Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến dự án Luật Công vụ

28/02/2008 14:28 GMT+7

Sáng 28.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến dự án Luật Công vụ dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết mục tiêu xây dựng Luật Công vụ phải trở thành công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thực hiện quá trình đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, việc xây dựng luật phải tạo cơ sở pháp lý để xây dựng và quản lý đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực trình độ; phát huy tính năng động, sáng tạo của công chức và thể hiện được chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới. Dự án Luật Công vụ gồm 8 Chương và 91 điều.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nêu lên ý kiến tán thành với quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhiều nội dung của dự án luật. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng trong tờ trình của Chính phủ chưa phản ánh được thực tế đa dạng và phức tạp vì đội ngũ cán bộ, công chức nước ta hiện nay không chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước mà còn cả ở tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị xã hội...; đồng thời tờ trình chưa nêu lên được bức tranh tổng thể về các loại hình cán bộ, công chức trong đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay, nhất là số liệu cụ thể của đội ngũ cán bộ trong cơ quan Đảng, tổ chức chính trị, xã hội, cũng như số liệu về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và số liệu cán bộ, công chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước...

Cùng với đó, theo quy định của dự án luật, một số lượng rất lớn những người đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay sẽ không được coi là công chức. Ủy ban Pháp luật cho rằng đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến chủ trương đổi mới tổ chức các đơn vị cung cấp dịch vụ công, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và trực tiếp tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay, đặc biệt đối với những người đang công tác tại ngành giáo dục và y tế. Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan trình dự án thuyết trình rõ hơn về công tác chuẩn bị và lộ trình thực hiện, cơ chế chuyển đổi, chính sách tiền lương, các quy định về quyền, trách nhiệm, chế độ tuyển dụng, sử dụng, đào tạo đối với những người này cũng như dự báo những hệ quả của việc chuyển đổi...

Thảo luận về vấn đề công chức cấp xã, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền tán thành với tờ trình của Chính phủ cần quy định trong luật đối tượng điều chỉnh công chức ở xã, phường, thị trấn vì lý do Pháp lệnh cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung năm 2003, đã đưa cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh. Kế thừa Pháp lệnh cán bộ, công chức, dự án luật này cần tiếp tục điều chỉnh đối tượng cán bộ, công chức ở cấp xã. Mặt khác, cán bộ bầu cử và công chức chuyên môn ở cấp xã là những người làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước cấp cơ sở (gồm cả các cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội) thường xuyên tiếp xúc và giải quyết công việc liên quan đến lợi ích của người dân, các hoạt động của họ cũng là hoạt động công vụ (họ được hưởng các tiêu chuẩn, chế độ, chính sách của công chức cấp cơ sở). Do vậy, cần thiết phải đưa đối tượng cán bộ bầu cử và công chức chuyên môn cấp xã vào đối tượng điều chỉnh của dự án luật.

Về nội dung những người giữ các chức vụ trong Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước có là đối tượng điều chỉnh của dự án luật hay không, đại biểu Hà Văn Hiền và Ksor Phước đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật là không nên quy định những người này thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Đại biểu cho rằng một trong những yêu cầu đặt ra trong công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay là phải xử lý mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh, tách biệt chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước. Do đó, quan hệ giữa Nhà nước và những người này cần được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao việc chứ không gắn với chức danh cán bộ, công chức. Hơn nữa, nếu quy định những người này cũng là công chức sẽ không phân biệt được quyền, trách nhiệm với tư cách là thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp, đồng thời không bảo đảm sự bình đẳng về thu nhập trong đội ngũ công chức nói chung.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.