Người Việt thành đạt trên đất Thái

30/06/2007 14:25 GMT+7

Rời quê hương từ rất sớm, cộng đồng người Việt đã xuất hiện ở Thái Lan từ rất lâu. Những bô lão hôm nay đã thuộc thế hệ thứ mấy không biết, cháu chắt của họ nhiều người không còn nói được tiếng Việt; nhưng trái tim mọi người vẫn hướng về Tổ quốc. Và chính sức mạnh đó đã tạo nên một cộng đồng hàng vạn người ngày càng khẳng định vị trí trong lòng nước Thái.

Hôm Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok tổ chức cuộc gặp gỡ bà con kiều bào (27.6), nhiều người lặn lội từ vùng đông bắc xa xôi, cách thủ đô gần cả ngàn cây số, để về dự. Họ mang theo bao câu chuyện xúc động về tình nghĩa đồng bào, những câu chuyện làm giàu trên đất khách, chuyện một thời bị o ép gian truân, và quan trọng nhất là câu chuyện tương lai cho con cháu người Việt trên đất Thái.

Còn người Việt ở Bangkok thì khỏi nói, chỉ cần "hô" một tiếng thì có mặt ngay, mỗi người hì hụi chuẩn bị một món ăn mang tới làm tiệc chung. Cô Hường, một người sinh ra tại Thái Lan nay hơn 50 tuổi, từng bị nhốt tù thời con gái vì dạy tiếng Việt "chui" cho con em kiều bào, hào hứng nói: "Chị chỉ cần a lô cho người này bảo chuẩn bị món này, người khác chuẩn bị món kia. Thế là xong". Bữa tiệc "góp vốn" có đủ các món Việt và Thái tiêu biểu. Giò lụa, giò bì, sườn ram, mực hấp; bún tươi ăn với canh măng hay tom yum; cơm nếp ăn cùng xoài chín; chè hạt lựu, chè thạch dừa, trái cây tươi... ăn không hết.


Cơm nếp ăn với xoài chín, một món ăn tiêu biểu và rất lạ miệng của người Thái
Các bà, các chị trong váy áo xúng xính, nói tiếng Việt có phần không chuẩn, chào nhau bằng tiếng Thái nhưng không ngớt nhắc đến Việt Nam. Cũng phải thôi, họ sinh ra trên đất Thái, nhưng thấm đẫm tình Việt qua câu chuyện của ông bà kể lại. Như để thanh minh cho cái sự "không sõi tiếng Việt" của mình, chị Tâm - chuyên nấu suất ăn công nghiệp cho nhà trường, bệnh viện, công sở - tâm sự: "Chị đâu có được học tiếng Việt.

Hồi đó, người ta cấm em ạ. Có nhiều chuyện lắm. Hôm nào rảnh tô-lê-sập (điện thoại) cho chị. Đến nhà chơi chị kể cho nghe". Rồi anh chị Châu - Liên, có cửa hàng sửa chữa và bán phụ tùng ô tô cũng rủ tôi đến nhà. Anh Hòa làm cửa nhôm ở tỉnh Nonthaburi giáp Bangkok bảo: "Có đi đâu qua đó thì điện thoại tui cho người qua rước". Anh cũng nói anh muốn dạy lại nghề này cho người Việt nào muốn học để mở tiệm. Anh Hợi ở tỉnh Chanthaburi giáp Campuchia, có nhà hàng tên Chim cũng mời sang bên ấy chơi. Thế mới thấy tình Việt trên đất Thái ấm áp làm sao.

Có thể nói, những người Việt định cư lâu ở Thái nay đều có đời sống khấm khá. Ai cũng có cửa hàng cửa hiệu. Còn thế hệ trẻ bây giờ thì kỹ sư, bác sĩ gần hết, họ đứng trong các cơ quan nhà nước, ngạch này bậc nọ như thể không có sự phân biệt nào giữa người Thái với người Việt - bác Châu Kim Quý, một trí thức lão thành ở Bangkok khẳng định. Còn Đại sứ Nguyễn Duy Hưng thì phấn khởi kể về những chuyến đi lên miền bắc của ông. Ở đó ông gặp rất nhiều cửa hàng sang trọng của người Việt, những gia đình giàu có, những người có chân trong chính quyền. Như ở tỉnh Nakhon Phanom có anh Phỏm làm đến Chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh. Những người này muốn gặp các quan chức địa phương rất dễ dàng.

Và tất cả người Việt có mặt hôm ấy đều tha thiết một nguyện vọng được gặp gỡ nhau thường xuyên, được có một cơ chế tổ chức do "Bác Sứ" (cách mà các cụ gọi Đại sứ) cầm trịch để người Việt trên mọi miền nước Thái đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau. Đặc biệt, ai cũng trăn trở với việc làm sao để có được những ngôi trường Việt trên đất Thái, dạy cho con em kiều bào tiếng nói quê hương, phong tục tập quán, văn hóa và lịch sử của nước Việt anh hùng. Nhiều người cũng có tâm nguyện gửi con em về học ngay trong lòng Tổ quốc, để các em gắn bó hơn với quê cha đất tổ. Bởi theo họ, con cháu họ dù ở trên đất Thái vẫn là một bộ phận có thể đóng góp tích cực cho sự hưng thịnh của nước nhà. Nghe mà cứ rưng rưng...

Thục Minh (từ Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.