Những gia đình trẻ có HIV ở nông thôn: "Chúng tôi vẫn có mặt trong cộng đồng"

27/03/2006 23:34 GMT+7

Thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) một ngày tháng ba. Tiếng loa phóng thanh vang tiếng các em có "hát" (HIV), trực tiếp khẳng định sự có mặt tự nhiên trong cộng đồng.

Những đứa trẻ được mẹ, ông nội hoặc bà ngoại đón xe đò, xe buýt đưa từ An Khê, Núi Thành, Duy Xuyên về gặp gỡ tại nhà văn hóa thôn. Không người cha nào của các em có mặt bởi 6/7 người đã qua đời do HIV/ AIDS. Đã vậy, chỉ có 3 trong 7 cháu được mẹ ruột chăm sóc, số còn lại sống với ông bà cao tuổi, khó nghèo. Nếu 4 trường hợp ở Quảng Nam đồng ý công khai tên tuổi, hình ảnh thì 3 trường hợp ở Đà Nẵng còn e ngại do "ngoài đó kỳ thị lắm". Tôi bắt chuyện với chị Kim Én, 24 tuổi, mẹ của cháu Nguyễn Ngô Thảo Nguyên. Quê chị ở Duy Thu. Từ sáng sớm, hai mẹ con đón xe đò ra thị trấn Nam Phước, cách 30 km. Chị biết mình có "hát" sau khi chồng mất. Ngày biết tin, chị rất buồn nhưng rồi được tư vấn và cộng đồng cảm thông, chia sẻ nay chị đã thấy nhẹ lòng. "Chồng em là nạn nhân của những giây phút bồng bột hồi trai trẻ. Hai mẹ con em nay cũng là nạn nhân. Coi như số phận", chị Én nói: Tuy nhiên, số phận khắc nghiệt đó đang được an ủi phần nào khi chị vừa đăng ký tái hôn với một thanh niên có "hát". Hai người quen nhau khi cùng đi mua thuốc ART. Thế rồi họ thương nhau về sống với nhau. Như những đứa trẻ có "hát" khác, cháu Thảo Nguyên, 4 tuổi, trông thật hồn nhiên. Cháu rất vui khi được nhận quà của Quỹ Nhân đạo toàn cầu Global và vui hơn khi xem lại tấm hình tôi chụp hai mẹ con. Một cháu khác, cũng 4 tuổi, tròn xinh như búp bê, ai nhìn cũng tấm tắc. Mẹ cháu vốn là kế toán ở Đà Nẵng nhưng từ khi có "hát" đã ở nhà trông con. Tuy nhiên, do sự phân biệt của cộng đồng và lo sợ lây nhiễm cho người thân, chị phải thường xuyên thay đổi chỗ ở. Trước micro, chị tỏ bày nguyện vọng được thuê hoặc mua một căn hộ với giá ưu đãi để "an tâm, thoải mái kéo dài sự sống, chờ sự nhiệm mầu của tiến bộ y học". Chị hát khá hay và biết chơi đàn guitare. Và trước phút chia tay, chị đã cùng chúng tôi hát bài Có thương nhau về Buôn Mê Thuột của Nguyễn Cường.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Kim Én. Chị mong có vốn để mua bò con về nuôi

Vấn đề nổi lên trong cuộc giao lưu là mong muốn được đến trường của cháu Nguyễn Huỳnh Hoài Nam, 10 tuổi. Nam hiện sống với bà ngoại. Đã từ lâu cháu rất muốn đi học nhưng tại cộng đồng vẫn còn một số phụ huynh phản đối. Mỗi lần cán bộ của Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng đến thăm, cháu chào ngay bằng câu hỏi: "Con được đi học chưa?". Bà ngoại của cháu khá bức xúc trước mơ ước "nhỏ nhoi mà răng quá khó"?! Để trả lời, ông Huỳnh Quốc Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Xuân 2 kể lại những gian nan trong quá trình vận động cho em Mai Trần Anh Khoa khi vào lớp 1. "Ngay từ khi vào mẫu giáo, em Khoa đã gặp khó khăn. Khi em lên tiểu học, chúng tôi họp rất nhiều lần và trong số người phản đối có cả giáo viên trong trường. Được cán bộ truyền thông HIV/AIDS và chính quyền địa phương kiên trì giúp đỡ, cuối cùng em Khoa cũng được nhận vào. Nay em đã lên lớp 3, học khá và biết tự bảo vệ mình và các bạn. Mỗi lần ra chơi, Khoa dặn bạn, mình có "hát", chơi chi thì chơi đừng để mình chảy máu". Khoa bây giờ khá nổi tiếng do thường lên truyền hình, báo chí và trước đông đảo cử tọa, em mạch lạc nói lời cảm ơn mọi người, các cô các chú, không chút rụt rè. Cháu mong bạn Hoài Nam cũng sẽ được đi học như mình, vì "không đi học, buồn lắm”. Nam cũng nói với tôi, thật thiết tha: "Con đã tự học a, b, c. Con thèm đi học, chú ơi!". Bác sĩ Nguyễn Rân, Trưởng ban điều hành Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng không cầm được nước mắt. Ông chắp tay xá mọi người, mong sao Nam và các cháu không may có "hát" được cộng đồng đối xử bình đẳng như con em mình. Đáp lời, bác sĩ Nguyễn Văn Phu, chuyên trách công tác HIV/AIDS của tỉnh Quảng Nam yêu cầu nhà trường, chính quyền địa phương tổ chức ngay cuộc vận động truyền thông, kiến giải cho cộng đồng tại chỗ hiểu sâu hơn về HIV/AIDS và nhanh chóng nhận cháu Nam vào trường.

Cháu Nguyễn Huỳnh Hoài Nam và bà ngoại - (ảnh: Đ.N.K)

Được lời như cởi tấm lòng, bác sĩ Nguyễn Rân kéo tôi ra ngoài, xòe cho xem nhúm tóc và danh thiếp của một người có "hát" hiện sống tại TP.HCM. Theo tôi hiểu, đó là người bạn thân của ông trong quá trình hai người hiến trọn phần đời còn lại cho trẻ em bất hạnh. Bác sĩ nói: "Anh ấy có một đứa con không nhiễm HIV/AIDS, lưu lạc từ lâu. Anh nhờ tôi sau này xét nghiệm tóc để tìm con. Tôi hy vọng sẽ tìm ra nó trước khi anh mất và đồng thời y học thế giới sẽ tìm ra thuốc đặc trị căn bệnh quái ác này".

Hết hy vọng vẫn còn hy vọng! Những người mẹ trẻ và những cháu bé đẹp như thiên thần hẹn sẽ lại gặp nhau với lời chào: "Bình an! Mạnh khỏe!".

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.