Nghề bồng heo

07/02/2007 21:50 GMT+7

Chị Trần Thị Thảo (thôn 2, Quế Xuân, Quế Sơn, Quảng Nam) kể: "Ai hỏi tôi làm nghề gì, tôi bảo làm nghề bồng heo. Nhiều người không tin bảo làm gì có cái nghề lạ vậy". Lạ là phải, bởi tôi dám chắc có tìm đỏ mắt trong các cuốn từ điển Việt Nam cũng chẳng thể nào thấy được định nghĩa của "nghề bồng heo"...

Sự ra đời của một nghề

Ở chợ heo, xưa nay chỉ nghe nói nghề buôn heo, bắt heo, chở heo, và sau này là "cò" heo. Cái danh từ "bồng heo" (nghe na ná như bồng em, ẵm em) thì vẫn còn lạ lẫm và mới mẻ với nhiều người. Để tìm câu trả lời cho cái nghề lạ kỳ này, từ 5 giờ sáng chúng tôi đã chạy xe máy từ Đà Nẵng, vượt 50 cây số trong mưa lạnh đến chợ heo Bà Rén (Quế Sơn, Quảng Nam) - một trong những chợ heo lâu đời nhất và lớn nhất miền Trung.

Nói là chợ nhưng đó là một khoảng đất trống nằm dọc sông Thu Bồn, sát con đường cái ngay dưới chân cầu Bà Rén. Đã gần 7 giờ sáng nhưng mới chỉ có lác đác vài phụ nữ đầu đội khăn, bịt mặt đang khệ nệ khiêng những chiếc giỏ tre để đựng heo ra xếp ngay ngắn quanh chợ. Về sau, tôi mới biết đó là những người làm nghề bồng heo chuyên nghiệp kiêm cho thuê giỏ. Câu chuyện của chúng tôi với những người làm nghề này bắt đầu tự nhiên và cởi mở đến không ngờ.

Theo các chị, chợ heo này đã có từ cách đây 40 năm, nhưng cái nghề bồng heo thì không ai nhớ chính xác ra đời khi nào. Theo áng chừng của chị Trần Thị Thảo thì nó xuất hiện độ 10 năm nay, kể từ khi chị khăn gói từ Bắc vào Quế Sơn - quê cha - để lập nghiệp. Chồng chị chẳng may mất sớm, để lại hai đứa con nhỏ.


Bồng heo ra khỏi giỏ để giao cho khách

Chị gửi con gái đầu ở lại rồi mang con trai út vào đây, một nách nuôi con và người cha già đã 82 tuổi. Ruộng không có, chân ướt chân ráo đến chỗ lạ, chị nhớ lại: "Lúc tôi mới vào, những người buôn heo vẫn còn phải tự làm mọi thứ, từ mua heo, bắt heo cho đến chở heo ra chợ, bán heo, bồng heo ra tận xe cho khách hàng. Tôi ra chợ heo làm chân cửu vạn, ai gọi gì, nhờ gì thì làm nấy. Dần dần họ quen, rồi đồng tiền dễ kiếm hơn, những việc nặng nhọc như bồng heo, cân heo... người buôn heo đều thuê chúng tôi làm. Làm mãi thành nghề. Từ một hai người, đến nay đã có 8 người sinh sống bằng nghề bồng heo tại chợ Bà Rén"...

Nghề "hai không"

Thứ nhất là không có đàn ông làm, thứ hai là không bao giờ có tiền "lớn". Từ xưa đến nay, chợ Bà Rén nổi tiếng về cung cấp heo giống. Trung bình một con heo giống cân nặng 20 - 45 kg. Công việc bồng heo khá nặng nhọc và vất vả nhưng những người làm công việc này đều toàn là phụ nữ. Người trẻ nhất cũng đã ngoài 30, lớn nhất thì cũng đã xấp xỉ 50. 

Chợ họp hằng ngày. Khi những chuyến xe chở heo từ các chuồng tập kết về chợ, theo mối có sẵn, đội ngũ làm nghề phải bồng heo từ giỏ sắt ra giỏ tre để đựng heo bán. Công việc khá nặng, lại phải chịu dơ bẩn (ôm cả heo vào người) nhưng chỉ được trả công 500 đồng/lần, nếu một giỏ heo có 4-5 con thì cũng chỉ được trả 1.000 đồng/giỏ vì là mối quen. Những lúc phải bồng xa cách vài trăm mét để giao tận xe người mua, tuy vất vả hơn nhưng tiền công được trả từ 1.000 - 2.000 đồng/con.

Làm quần quật cả buổi chợ, mỗi người chỉ kiếm cao nhất từ 10.000 - 15.000 đồng, cao nhất cũng chưa bao giờ vượt mức 20.000 đồng.  Gạo chợ nước sông, những người làm nghề bồng heo cũng đủ mua rau cháo qua ngày. Chị Thảo cười xuề xòa: "Đó là chưa kể có những lúc phải chờ đợi, năn nỉ xin cho bồng heo. Phải kiên nhẫn, nói tiếng nhẹ thì mới có nhiều mối. Kiếm ít tiền, lại phải chịu khó nên đàn ông không ai thèm làm nghề này dù nó đòi hỏi phải có sức khỏe". 

