Nhà trọ sinh viên thời công nghệ cao

26/06/2006 15:04 GMT+7

Khái niệm sinh viên đi trọ học ở Hà Nội thường gợi liên tưởng đến hình ảnh những khu nhà ổ chuột với điều kiện vệ sinh, điều kiện an ninh không đảm bảo. Nhưng chắc chắn một điều rằng, tại Hà Nội, không hẳn tất cả sinh viên đều sống trong những khu nhà như vậy (như vậy thì tội cho những chủ nhân tương lai của đất nước quá).

Có rất nhiều nhà trọ của sinh viên với điều kiện an ninh, điện nước, vệ sinh... không thể phàn nàn một lời nào. Không những thế, trong thời đại công nghệ thông tin hiện  nay, họ đã trang bị tận phòng những phương tiện công nghệ cao để phục vụ cho công việc, học tập cũng như giải trí.

Nhà của T. và H. (ĐH KHXH&NV) là một đại diện cho kiểu "nhà trọ công nghệ cao". 2 chàng này ở cùng với bác chủ nhà. Bác chủ nhà lại cực tươm tất, sạch sẽ và không chấp nhận một sự lôi thôi nào. Mỗi ngày bác lau nhà ít nhất một lần, rồi cọ rửa nhà vệ sinh. Hai tên vốn lười nên thỉnh thoảng mới ra tay giúp đỡ bác phần nào, còn đa số toàn là bác làm.

Quần áo, giầy dép nếu vứt lung tung là có ngay bác "sửa lưng". Điện, nước không bao giờ bị cắt, sàn nhà lúc nào cũng sạch bong, tưởng chừng có thể soi gương được. Ti-vi thì bác cho xem thoải mái, miễn là đừng có quá khuya và đừng hắt ánh sáng vào phòng ngủ ảnh hưởng đến bác. Căn nhà rộng rãi và vô cùng thoáng mát. Đến nỗi có lần mẹ T. lên chơi, tận mắt thấy được điều kiện ăn ở của quí tử, bà mừng rơi nước mắt tâm sự với bác chủ nhà: "Đọc báo thấy bọn sinh viên phải thuê những ngôi nhà ổ chuột tồi tàn, mất vệ sinh để ở, tôi thấy thương con mình quá, không biết nó trọ thế nào. Nhưng nay lên đây thì yên tâm rồi. Mọi thứ còn tốt hơn cả nhà chúng tôi ở quê".

Vì đang nhăm nhe nghiệp phóng viên nên Internet cực kỳ quan trọng với T. và H. hai chàng chịu khó góp tiền đầu tư gần một triệu đồng cái modem 4 port (cổng chia sẻ), nhờ đường điện thoại chủ nhà, chứ không thèm chơi phi pháp là kết nối chui qua các cửa hàng Internet như là một phong trào của sinh viên trọ học hiện nay, là cả hai có thể mang cả thế giới ảo đến tận nhà.

Mỗi sáng, công việc đầu tiên của T. ngay sau khi thức dậy là với tay bật máy tính. Với tay pha chút cà-phê sữa (loại 2.000đ/gói) rồi vừa nhâm nhi vừa lướt web để xem hôm nay có gì. Một loạt báo chí trong nước, và một số báo nước ngoài nổi tiếng như là CNN.com, BBC.com, AP.com... đã được các chàng cho vào favorites, cứ thế mà dần dần điểm tin. Tin tức của cả một ngày mới đã được nạp vào bộ não, không sợ lơ ngơ khi bàn về các vấn đề thời sự, nhất là với những người đang đi theo nghiệp báo chí.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng tận dụng được những thứ sản phẩm công nghệ cao ở trong nhà trọ của mình. Nhiều khi họ đã không làm chủ được mình và trở thành nô lệ của những phương tiện công nghệ hiện đại vốn nặng về tính giải trí nếu không biết tận dụng nó.

Đến chơi một người bạn đang học công nghệ thông tin ở trường B, mới thầm thương cho những ai có định kiến là sinh viên là phải thiếu thốn mọi điều. Phòng của M. có 6 máy tính thì tất cả đều nối mạng. Cả phòng đã góp tiền chung đầu tư một modem rồi kết nối tất cả máy, không những thế còn kinh doanh bằng cách bán cổng chia sẻ kiếm thêm ít tiền từ các phòng khác. Một chiếc màn hình máy tính được tận dụng làm chiếc tivi. Phòng của M. còn đăng ký dịch vụ truyền hình kỹ thuật số. Chiếc màn hình này còn có thể nối với máy chơi Playstation nếu như không xem TV.

Mỗi khi có trận bóng đá đỉnh cao của cup C1 châu u, chỗ trọ này lại là nơi "anh hào quần tụ", thu hút bạn bè từ thập phương đến. Những đêm ấy, do quá nhiều người xem nên xem bóng đá xong, những kẻ không có chỗ ngủ lại hò nhau làm "trận đế chế" để chờ cho trời sáng.

Thực ra, ít tiền không có nghĩa là không kiếm được nhà trọ tử tế, chứ chưa nói đến những "nhà trọ công nghệ cao" như đã nói trên. Vấn đề còn là ở chỗ sinh viên có may mắn có được một vị chủ nhà có tâm hay không, những người hàng xóm có tốt hay không và họ có biết cách tổ chức cuộc sống cá nhân hay không.

Anh bạn tôi thuê hẳn một ngôi nhà khá khang trang, điện nước đầy đủ, thừa điều kiện để trở thành một "mái ấm" hết sức tử tế. Nhưng cuối cùng, nhìn lại trông không khác gì một cái ổ chuột. Bạn bè anh đến ở cùng, dân số tăng lên, lại toàn là lũ con trai không biết cách bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh chung, sắp xếp đồ đạc gọn gàng, hợp lý. Cuối cùng, ngôi nhà "lâm bệnh" trầm trọng với sàn nhà đá hoa màu đen xin xỉn, một thế giới của nghệ thuật sắp đặt quần áo và bát đĩa trên giường, dưới đất và trên tường, cùng một mùi đặc trưng của bể phốt do lâu ngày không được cọ rửa.

Suy cho cùng sinh viên có thể cải thiện được điều kiện sinh hoạt nhà trọ của mình nếu họ quan tâm và biết cách tổ chức tốt cuộc sống hàng ngày.

Theo Giáo dục & Thời đại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.