Việt Nam: Nguy cơ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ hàng kém chất lượng

18/06/2007 11:10 GMT+7

Hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới xuất xứ từ nước ngoài, hàng do các cơ sở sản xuất trong nước làm giả đã và đang xuất hiện trên thị trường với mật độ dày đặc. Riêng tại TP.HCM, đã xuất hiện nhiều con đường, nhiều khu vực chuyên bán các sản phẩm làm giả, kém chất lượng!

Đau đầu vì hàng giả

Liên tục trong những ngày gần đây, ngành quản lý thị trường (QLTT) đã mở nhiều đợt ra quân, truy quét việc sản xuất, tàng trữ và buôn bán hàng giả với quy mô khá lớn. Như vụ kiểm tra đồng loạt 5 cửa hàng kinh doanh (đồng thời cũng là kho chứa hàng hóa) phụ tùng, linh kiện xe gắn máy tại khu vực chợ Tân Thành, P15, Q5. Đó là, cửa hàng số 88, 94, 102 (đường Tân Thành) và 114, 134 (đường Dương Tử Giang) do Đội QLTT 3A thực hiện. Kết quả, lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu giữ hơn 15.000 sản phẩm linh kiện, phụ tùng xe gắn máy khác nhau, được niêm phong trong 104 thùng và 106 bao...

Nếu so sánh các mặt hàng giả trong những tháng đầu năm 2007 với những năm trước đây thì “danh mục” các sản phẩm bị làm giả có chiều hướng tăng vọt. Hàng giả không chỉ dừng lại ở những sản phẩm như cây kim, sợi chỉ, hộp quẹt mà nó đã xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, kể cả các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám cao và cần có sự đầu tư lớn về vốn.

Hàng giả xuất hiện trên diện rộng với mật độ dày đặc từ các cửa hàng, các chợ đến các điểm bán hàng rong…

Vấn đề khiến cho các nhà quản lý đau đầu nhất, đó là gần đây số lượng các vụ sản xuất các sản phẩm có liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe con người như nạn sang chiết nạp gas trái phép, sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả vẫn tiếp tục gia tăng. Nhiều vụ việc đã bị phát hiện lập biên bản nhưng vẫn tái diễn nhiều lần.

Mới đây, Đội QLTT Bình Thạnh đã kiểm tra địa chỉ 194/4/4 Bùi Đình Túy, P12, Q. Bình Thạnh phát hiện đây là kho chứa bình gas của cửa hàng 54 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh. Có mặt tại hiện trường, nhiều người không khỏi giật mình vì giữa các bức tường cao bít bùng còn có một kho chứa tới hàng trăm “quả bom nổ chậm” thì quả là rất nguy hiểm. Mặt khác, xe tải của cửa hàng này đã bị xử lý nhiều lần vì tội chở bình gas giả nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động.

Hình thành các khu vực mua bán hàng kém chất lượng

Lào Cai: Nước tương, dầu hào của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường

Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh Lào Cai cho biết: trên thị trường Lào Cai đã thấy xuất hiện nguồn hàng mới tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm như nước tương, dầu hào của Trung Quốc nhập vào không rõ xuất xứ, được bày bán tràn lan ở các chợ đầu mối: Cốc Lếu, Phố Mới, Kim Tân. Hầu hết các sản phẩm này đều không có tem nhãn nhập khẩu chính hiệu và có nhiều yếu tố gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nếu như 5 tháng đầu năm 2006, ngành QLTT chỉ kiểm tra, lập biên bản 68 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, thì đến 5 tháng đầu năm 2007, con số này đã tăng lên tới 81 vụ. Điều đáng lưu ý, những năm gần đây, tại nhiều con đường, khu vực ở TP.HCM đã hình thành hẳn các khu kinh doanh các sản phẩm chuyên biệt, trong đó có không ít các cửa hàng mua bán hàng giả.

Tại một số trung tâm thương mại, nơi được xem là địa chỉ tin cậy, chuyên buôn bán những mặt hàng cao cấp đã có hiện tượng lừa dối người tiêu dùng bằng những sản phẩm kém chất lượng, người ta quen gọi là “hàng chợ”. Như ở Trung tâm thương mại Saigon Square (nằm ở góc Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Q1 nhưng hiện được dời về đường Lê Văn Hưu).

Trước đây, lực lượng QLTT đã mở đầu đợt kiểm tra cao điểm mặt hàng quần áo và giày dép thể thao. Kết quả, hầu hết các sản phẩm đang bày bán tại đây đều là hàng giả nhãn hiệu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nhiều cửa hàng kinh doanh không phép

Chỉ riêng trong tháng 5/2007, ngành QLTT đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản 164 vụ vi phạm, trong đó có tới 56 vụ không đăng ký kinh doanh, không có đủ điều kiện kinh doanh… Có thể kể ra hàng loạt các cửa hàng vừa kinh doanh hàng nhập lậu vừa không có giấy phép hoạt động như vụ kinh doanh thú nhồi bông ở số 75 đường Gò Công, Q5; vụ kinh doanh điện thoại di động nhập lậu tại số 133 Chu Văn An, P26, Q.Bình Thạnh bị phát hiện vào ngày 14/6 vừa qua…

Tương tự, việc kiểm tra sau đăng ký kinh doanh cũng đã phát hiện có dấu hiệu biến tướng. Trong số 99 công ty, DNTN ở 6 quận (quận 1, 8, Bình Chánh, Bình Tân, Bình Thạnh và Thủ Đức) được kiểm tra trong tháng 5, ngành QLTT đã lập biên bản 38 công ty vi phạm các nội dung như không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, kinh doanh sai nội dung…

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ việc sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng gia tăng là do chúng ta chưa có những biện pháp hữu hiệu. Việc xử phạt còn quá nhẹ. Chúng ta chưa tìm ra các đầu nậu chuyên làm hàng giả.

Mặt khác, việc giám sát các mặt hàng giả cũng gây rất nhiều khó khăn, phiền toái cho các lực lượng chức năng vì đến nay chúng ta vẫn chưa có trung tâm giám định hàng giả... Việt Nam đã vào WTO, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh trong việc lưu thông hàng hóa giữa các nước. Nếu chúng ta không có những biện pháp mạnh trong việc kiểm soát thị trường thì coi chừng Việt Nam sẽ có nguy cơ trở thành “vùng trũng” tiêu thụ các sản phẩm kém chất lượng.

Theo Thúy Hải - P.B/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.