Chuyện của người trong nghề

Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng vì "mối" của chị Thảo gọi chị bồng heo qua giỏ của một người buôn cuối chợ. Quần xắn cao tận gối, người phụ nữ nhỏ thó, lam lũ gần 50 tuổi cúi khom xuống giỏ, nhanh nhẹn ôm nách một heo "thiếu niên" nặng chừng 30 kg rồi khệ nệ từng bước bồng giao cho khách. Mấy hôm nay trời mưa, con heo trên tay bê bết đất cứ la eng éc, giãy giụa như sắp rơi xuống đất. Có thấy mới biết bồng heo không dễ chút nào!

Chị Trương Thị Mai - "đồng nghiệp" của chị Thảo - nhớ lại ngày đầu mới tập tành vào nghề. Khi đó một con heo chị đang bồng bỗng lồng lên, tuột khỏi tay lao thẳng xuống sông. Cũng may người chủ thương tình không bắt đền tiền. Còn chị Thảo, cận Tết năm ngoái cũng đã phải đền tiền một con heo 25 kg vì sơ ý làm nó gãy chân. Năm đó nhà chị coi như không còn Tết. Tiền công được tính bằng từng đồng lẻ, nếu heo có xảy ra chuyện gì thì có nước làm cả tháng cũng không đủ tiền để đền. Thế nên bí quyết duy nhất được dân trong nghề truyền miệng là phải biết bóp nách heo cho chắc, có như thế dù heo có nặng mấy, lỡ có vùng cũng không bị tuột.


Người và heo cùng lên cân

Chị Gái, cũng là một người làm nghề bồng heo, kể bằng giọng buồn buồn: "Nghề này lấy công làm lời. May mà nhà tôi còn có sào ruộng, có gạo mà nấu cơm, tiền bồng heo hằng ngày chỉ đủ đi chợ...". Làm hơn chục năm, hầu hết những người phụ nữ làm nghề bồng heo ở chợ Bà Rén đều bị đau đại tràng do ngày nào cũng phải bồng hàng chục lượt heo vài chục ký trước bụng, đại tràng luôn bị ép, co thắt. Chuyện giãn cơ, bại tay cũng xảy ra như cơm bữa, nhất là vào những thời điểm thời tiết trở mùa. 

Thế nhưng chị Thảo lại hóm hỉnh: "Bù lại, không nghề nào "sướng" như nghề bồng heo. Chúng tôi khỏi cần đi khám mà vẫn ước chừng được sức khỏe của mình, lại còn được cập nhật số cân nặng hằng ngày". Tôi chưa kịp hiểu mô tê thì một xe chở heo trờ tới. Thấy mối của mình, chị Nguyên đứng phắt dậy. Sau vài câu với chủ buôn, chị nhanh nhẹn bồng một chú heo ra khỏi giỏ rồi cả người lẫn heo đứng hẳn lên bàn cân để sát bên. Người chủ heo hô "67" rồi hý hoáy ghi vào sổ.

Việc này tiếp diễn lần lượt với các con số 72, 60... cho đến con heo cuối cùng trong giỏ. Kẻ "ngoại đạo" như tôi chỉ biết tròn xoe mắt nhìn cho đến khi được chị Thảo giải thích. Thì ra sáng nào, công việc đầu tiên của người bồng heo cũng phải để các chủ buôn lấy số cân. Đến khi bồng heo đứng cân, cứ trừ số cân nặng của người lúc sớm thì sẽ ra được số cân của... heo !

Bồng heo nuôi con vào đại học 

Khắp cả chợ heo Bà Rén, chỉ có duy nhất hai người có con học đại học. Một người làm nghề buôn heo, người kia chính là chị Mai. Chị Mai kể, ngày nghe tin con trai đầu Lưu Phúc Nguyên đậu Đại học Xây dựng TP.HCM mà "sảng hồn". Không sảng hồn sao được khi cả gia đình phải đối mặt với gánh nặng học phí cho con nơi đất khách quê nguời. Chồng làm thợ mộc ở Lào, một thân chị quán xuyến nuôi ba đứa con ăn học bằng hai sào ruộng và từng đồng tiền lẻ kiếm được từ nghề bồng heo mỗi sáng. Nhắc đến khoản nợ vay ngân hàng ngày con nhập học, chị đau đáu: "Khoản tiền vay lúc trước chỉ mới trả tiền lãi chứ cũng chưa trả được nợ gốc".

Con trai đang học năm 1 thì bi kịch ập đến,  người chồng trở về nhà trong thương tật, hậu quả của một vụ tai nạn giao thông nơi đất khách quê người. Con trai một mực đòi mẹ cho nghỉ học. "Khuyên mãi rồi nó cũng nghe, bây giờ nó vừa đi học, vừa đi làm để phụ mẹ. Giờ mọi việc cũng đã tạm ổn.

Đứa con gái thì đang theo học cao đẳng ở Đà Nẵng, đứa út thì học lớp 12. Tuy không có được việc làm danh giá, nhà cửa không bằng người ta, làm nghề bồng heo có nghèo, có khổ đến mấy thì tôi cũng còn có niềm an ủi vì con cái ăn học nên người" -  nói đến đây, mắt chị Mai long lanh như chờ một niềm hạnh phúc đang đến thật gần. Mấy hôm nay, chị cứ đứng ngồi thấp thỏm ngóng hai đứa con đi học xa về nhà ăn Tết...

                                              V.P.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.