Tin nhắn của những người đi lạc

29/03/2007 23:55 GMT+7

Nằm cách nội ô TP.HCM khoảng 40 km, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (số 33C/2 Phú Châu, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) là mái nhà chung cho 1.350 con người. Hôm chúng tôi vào, cụ Võ Văn Chẩn, sinh năm 1931, vào trung tâm ngày 6.5.1999, có con là Dung, Nga, Ngọc ở Thủ Dầu Một, khóc mếu máo... nhờ đưa một tin nhắn rằng: Bệnh của cụ đã thuyên giảm nên rất khao khát được về nhà. Cụ hy vọng qua đây, các con sẽ nhận ra và lên đón cụ về...

Nơi dừng chân của những người lạc đường

Không khí ở trung tâm khá trong lành, yên tĩnh, phù hợp cho những người đang bị "căng thẳng thần kinh" nghỉ ngơi và tịnh dưỡng. Xung quanh, hoa nở rực rỡ, rau xanh tươi tốt bốn mùa. "Kiên quyết" không cho chụp ảnh chân dung, nhưng nữ Giám đốc Tạo là người rất cởi mở, dễ gần. Chị khoe rằng, đó là thành quả lao động của các bệnh nhân những lúc họ tỉnh táo. Đi tới đâu, bệnh nhân ùa ra gọi tên chị tới đó. Có người còn nắn nót viết mấy chữ: "Chúc cô Tạo năm mới mạnh khỏe". 26 năm gắn bó với nơi này, chị Tạo rất hiểu tâm lý của bệnh nhân. "Đặc điểm chung" của họ là rất thích sự ngọt ngào. Nhưng những người chăm sóc phải phân biệt, biểu hiện nào cần mềm dẻo, biểu hiện nào cần phải cứng rắn.

Thấy có người lạ, các bệnh nhân chỉ trỏ cười, nói một cách ngây ngô. Ánh mắt nhìn khi thì vô hồn, hoang dại khi lại khẩn thiết, cầu xin. Khi thì kêu gào xin được về nhà, khi lại thề thốt sẽ ở lại trung tâm suốt đời. Gặp bất cứ bệnh nhân nào, chị Tạo cũng nở nụ cười và dừng lại hỏi han vài câu. Người thì hứa với giám đốc là nhất định


Cụ Võ Văn Chẩn

tháng này sẽ tăng ký, người thì bảo sẽ không bao giờ bỏ trốn.

Chứng kiến những niềm vui nỗi buồn của bệnh nhân, Giám đốc Tạo kể lại: Có một bệnh nhân quê ở tận miền Bắc, đi lạc đã 10 năm. Khi được đưa về trung tâm không chỉ bị tâm thần nặng mà sức khỏe cũng rất yếu. Sau nhiều năm tìm kiếm không thấy, gia đình bệnh nhân đã lập bàn thờ, coi như anh đã chết. Trong lúc đó, người em trai của bệnh nhân này là dược sĩ làm việc tại TP.HCM cũng có một người bạn bị bệnh tâm thần đang sống tại trung tâm này.

Hằng tháng, người em trai đi thăm người bạn đồng nghiệp mà không hay anh trai mình cũng đang ở nơi này. Một thời gian sau, người anh đã khỏe hẳn và trí nhớ cũng dần dần được hồi phục. Bệnh nhân này bắt đầu nhớ được tên mình, tên cha mẹ, và địa chỉ ở ngoài quê. Trung tâm lập tức viết thư về báo. Gia đình bệnh nhân mới gọi vào cho người em để tới đón về. Người em không tin vì bản thân anh tháng nào cũng tới trung tâm thăm bạn mà có thấy đâu. Nhưng khi nhìn thấy nhau, cả hai  khóc òa lên vì vui sướng. Bây giờ bệnh nhân này đã trở về gia đình và đã lấy vợ, sinh con như những người bình thường khác.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như thế. Những bệnh nhân ở trung tâm, hễ gặp ai cũng xin "cho con về nhà" nhưng khi hỏi nhà ở đâu thì họ nghĩ mãi không ra. Cũng có người nhớ lõm bõm là nhà ở Chợ Lớn hoặc Tân Uyên nhưng tất cả đó là những địa chỉ mơ hồ, không thể nào tìm kiếm được. Bệnh nhân ở đây có hai thành phần, người có gia đình và người bệnh lang thang. Nhưng số ít có gia đình lại rơi hoàn cảnh quá khó khăn, không có khả năng nuôi mới gửi vào.

