Vì sao các nhà văn hóa đang "mất dần" thanh niên ?

26/12/2005 23:56 GMT+7

Sau 17 năm gián đoạn, cuối cùng hội nghị Nhà văn hóa thanh niên (NVH TN) toàn quốc cũng được tổ chức lại tại Hà Nội. Khỏi phải nói cũng biết các nhà quản lý phấn khởi đến mức nào bởi đây là cơ hội hiếm hoi để họ ngồi với nhau phân tích, mổ xẻ, tìm ra hướng đi mới trong cơ chế thị trường và tìm giải pháp nhằm thu hút tập hợp thanh niên.

Cách đây chưa lâu, Báo Thanh Niên đã có bài viết Sân chơi cho giới trẻ: Thừa mà thiếu phản ánh thực trạng "hiu hắt" của các NVH TN tại TP.HCM, thì nay các NVH TN khác trong cả nước cũng lâm vào tình trạng tương tự. Cả nước mới chỉ có 34 NVH cấp tỉnh, 19 NVH cấp huyện (ở 28 tỉnh, thành phố) trong khi chúng ta hiện có đến 25 triệu TN. Đây quả là một nghịch lý ! Đã vậy, các NVH đang hoạt động cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả mà biểu hiện rõ nhất là nhiều nơi gần như không thu hút được TN. Ông Đoàn Minh Châu, Giám đốc Cung văn hóa thể thao TN Hà Nội than thở: "Có những hoạt động chúng tôi thậm chí còn đưa cả ô tô đón tận nơi, thế mà họ (thanh niên - PV) cũng chẳng mặn mà. Một số chương trình ca nhạc nếu không mời "sao" cũng chỉ có lèo tèo vài người đến. Chúng tôi phải cạnh tranh để "giành giật" TN từ các trung tâm văn hóa thuộc các tổ chức xã hội khác, các dịch vụ giải trí tư nhân…". Ông Châu cho rằng cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu, tạm bợ chính là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế trong tập hợp TN đến NVH. Ngoài ra, thiếu kinh phí cũng khiến chương trình hoạt động nghèo nàn, dẫn đến không thu hút được TN. 

Ở các thành phố lớn thì như vậy, các NVH tỉnh lẻ còn khó khăn gấp bội. Anh Hà Hồng Phúc, Giám đốc Trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi Phú Thọ nói: "Tiếng là trung tâm thanh thiếu nhi của cả tỉnh nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có CLB võ thuật, cầu lông, bóng bàn còn duy trì hoạt động. Mà đối tượng chủ yếu lại là... các em thiếu nhi". Giống như ở Phú Thọ, các trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi khác mới chỉ "ưu tiên" cho thiếu nhi còn TN vẫn... đứng ngoài. Giám đốc NVH TN thành phố Huế Nguyễn Thanh Phước thẳng thắn: "Chúng tôi như đứa con... bị bỏ rơi. Mặc dù tồn tại nhưng lại chưa được đầu tư, đối xử bình đẳng, công bằng của các ngành chức năng, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương. Đến tận bây giờ vẫn chưa có cơ chế chính sách hay một văn bản pháp quy nào định hướng cho hoạt động NVH TN. Nếu NVH không có quan hệ tốt với các ban ngành, còn lâu mới kiếm được kinh phí. Vì thế, NVH chỉ có thể hoạt động cầm chừng". Thừa nhận là còn nhiều khó khăn, song anh Nguyễn Minh Nhựt, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành đoàn TP.HCM cho biết vẫn còn rất nhiều cách để tháo gỡ. Kinh nghiệm từ NVH TN TP.HCM đã biết kết hợp tổ chức các hoạt động dịch vụ, xã hội hóa công tác TN để có nguồn thu. Từ nguồn thu đó, tái đầu tư lại cho phong trào TN. Hằng tuần, tại NVH có gần 10 loại hình sân khấu hóa diễn ra thường xuyên. NVH còn "giảm tải" bằng cách liên kết với trung tâm văn hóa ở địa bàn tổ chức biểu diễn ca nhạc tại các khu chế xuất, vòng quanh khu KTX... Vì thế, trái với cảnh hắt hiu tại các nơi khác, NVH TN thành phố bao giờ cũng thu hút rất đông TN đến tham gia sinh hoạt, thậm chí có nhiều hoạt động không đủ chỗ cho TN ngồi...

Để NVH TN là những sân chơi lành mạnh về tinh thần, khỏe về thể chất, T.Ư Đoàn cần phải sớm ban hành quy chế hoạt động quy định rõ về tổ chức và hoạt động của NVH, tạo sự ổn định và phát triển cho các đơn vị.   

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.