Nguồn lợi mới: Nuôi chim yến trong nhà

06/12/2008 23:15 GMT+7

Yến sào là thực phẩm bổ dưỡng cao cấp có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng/kg tùy loại. Giá trị kinh tế cao đã cuốn hút không ít người đầu tư nuôi chim yến trong nhà.

Nhường nhà cho yến

Đứng trên cầu Long Chiến (Gò Công – Tiền Giang) nhìn về phía chợ Gò Công mới, có thể thấy rõ chim yến bay đầy bên trên nóc những ngôi nhà ở dãy phố mới xây. 

 

Chim yến làm tổ trong nhà  - ảnh do Lê Danh Hoàng cung cấp

Người dân nói đó là những căn nhà mà người nhường chỗ cho yến, gần như lúc nào cũng đóng cửa, im lìm, dù nó nằm ở trung tâm của thị xã. Khu vực này trước kia là Bệnh viện đa khoa, được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp. Do bệnh viện đã cũ và xuống cấp, nên chính quyền đã cho đập bỏ để xây dựng chợ mới  Gò Công, còn bệnh viện thì được chuyển ra ngoại ô. Chợ mới mọc lên cũng là lúc nhiều bầy chim yến vào ở trong nhà dân và phong trào nuôi yến ở thị xã Gò Công cũng bắt đầu nhen nhóm. Bây giờ đi trong nội ô thị xã, hễ nhìn thấy bầy chim yến bay lòng vòng quanh nóc một dãy phố nào, thì nơi đó có nuôi yến trong nhà. Những căn nhà yến rất dễ nhận thấy bởi có nhiều ô cửa nhỏ hình chữ nhật hoặc tròn để cho chim yến bay ra bay vào.

Cách thị xã Gò Công khoảng 9 km, xã Long Bình (huyện Gò Công Tây) cũng có dãy phố chim yến. Đứng trên cầu Long Bình nhìn sang ấp Khương Ninh sẽ thấy rõ những căn nhà lầu có nhiều ô cửa nhỏ bên hông, đó là nhà yến. Khác với nhiều căn nhà yến ở thị xã Gò Công luôn đóng cửa, những căn nhà yến nơi đây chủ nhà vẫn ở bên dưới (tầng trệt), còn chim thì ở các tầng bên trên. Người dân Long Bình ai cũng biết nhà ông Mười Th. là căn đầu tiên chim yến tự nhiên tới ở. Gần đây đã có thêm mấy căn nhà nữa cạnh bên đã có yến vào ở. Nhiều người nói đó là lộc “trời cho” chứ không biết cách dụ chim vào ở như thế nào, bởi các chủ nhà yến rất kín miệng.

Trở về TP.HCM, chúng tôi đến một ngôi trường mầm non tư thục ở khu Văn Thánh Bắc (Q.Bình Thạnh), nơi năm trước có rất nhiều chim yến vào sinh sống ở tầng trên cùng của tòa nhà. Ngôi trường này đã đóng cửa từ cuối hè vừa qua và hiện nay chủ trường đã cho đập bỏ 2 trong số 3 khu nhà. Còn lại khu nhà có chim yến không rõ có bị đập bỏ luôn hay không, nhưng có điều hơi lạ là vẫn còn khá nhiều con chim yến bay ra vào tầng trên cùng, mặc dù các tầng bên dưới đã tháo cửa trống huơ.  

Nuôi yến có dễ không?