Trốn trại và... quay về

Ở đây các bệnh nhân luôn có tư tưởng trốn trại. Vì thế nhân viên và đội ngũ y tá, bác sĩ phải thay ca nhau trực 24/24 giờ. Giám đốc chuyên môn Vũ Đình Sơn bảo là đã có những cuộc trốn trại và truy lùng ngoạn mục giữa bệnh nhân và các nhân viên. Một trong những người lập kỷ lục trốn trại nhiều nhất là bệnh nhân Hòa. Không ai nhớ nổi là Hòa đã trốn đi bao nhiêu lần. Nhưng tự bỏ đi lại tự tìm đường về. Mỗi khi từ ngoài trở về, Hòa lại ở trong tình trạng kích động mạnh do rượu. Hôm chúng tôi vào, Hòa đã nằm mê man 3 ngày. Vì lượng cồn trong máu quá cao, bác sĩ phải cho truyền nước liên tục. Tuy không thể mở mắt, nhưng thỉnh thoảng Hòa lại hô: "Dzô, dzô!" khiến các bệnh nhân gần đó cũng cao hứng hét: "Dzô, dzô!".


Một góc bếp cháo sáng do Giám đốc Tạo vận động - Ảnh: D.Đ.M

Một trong những bệnh nhân đặc biệt mà chị Tạo giới thiệu với chúng tôi là Lộc. Ở đây mọi người vẫn gọi anh là "Lộc thương binh". Anh là một trong những người tỉnh táo nhất trong số các bệnh nhân. Trước kia anh là nhân viên bảo vệ cho Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Nhưng khi từ chiến trường biên giới Tây Nam trở về, anh bị mất một chân. Vì gặp chuyện rủi ro nên gia đình anh bán hết nhà cửa. Anh bị loạn thần và trở thành kẻ lang thang. Sau nhiều năm lê lết ngoài đường, anh được đưa về đây "định cư".

Qua quá trình điều trị, thần kinh anh đã đi vào ổn định, tuy nhiên không thể khỏi hẳn. Anh muốn về nhà để phụng dưỡng cha già. Sau nhiều lần năn nỉ, Ban giám đốc đồng ý để anh ra đi nhưng vẫn không "cắt nhân khẩu", vì biết rằng, chắc chắn anh sẽ trở lại. Và quả nhiên, ngày 5.3, anh chống nạng khập khiễng trở lại trung tâm. Anh tâm sự rằng, cha anh nay đã lớn tuổi nhưng suốt ngày rượu chè, khuyên mãi không được. Anh buồn rầu khiến bệnh tái phát. Một tháng anh lãnh 700 ngàn đồng tiền lương thương binh, anh gửi về cho cha phân nửa. Biết là có tiền cha sẽ uống rượu nhưng không thể để cha túng thiếu. Những lúc tỉnh táo, anh muốn mỗi sáng được ra ngoài ngồi nhấm nháp tách cà phê. Ban đầu thì sợ anh bỏ trốn nhưng giờ thì mọi người đều chiều theo ý anh.

Giấc mơ “bếp cháo”

Hiện tại ở trung tâm có 5 trại, 3 nam, 2 nữ và 1 trạm xá. Trong đó trại G là nơi ở của những bệnh nhân nặng, còn trại H là trại cách ly những bệnh nhân đã bị nhiễm lao. Ngoài ra còn có trên 20 ca bị nhiễm HIV. Số bệnh nhân này được cách ly và điều trị song song hai loại bệnh. Tiêu chuẩn của một bệnh nhân là 180 ngàn đồng/tháng. Với số tiền đó, bệnh nhân chỉ được ăn hai bữa trưa và chiều. Vì thế, Giám đốc Tạo đã tìm cách để các bệnh nhân có một chút thức ăn lót dạ vào buổi sáng. Sau nhiều ngày vận động, tháng 11.2005, bếp cháo sáng cho bệnh nhân ra đời. Tuy đã tồn tại được một năm rưỡi nhưng bếp này khó có thể kéo dài vì ngân quỹ có hạn. Chị đăm chiêu nói rằng, chỉ cần 600 đồng thôi là đủ một bữa ăn sáng cho một bệnh nhân. Chị rất mong có nhiều tổ chức từ thiện giúp đỡ để nồi cháo sáng của bệnh nhân được duy trì.  Nhìn những bệnh nhân đang cười nói  hồn nhiên, chị bảo rằng, đã lo thì lo cho trót, lo suốt cuộc đời, lo cho tới khi người ta nhắm mắt.

Phóng sự của Bảo Thiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.