Phòng trộm trong bệnh viện

29/08/2008 09:24 GMT+7

Vào bệnh viện, nhiều bệnh nhân và thân nhân không chỉ chịu sự hành hạ, đau đớn của bệnh tật mà nhiều khi phải khóc than vì... kẻ trộm.

Những nạn nhân

Hôm 25.8 vừa qua, sau một lúc chợp mắt tại khoa Ngoại Tiêu hóa của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), anh Đ.A tá hỏa vì 20 triệu đồng chắt mót vừa đem từ quê vào để lo chi phí điều trị cho người thân đang nằm viện tại đây đã biến mất.

Trước đó, cũng tại BV Chợ Rẫy, chị N.T.H (43 tuổi, quê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) mang theo 13,5 triệu đồng để trang trải tiền thuốc men, sinh hoạt trong thời gian nằm viện cũng đã bị kẻ trộm đột nhập vào khoa phòng (lầu 9) lấy mất...

Tuần trước, tại BV Nhân dân Gia Định, một người nuôi bệnh vào nhà vệ sinh để tắm, vắt chiếc quần trên vách nhà tắm trong đó có tiền và điện thoại di động, tắm xong thì... mất cả chiếc quần! Tại BV đa khoa khu vực Thủ Đức cách đây mấy hôm, kẻ trộm cũng đột nhập vào phòng bệnh, rạch túi quần một người nuôi bệnh đang nằm ngủ lấy mất điện thoại di động.

Bảo vệ BV Nhi đồng 1 vừa bắt quả tang 2 mẹ con móc túi lấy điện thoại di động của người nhà bệnh nhi. Qua đó mới thấy "đạo chích" có nghề và tổ chức bài bản: Mẹ làm nhiệm vụ móc túi lấy điện thoại, rồi chuyền cho con gái cất giấu tài sản.

Các chiêu thức của bọn trộm cắp

Không chỉ trộm tài sản của người bệnh, người nuôi bệnh, bọn trộm còn táo tợn "xơi" luôn tài sản của nhân viên BV. Vào giữa tháng 7 vừa qua, hai nhân viên Phòng quản trị của BV Chợ Rẫy khi đến làm việc đã phát hiện cửa phòng bị cắt khóa, tủ hộc bàn làm việc bị cạy. Kẻ trộm đã lấy mất vàng, tiền mặt trị giá hơn 100 triệu đồng, cùng một máy ảnh kỹ thuật số và 1 máy nghe nhạc...

Trước đó nữa, tại khu phòng mổ ở BV này, kẻ trộm cũng lẻn vào đánh cắp một máy ảnh kỹ thuật số...

Anh Huỳnh Văn Quý (Tổ trưởng Tổ bảo vệ, BV Nhân dân Gia Định) cho biết: "Theo chân người bệnh, người nuôi bệnh vào nhà tắm để canh me, lúc người ta đang tắm rồi ra tay rút chiếc quần chuồn mất là chiêu thức bọn trộm hay dùng ở BV, vì thông thường người ta hay để tiền, tư trang, điện thoại trong túi quần. Tuần trước, chúng tôi bắt được một cô gái đánh cắp chiếc quần của một người nuôi bệnh trong nhà tắm giao cho Công an P.7, Q.Bình Thạnh. Một ngày trước đó, cô gái này cũng đã lấy trộm thành công một chiếc quần của người bệnh trong đó có tiền và điện thoại".

Ngoài ra, theo anh Quý, kẻ trộm cũng thường đóng vai người nuôi bệnh, giả vờ hỏi thăm bệnh tật của bệnh nhân trong phòng khiến ai cũng lầm tưởng là người thân của một bệnh nhân cùng phòng, đợi đến lúc có người sơ hở là ra tay. Hay giả là người bán bánh chưng, bánh giò, bán báo, vé số... vào các phòng bệnh, nếu có cơ hội là hành động ngay; hoặc giả như người giàu có (ăn mặc bảnh bao, đeo nhiều vòng vàng) nhằm làm các "con mồi" từ dưới quê lên mất cảnh giác...

Còn theo anh Võ Duy Thức (Phó phòng Hành chính quản trị BV Ung bướu) thì: "Kẻ trộm ở BV chia thành nhiều nhóm, chúng luân phiên thay đổi hoạt động ở các BV để tránh bị nhận diện. Chúng giả vờ mua một cuốn sổ ngồi đợi khám bệnh, lợi dụng lúc đông đúc, chen lấn ở phòng khám để ra tay".

Riêng bác sĩ Phạm Việt Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ, thì cảnh báo về một chiêu thức hoàn toàn mới: kẻ trộm giả dạng nhân viên y tế để trà trộn vào các khoa phòng khiến cả người nuôi bệnh và người bệnh không thể nào cảnh giác được. Đặc biệt đáng lo hơn, theo bác sĩ Nguyễn Văn Xuyền (Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn) thì: "Đã xảy ra trường hợp người nuôi bệnh trong lúc vào nhà vệ sinh đã bị kẻ xấu đi theo khống chế trấn lột tài sản. Do vậy, người bệnh và thân nhân cần cảnh giác khi vào nhà vệ sinh, nhất là đêm khuya"...

Thời điểm kẻ trộm thường ra tay cũng tùy từng BV. Chẳng hạn, theo bác sĩ Tăng Chí Thượng (Giám đốc BV Nhi đồng 1) trộm thường diễn ra vào lúc sáng sớm, lúc người nuôi bệnh mệt mỏi sau một đêm chăm sóc người thân. Còn theo bác sĩ Vũ Trí Thanh (Phó phòng Hành chính BV Đại học Y - Dược), giờ "làm ăn" của đạo chích thường là lúc 6-7 giờ sáng (trà trộn lúc thân nhân bệnh nhân vào thăm bệnh) và thời điểm 21 giờ tối (lúc người bệnh bắt đầu ngủ nhưng quên đóng cửa phòng). Ở một số BV khác, bọn trộm hành nghề vào những giờ BV cho thân nhân vào thăm bệnh (giờ trưa, chiều sau giờ hành chánh).

Địa điểm thường bị mất trộm theo các BV là phòng khám bệnh, nơi đóng viện phí, trong thang máy (trộm giả vờ chen lấn, lợi dụng lúc sơ hở ra tay); trước phòng chờ mổ, hành lang phòng bệnh... Tại Viện Tim, nơi người bệnh bị móc túi nhiều nhất là chỗ xếp hàng bốc số thứ tự tại cổng viện, và tại khu chờ khám bệnh ở lầu 1. Những tài sản bị mất nhiều nhất tại các BV gồm điện thoại di động, bóp, túi xách...      
 
Hiện nay, hầu hết các BV tại TP.HCM đều đã chú tâm hơn đến việc chống trộm. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các BV, ngoài lực lượng bảo vệ được bố trí chốt chặn tại những vị trí đông đúc, còn có bảo vệ tuần tra trong khuôn viên BV, có hệ thống camera quan sát....

Tuy nhiên, có một thực tế, nhiều nơi, lực lượng bảo vệ vẫn còn mỏng, nên kẻ trộm vẫn sống khỏe ở các BV. 

Thanh Tùng - Nguyên Bảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.