Khai thác yến sào trong nhà yến - ảnh do Lê Danh Hoàng cung cấp

Lê Danh Hoàng là một chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực tư vấn về công nghệ nuôi chim yến trong nhà ở TP.HCM. Hoàng cũng là chủ nhân của một trong những căn nhà yến ở thị xã Gò Công. Theo học nghề nuôi yến trực tiếp cùng tiến sĩ E.Nugroho và tiến sĩ When Drato tại Indonesia và ở hầu hết các nước Đông Nam Á, Hoàng đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện tự nhiên và thói quen sinh học của loài chim yến ở Việt Nam, rồi thành lập Trung tâm Yến sào Hoàng Yến Eka chuyên tư vấn nuôi yến vào năm 2004. Trung tâm này đã tiến hành xây dựng thành công những mô hình nuôi yến trong nhà đầu tiên cũng như tư vấn xây dựng nhà yến cho hàng trăm khách hàng ở miền Trung và miền Nam. Cuộc trò chuyện về chim yến của chúng tôi cứ bị gián đoạn bởi Hoàng liên tiếp nhận điện thoại của những người quan tâm. Hoàng cho biết, có nhà đầu tư muốn xây dựng những căn nhà yến với số vốn gần chục tỉ đồng. Trung tâm Yến sào Hoàng Yến Eka của Hoàng có dịch vụ nuôi yến trong nhà trọn gói, vừa cung cấp, lắp đặt, bảo hành toàn bộ; hoặc nhà đầu tư có thể tự mua thiết bị về lắp đặt theo sự tư vấn của trung tâm.

Anh Lê Danh Hoàng cho biết: Các tỉnh, thành phố có thể đầu tư nuôi chim yến trong nhà là: Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, TP.HCM, Bình Dương, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Riêng tại TP.HCM, trừ huyện Hóc Môn chưa thấy có người nuôi, còn lại hầu như đều có thể đầu tư nuôi yến trong nhà. Ở tỉnh Bình Dương, nơi nuôi yến có quy mô lớn nhất hiện nay là Khu du lịch Đại Nam, ước lượng có đến hàng vạn con. Theo nhận định của Lê Danh Hoàng, khoảng 10 năm nữa, sản lượng tổ yến ở nơi đây có thể bằng tổng sản lượng của các đảo ở Việt Nam cộng lại.

Lê Danh Hoàng cho biết: Hiện VN có khoảng 200 – 300 căn nhà yến ở các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào đến Cà Mau, trong đó khoảng 30 căn nhà yến tự vào ở (không phải đầu tư). Chim yến thích sống ở vùng có thời tiết ấm áp từ phía nam đèo Hải Vân trở vào và ở mỗi địa phương cũng chỉ có từ một đến vài vùng nhỏ có thể nuôi được yến mà thôi. Trong khi các nhà nuôi yến ở nước ngoài có quy mô từ 5.000 – 7.000m2, thì ở VN, việc đầu tư còn nhỏ lẻ, có những nhà yến có diện tích chỉ 50 – 100m2. “Trong những năm qua, các nhà đầu tư VN còn dè dặt, bước đầu thử nghiệm bằng việc cải tạo từ nóc nhà đang ở trong thành phố, thị xã, thị trấn... thành nơi nuôi yến, khi thành công mới đầu tư với quy mô lớn hơn. Nhưng hiện nay thì đã có nhiều người mạnh dạn đầu tư với quy mô lớn” – Hoàng nói. 

Trả lời câu hỏi "nuôi chim yến có dễ không?", Lê Danh Hoàng cho biết đã có nhiều người thành công, nhưng cũng có không ít người thất bại. Hoàng đánh giá: Cho đến bây giờ, tỷ lệ nhà yến đầu tư thành công (yến vào ở) tương đối cao, khoảng 70%, còn 30% là thất bại. “Thời gian tới, nếu nhà đầu tư nuôi yến tăng lên nhiều quá thì tỷ lệ thất bại cũng sẽ cao hơn” - Hoàng nhận định - do yến phải chia sẻ bầy đàn, cạnh tranh nguồn thức ăn (côn trùng, rầy, bọ) giữa yến đảo và yến nhà tăng lên, nhất là ở những địa phương có khí hậu khô cằn như Nam Trung Bộ, nguồn thức ăn vốn không được dồi dào như vùng đồng bằng sông Cửu Long. 

