưởng cảnh quan khi nó ở trên đường phố và quan trọng là nó được hình thành từ nguồn ngân sách Nhà nước. Như vậy thì khi nó bị chuyển thành tài sản của một công ty tư nhân, tức là tài sản cá nhân, là một sự vi phạm pháp luật. Để xảy ra việc này thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là người đã làm việc ấy, tức là Công ty Thuận Thảo”.

Việc Công ty Thuận Thảo cho rằng được phép của lãnh đạo thành phố, trực tiếp là Công ty đô thị Tuy Hòa khi bứng cây, đại biểu Nguyễn Đình Xuân phân tích: “Nếu Công ty Thuận Thảo chứng minh được rằng đã hành động sau khi Công ty đô thị cho phép thì vẫn sai phạm, vì tôi khẳng định trừ khi có một quy hoạch nào đó được phê duyệt, còn ngay cả UBND TP Tuy Hòa cũng không có quyền cho phép chuyển dịch tài sản chung biến thành tài sản riêng, chứ đừng nói là Công ty đô thị Tuy Hòa. Trong vụ việc này cơ quan chức năng TP Tuy Hòa đã không giải quyết sự việc kịp thời và đúng pháp luật.  Trường hợp nếu có một đơn vị cho phép, Công ty Thuận Thảo được giảm nhẹ nhưng công ty này được giảm nhẹ bao nhiêu thì trách nhiệm của người cho phép tăng lên bấy nhiêu. Tóm lại, trong vụ việc này, trách nhiệm là không thay đổi, vấn đề là thuộc về những ai, cá nhân đơn vị nào mà thôi. Tất nhiên, không thể có chuyện không có tội gì và không ai chịu trách nhiệm. Ở đây, người thực hiện hành vi sai phạm phải chịu trách nhiệm đầu tiên, tiếp theo là người cho phép sẽ có vai trò đồng phạm”.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng Công ty Thuận Thảo đã trồng lại các cây bàng biển vào vị trí cũ thì xem như là sự việc đã được giải quyết, không cần có biện pháp xử lý nào khác. “Bởi vì có sự khác biệt lớn giữa việc những cây đã ăn sâu, bám rễ phát triển xanh tươi trên đường phố với một cây vừa mới trồng, giá trị cảnh quan không bằng nhau. Hơn nữa, đây chỉ là khắc phục hậu quả, tức là tình tiết giảm nhẹ chứ không phải là không có tội theo luật pháp của chúng ta hiện nay. Ví dụ, ai cũng hiểu một người ăn cắp một chiếc xe máy sau đó hoàn trả lại chiếc xe máy đó không có nghĩa là không mắc tội ăn trộm”, ông Xuân phân tích.

Theo ông Xuân, giải quyết vụ này rất đơn giản: “Giao cho cơ quan chức năng định giá tài sản mất mát, hữu hình và vô hình (nếu có thể), sau đó đối chiếu với luật pháp của chúng ta để yêu cầu Công ty Thuận Thảo và những người liên quan phải chịu trách nhiệm và khắc phục hậu quả. Ví dụ với tội ăn trộm thì giá trị trên 500 nghìn đồng sẽ xử lý hình sự, thấp hơn thì xử lý hành chính. Đơn giản thế thôi, nhưng trong vụ này, theo tôi nó còn dính đến nhiều yếu tố khác, ông này bảo cho, ông kia bảo không, đơn vị vi phạm là công ty nổi tiếng có địa vị ở địa phương… Nhưng luật pháp của chúng ta không lấy đấy làm căn cứ để xử nhẹ, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không có luật dành riêng cho những người giàu, có thế lực hoặc luật riêng cho dân nghèo. Tôi cứ nghĩ, nếu một người dân bình thường nào đó mà ngẫu hứng đào vài cây xanh trên đường phố mang về nhà chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm và nhanh chóng chứ không lúng túng như thế này”.

An Nguyên - Thái Sơn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.