Số người chết do động đất ở Indonesia đã hơn 3.000

27/05/2006 23:56 GMT+7

Tôi tỉnh giấc vì chiếc giường rung lắc dữ dội... Các vật dụng trong nhà rơi xuống đất loảng xoảng. Những khối bê tông cũng bắt đầu vỡ vụn. Mọi người hoảng loạn chạy ra đường, vẫn còn đang mặc đồ ngủ...".

Đó là lời kể của Weisman-Ross, một điều phối viên của Tổ chức nhân đạo Plan International đang có mặt tại Yogyakarta (Indonesia). Một trận động đất kinh hoàng vừa xé toạc cuộc sống bình yên của người dân trong khu vực. Ít nhất hơn 3.000 người đã thiệt mạng. Hàng ngàn người khác bị thương. Con số cuối cùng có thể còn cao hơn rất nhiều.

Trận động đất mạnh 6,2 độ Richter với tâm chấn nằm rất gần Yogyakarta, thủ đô hoàng gia cổ xưa của Indonesia và hiện vẫn là một trong những thành phố lớn nhất nước này với mật độ dân cư dày đặc. Cơn cuồng nộ của lòng đất lại bùng phát vào lúc sáng sớm, chỉ mới 5h54 sáng ngày 27/5, lúc phần lớn cư dân vẫn đang ngủ. Những nguyên nhân này khiến cho con số thương vong ở mức quá cao, không chỉ ở Yogyakarta mà còn ở hàng loạt thị trấn lân cận thuộc đảo Java. Trong phút chốc, hàng trăm tòa nhà kiên cố vỡ vụn. Người dân chỉ còn biết đâm đầu chạy ra ngoài, chạy giữa những ngôi nhà đang sụp xuống. Chỉ những ai may mắn mới thoát chết...

Vừa sợ động đất, vừa lo sóng thần, núi lửa

"Tôi đã không cứu được vợ tôi. Tôi đã lo cho các con trước, trong đó có một đứa gãy chân. Rồi cả ngôi nhà sụp đổ. Tôi đã không cứu được vợ tôi..." - một người đàn ông 70 tuổi khóc bên xác vợ.

Giữa sự hỗn loạn của một tai ương quá đột ngột, những lời đồn đãi về một trận sóng thần sắp xảy đến khiến hàng ngàn người Yogyakarta và các thị trấn bị lân cận chạy thục mạng lên những vùng cao xa bờ biển. Dấu ấn kinh hoàng của trận động đất ngoài khơi vùng biển Indonesia dẫn đến sóng thần hồi cuối năm 2004 vẫn chưa thể nào phai mờ trong tâm trí họ. Lần đó, khoảng 230.000 người đã mất mạng trong tích tắc ở hàng loạt quốc gia khác nhau, trong đó hơn phân nửa là người Indonesia. Tuy nhiên, Cơ quan khí tượng Nhật Bản sau đó đã khẳng định không có dấu hiệu của bất kỳ một ngọn sóng tử thần nào. Nhưng mối đe dọa vẫn chưa hết. Trận động đất đã làm hung hăng thêm hoạt động của ngọn núi lửa Merapi ở gần đó, vốn vẫn đang ùng ục phun trào dung nham suốt mấy tuần nay. Ngay sau khi lòng đất nổi giận, Merapi đã lập tức bồi thêm một đợt phun trào mới. Trong khi đó, dư chấn vẫn xảy ra liên tục giữa bối cảnh những ngôi nhà còn trụ được thực ra đã rạn nứt hoặc kết cấu yếu đi rất nhiều sau trận địa chấn chính.

Chỉ còn biết kêu cứu...

Dư chấn đã khiến cho công tác cấp cứu hàng ngàn nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn. Nhân viên tại các bệnh viện trong khu vực, tất cả đều trong tình trạng quá tải, buộc phải khiêng người bị thương ra ngoài trời vì lo sợ bệnh viện sụp bất ngờ. Chính vì thế, các ca phẫu thuật cấp cứu diễn ra hết sức khó khăn. Lực lượng y tế địa phương hoàn toàn bất lực: "Chính quyền trung ương, làm ơn đến đây. Chúng tôi cần được giúp đỡ. Có quá nhiều người chết và bị thương. Hàng loạt bệnh nhân cần phải chuyển lên tuyến trên gấp...", một bác sĩ tại Bệnh viện Bantul Mhammadiyah (gần với tâm chấn nhất) tuyệt vọng kêu cứu.

Tổng thống Indonesia S.Yudhoyono đã lập tức huy động quân đội đến vùng bị nạn. Công tác cứu hộ diễn ra hết sức khó khăn vì đường băng tại sân bay Yogyakarta đã nứt toác trong trận động đất, buộc sân bay phải đóng cửa. Hệ thống điện và thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt ở hầu hết thành phố Yogyakarta trong khi đường sá, cầu cống bị hư hại nghiêm trọng. Được biết Indonesia, đất nước của hơn 18.000 hòn đảo lớn nhỏ, nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường xuyên hứng chịu động đất và núi lửa.

Kiều Oanh
(AP, BBC, INQ7)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.