Chim yến về núi… giả Tại Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến (Bình Dương) có 5 ngọn núi nhân tạo gọi là dãy Ngũ Hành Sơn. Một lần vào năm 2006, ông Huỳnh Uy Dũng, Giám đốc Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến, bỗng nhìn thấy trên bầu trời từng đàn chim kéo nhau về đây. Trong lòng một ngọn núi xuất hiện những chiếc kén màu trắng hình dạng như chiếc thìa ăn cơm treo trên vách núi. Yến đã về. Ông Dũng đã liên lạc với Trung tâm yến sào Hoàng Yến Eka, Giám đốc trung tâm Lê Danh Hoàng đến tận nơi khảo sát, sau đó ông Hoàng cho phun chất tạo mùi bầy đàn, thiết kế thêm một số “ô cửa” để đưa thêm ánh sáng, lắp đặt hệ thống loa nhọ phát tiếng chim kêu để dẫn dụ chim yến vào. Đến nay ước tính tại Ngũ Hành Sơn có khoảng 200 tổ yến. Cứ 2 tháng một lần nhân viên ở đây trèo lên vách núi lấy tổ yến xuống. Cứ 120 tổ thì được 1 kg, trị giá 3.000 USD/kg. (Hùng Sơn)

Những thất bại trong thời gian qua, theo chuyên gia Lê Danh Hoàng, tập trung ở những vùng có nhiều chim yến đảo, bởi đặc tính của loại chim yến này chỉ thích sống trong hang động ở ngoài đảo, không dễ dụ chúng ở trong nhà như loại chim yến nhà. Yến đảo và yến nhà là 2 loại khác nhau về tập tính sinh sống. Tổ của 2 loại yến này tuy không khác gì nhau, nhưng mùi vị có khác và giá bán tổ yến đảo có thể đắt gấp rưỡi tổ yến nhà.

 Một lý do thất bại nữa là người nuôi chọn sai địa điểm. Địa điểm để làm nhà yến tốt nhất là cạnh căn nhà có yến đang sống; thứ hai là trên đường yến bay ngang qua, thứ ba là trên vùng kiếm ăn của yến. Hoàng cho biết, có những căn nhà vừa làm xong 1 ngày là có yến vào ở, nhưng cũng có nhà phải đến 1 năm mới có yến. Như một căn nhà yến ở Mỹ Tho (Tiền Giang) vừa làm xong là yến vào ở ngay, do tòa nhà cũ của cơ quan nhà nước ở bên cạnh vốn đang có yến tự nhiên vào sống, bị đập để xây dựng lại.

Để có một căn nhà yến thành công, phải biết cách quan sát hướng bay của đàn yến, mở lỗ ra vào và các lỗ liên phòng, liên tầng phù hợp. Ngoài ra một điều quan trọng nữa là phải tạo ra môi trường thích hợp từ âm thanh, ánh sáng, nước, độ ẩm, mùi bầy đàn... để chim cảm thấy đây là một căn nhà cũ đã có bầy đàn chim sống lâu năm. Có những căn nhà yến đã vào ở, nhưng chưa hẳn đã thành công về mặt tài chính, do lợi nhuận mang lại thấp hơn so với việc mang số tiền đầu tư đó gửi ngân hàng lấy lãi. Nguyên nhân có thể do làm nhà sai kỹ thuật, nên yến không vào nhiều. Tiền đầu tư cho một căn nhà yến có diện tích cỡ 200m2 ít nhất là 500 triệu đồng. Nếu cải tạo từ nhà có sẵn, tiền mua thiết bị khoảng 600.000 đồng/m2.

Hoàng nhẩm tính: “Nếu bỏ ra 500 triệu đồng mà chỉ có khoảng 50 con chim vào ở thì coi như thất bại. Tất nhiên phải chờ 5-7 năm sau khi đàn chim phát triển tốt thì mới mang lại lợi nhuận”. Một nhà yến thành công, bình quân 6m2 sẽ thu hoạch được khoảng 1 kg tổ trong 1 năm. Nhà 300m2 trên lý thuyết có thể đạt được 50 kg tổ yến trong 1 năm, nhưng thường khoảng 10 năm sau mới có thể đạt được mức này. Nhưng nếu trong 2-3 năm đầu, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 2 kg tổ yến là đã thành công. Để có được 2 kg tổ yến/tháng, căn nhà đó phải có khoảng trên 2.500 con chim yến vào ở. Giá tổ yến thô hiện nay dao động từ 20-25 triệu đồng/kg. Thời gian thu hoạch tổ yến nhanh nhất là 20 ngày, chậm thì khoảng 2 tháng thu hoạch tổ một lần. 

 Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.