Những tác phẩm của niềm đam mê

19/07/2006 22:13 GMT+7

Hơn 17 bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu và 250 bài thể loại đồ họa ứng dụng của các sinh viên Trường cao đẳng Văn hóa TP.HCM được triển lãm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM là một công trình được chuẩn bị rất kỹ, từ việc phác họa ý tưởng, nghiên cứu tài liệu, đi thực tế cho đến lúc hoàn thành tác phẩm.

Theo vó ngựa Đà Lạt

Ngay từ năm học thứ 2, Trần Minh Thông (SV chuyên ngành đồ họa vi tính) đã xác định chọn xe ngựa Đà Lạt làm đề tài tốt nghiệp. Ngoài việc lên mạng tìm tài liệu về các loại xe ngựa cổ, Minh Thông còn đọc nhiều sách nghiên cứu để có thể thiết kế được một biểu tượng xe ngựa thật đặc trưng cho ngành du lịch Đà Lạt. Thông nói: "Trong đầu mình lúc nào cũng nghĩ đến xe ngựa, nhiều khi nói chuyện với bạn bè cũng đem chuyện xe ngựa vào". Khi đi thực tế, ngày nào Thông cũng lang thang trên các con đường có xe ngựa để chụp ảnh rồi về phác họa ra từng chi tiết, hình dáng, bước chân của con ngựa đang kéo xe. Cái khó là làm sao để vẽ được một bức họa mà nhìn vào người ta có thể biết được đó là khung cảnh của Đà Lạt. Cuối cùng bức tranh biểu tượng cho Công ty du lịch Đà Lạt cũng hoàn thành: một chú ngựa đang leo lên đồi thông lúc hoàng hôn, cách phối màu tạo hiệu ứng ngược sáng tạo nên một vẻ đẹp rất thơ của Đà Lạt. 


Bức vẽ xe ngựa Đà Lạt của Trần Minh Thông (ảnh: T.Q)

Còn Kim Thùy thì muốn giới thiệu về thổ cẩm, nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc. Chuyên môn của Thùy là thiết kế bao bì, mẫu mã nên việc tìm kiếm hoa văn độc đáo và lạ mắt cho sản phẩm là rất quan trọng. Trên mạng tràn lan các kiểu thổ cẩm, nhưng vì không muốn "đụng hàng", Kim Thùy cất công tìm kiếm khắp Đà Lạt để tìm mẫu. Có được mẫu vừa ý rồi thì gặp phải khó khăn là in ấn. Thùy cho biết: "Chỉ cần in sai màu hoặc lem một chút là phải in lại. Và trách nhiệm của người thiết kế là phải làm sao để khách hàng chỉ cần nhìn vào bao bì là có thể xác định được sản phẩm của công ty".

"Săn" thợ đóng tàu

Một tháng đi thực tế ở Đà Lạt với chi phí, sinh hoạt tự túc cũng đã gây không ít khó khăn cho các bạn sinh viên chuyên ngành đồ họa. Nhưng Kim Thùy vẫn vui vẻ: "Ở nhà trọ, điều kiện sinh hoạt, ăn uống thiếu thốn nhưng bù lại rất vui". Nhóm bạn của Thùy hầu như ngày nào cũng đèo nhau bằng xe gắn máy lên đỉnh LangBiang sinh hoạt cùng với người dân tộc ở Lạc Dương. Thùy kể: "Đám cưới của người dân tộc lạ lắm, cô dâu chú rể mặc đồ thổ cẩm, còn khách đi dự chỉ mặc trang phục thường ngày. Họ sống giản dị nhưng rất trọng tình nghĩa. Trở về thành phố nhiều lúc mình thấy nhớ Lang Biang quá...". Còn Quỳnh Anh (chuyên ngành sư phạm kỹ thuật) khi về huyện Phước Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất xúc động trước hình ảnh của những ngư dân nghèo nơi này. Thấy Quỳnh Anh và các bạn mang theo máy ảnh chụp các cảnh ngư dân đánh cá và bán cá trên bãi biển, nhiều người tưởng nhà báo đi viết bài nên đến nhờ viết nhiều nhiều về cuộc sống cơ cực nơi này để chính quyền địa phương quan tâm đến. Khi biết cả nhóm là sinh viên đi thực tế thì họ bắt đầu giúp đỡ bằng cách tìm những con cá "đẹp" và mang đến cho cả nhóm vẽ. Trẻ con thì xúm đen xúm đỏ xuýt xoa khen ngợi. Những lúc rảnh, cả bọn lại đi cào cá ven bờ cùng các ngư dân. Quỳnh Anh  tâm sự: "Một tháng sống ở biển, mình đen đi nhiều nhưng lại thấy vui vì quen được rất nhiều người".


Nguyễn Thị Kim Thư bên tác phẩm của mình

Còn Nguyễn Thị Kim Thư (chuyên ngành hội họa) mỗi ngày phải ra xưởng đóng tàu phác họa từng chi tiết, bị các anh chọc đến phát ngượng, nhưng riết rồi... thấy vui vì không ai có ác ý. Nhiều anh còn "tạo dáng" cho Thư vẽ. Một tháng thực tế, một tháng vẽ và với kinh phí hơn 3 triệu đồng, Kim Thư mới hoàn thành được bức chân dung của những người thợ đóng tàu. Thư chia sẻ: "Thư vẽ bằng tất cả niềm đam mê. Sau này Thư sẽ cố gắng mở một phòng tranh nhỏ cho riêng mình".

Tổ chức triển lãm, các bạn sinh viên mong muốn gửi đến mọi người những tác phẩm đã được thực hiện bằng niềm đam mê và ước mơ của mình.

 T.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.