Hướng nghiệp trước, hướng trường sau

18/02/2008 21:22 GMT+7

Quả là bất ngờ đến kinh ngạc khi phỏng vấn nhanh một lớp năm thứ 3 của một trường đại học lại có đến ngót 50% chưa hiểu và không mặn mà gì về ngành mình đang học. Các em muốn chuyển ngành học khác mà theo các em là phù hợp hơn. Biết bao nhiêu lãng phí cho nhà trường, xã hội và cho chính các em.

Phải chăng có sự lựa chọn nghề nghiệp sai? Hoặc chọn lựa đúng ngành mà nhu cầu xã hội đang không thiếu? Đó chính là do cái vòng luẩn quẩn thừa thiếu - thiếu thừa.

Là những người làm trong ngành giáo dục và đào tạo, tôi nghĩ "hướng nghiệp và tuyển sinh, tuy 2 mà là 1". Thi vào ngành nghề nào, trường nào, ở đâu? Có thể nói là có nhiều tiêu thức lựa chọn. Theo tôi, xuất phát điểm của TS khi chuẩn bị vào ngưỡng cửa ĐH, CĐ, THCN... phải là sở thích/sở trường/năng khiếu. Đó mới là điều quan trọng và cốt lõi! Tiếp theo là phải cân nhắc nhu cầu việc làm của ngành này? Nếu xác định được điều quan trọng này sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi "Thi trường nào/ngành nào để dễ đậu?". Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, chân đứng đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó? Vậy làm sao để có được sự phát huy hết năng lực, sở trường để cống hiến đóng góp cho xã hội, cho đất nước?

Vấn đề là thông tin. Đúng là nhiều em thí sinh thiếu thông tin. Một số ngành cầu đang rất lớn, rất cao nhưng cung lại quá thấp. Một số ngành nghề lại đang thiếu một cách trầm trọng. Tôi lấy ví dụ, ngành chế biến lâm sản thời gian vừa qua đang thiếu trầm trọng đội ngũ khoa học kỹ thuật, có công ty tìm không ra kỹ sư chế biến lâm sản, chế biến thủy sản, phát triển nông thôn và khuyến nông, kinh doanh nông nghiệp..., mặc dù họ sẵn sàng trả mức lương rất cao. Họ đặt hàng với các trường đại học để đào tạo thêm cho họ chỉ vài chục kỹ sư cho ngành này theo hình thức đào tạo theo địa chỉ, dù chi phí cao hơn các lớp bình thường rất nhiều, họ vẫn chấp nhận bởi đang cần. Nhưng thực tế vẻ như thí sinh lại ngán ngại học những ngành này vì lo lắng cơ hội việc làm.

Bởi vậy, thiết nghĩ trong mùa giúp các em làm hồ sơ thi tuyển vào ĐH, CĐ, các trường và cả các thầy cô giáo ở phổ thông hãy cùng một tâm điểm chung là: hướng nghiệp trước, hướng trường sau.

Thạc sĩ Trần Đình Lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.