Ngành gỗ tự vệ trước những cáo buộc ác ý

20/06/2008 23:36 GMT+7

Các DN chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đang phải đối đầu với những cáo buộc phi lý và họ phải tự bảo vệ lấy chính mình bằng cách nào?

Cơ quan điều tra môi trường EIA có trụ sở tại Anh và tổ chức phi chính phủ Telapak của Indonesia đưa ra hồi đầu tháng ba cho rằng ngành gỗ Việt Nam có sử dụng gỗ nhập lậu từ Lào. Ông Bruce Telfer, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của SGS (tổ chức tham gia thẩm định và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các DN Việt Nam), cho biết không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác cũng đã từng bị EIA cáo buộc ví dụ như Papua New Guinea bị cáo buộc xuất gỗ lậu qua Trung Quốc hoặc gỗ lậu ở Indonesia, Nigeria... Những cáo buộc không chỉ liên quan đến buôn lậu mà cả những vấn đề trách nhiệm xã hội, sử dụng lao động trong ngành công nghiệp... "Các tổ chức như thế thường có những báo cáo liên quan và chúng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp của một quốc gia.

Tuy nhiên, những báo cáo đó đúng hay không, nhiều người chưa thực sự tin tưởng và bản thân tôi cũng không thể khẳng định tính chính xác của báo cáo EIA/Telapak đối với trường hợp gỗ Lào rằng đúng hay sai", ông Telfer nói với Thanh Niên. Ông nói thêm rằng ông đã đi thăm hai nhà máy chế biến gỗ Việt Nam được cho có gỗ lậu từ Lào nhưng ông không thấy hai nhà máy này sử dụng gỗ có xuất xứ từ Lào, phần lớn họ nhập gỗ từ Hoa Kỳ hoặc New Zealand.

Ông Micheal Snow, Giám đốc điều hành Hội đồng xuất khẩu gỗ Hoa Kỳ (AHEC), nói rằng ông không ngạc nhiên khi biết rằng DN gỗ Việt Nam bị cáo buộc bởi các tổ chức phi chính phủ, bởi theo ông DN của Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã từng buộc tội như thế khi ngành công nghiệp gỗ ở những nước này phát triển mạnh. Ông Snow cho rằng các DN phải đưa ra các bằng chứng xác thực để chứng minh những cáo buộc đó là sai. "Bạn mua gỗ ở đâu, hãy cho họ thấy người cung cấp của bạn. Đó là cách bạn đã chứng minh", ông Snow nhận định. Ngành gỗ Việt Nam đang phát triển và trở thành thị trường tiềm năng không chỉ cho những nước xuất khẩu mà cả nhập khẩu. Chính vì vậy theo ông Snow, DN Việt Nam cần phải biết cách bảo vệ uy tín của mình trước người tiêu dùng ở các nước mà họ xuất hàng đến.

Trong khi đó ông Telfer cho rằng trong quan hệ quốc tế việc lưu trữ hồ sơ và tài liệu rất quan trọng vì nó chứng minh tính đúng đắn của vụ việc, trong khi đó nhiều DN Việt Nam còn yếu việc này. Để khắc phục những nhược điểm của mình, ông Telfer cho rằng các DN Việt Nam cần có cơ quan độc lập hỗ trợ về vấn đề này.

Minh Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.