Lâm Đồng: Thiết bị dạy học có phải là bài toán khó giải?

08/05/2005 16:51 GMT+7

Chương trình sách giáo khoa (SGK) mới ở bậc tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS) đã triển khai 3 năm và sắp bước vào năm thứ 4 nhưng tâm lý lo ngại thiếu thiết bị dạy học (TBDH) hoặc về chậm, chất lượng kém vẫn phổ biến ở nhiều địa phương.

Năm học 2004-2005, ngành giáo dục Lâm Đồng đã chi trên 13 tỷ (trong đó 70% ngân sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo) để mua sắm TBDH phục vụ cho chương trình thay sách lớp 3 và lớp 8 (878 bộ cho lớp 3 và 151 bộ cho lớp 8). Báo cáo của Sở Giáo dục với đoàn kiểm tra công tác của Bộ GD-ĐT trong tháng 12/2004 vẫn đánh giá là "Tương đối đảm bảo" và gần đây, một cán bộ có trách nhiệm của Sở GD-ĐT Lâm Đồng vẫn khẳng định "Về chất lượng TBDH không có gì phải băn khoăn". Thế nhưng trên thực tế thì số lượng và chất lượng TBDH còn nhiều bất cập.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, đối với bậc TH (cả lớp 1, 2 và 3), mỗi lớp được trang bị 1 bộ TBDH và các lớp 6, 7, 8 là 1 bộ/4 lớp (các trường có từ 5 lớp 8 trở lên được trang bị 2 bộ). Với quy định này, nhìn chung tất cả các trường ở Lâm Đồng đều không thiếu hoặc thiếu không đáng kể về số lượng bộ TB nhưng tính phủ lấp (mức độ đáp ứng yêu cầu nội dung chương trình SGK của TBDH đã được trang bị) thì hầu hết ở các trường đều không được bảo đảm. Gần vào thời điểm kết thúc năm học 2004 - 2005, chúng tôi có chuyến công tác về huyện Di Linh (một trong những địa phương có số lượng học sinh đông nhất ở Lâm Đồng) và trực tiếp nghe các cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo đứng lớp ở đây phản ánh những bức xúc trong vận dụng TBDH để giảng dạy. Cô Lê Thị Bích Phượng, phó hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi - một trường điểm của huyện Di Linh - cho biết: TBDH phục vụ cho chương trình SGK lớp 8 mãi đến tháng 11/2004 mới được chuyển về cho nhà trường, 7 tuần đầu giáo viên phải dạy "chay" và học sinh thì buộc phải... tự hình dung các thí nghiệm cũng như các bài học lý thuyết yêu cầu phải có TB minh họa. Riêng bộ môn sinh vật - một môn học yêu cầu nhiều tranh, ảnh minh họa nhưng trong các bộ TB được cấp đã thiếu hẳn phần này. Không những thiếu, kém chất lượng, TBDH còn thiếu phù hợp với nội dung chương trình SGK (nội dung tranh, ảnh minh họa và nội dung SGK môn Anh văn hoàn toàn khác nhau). Nhiều danh mục TB của các môn vật lý, nhạc, lịch sử, thể dục... có chất lượng rất kém, chỉ sử dụng từ 1 - 2 lần là phải sửa chữa hoặc không thể tiếp tục sử dụng. Tình trạng này cũng rất phổ biến đối với các khối lớp tiểu học. Nguyện vọng của nhiều trường tiểu học là được cung cấp thêm nhiều bộ TBGD mới để đảm bảo giờ học nào các em cũng được học bằng TBGD.

Đối với các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì thiếu thiết bị là đồng nghĩa với dạy "chay" và hiệu quả dạy và học chương trình SGK mới không thể nào mang lại kết quả như mong muốn.

Kinh phí Nhà nước bỏ ra phục vụ cho chương trình thay sách rất lớn nhưng hiệu quả trang bị chưa tương xứng - đó là điều rất dễ nhận thấy. Bài học về sự chậm chễ trong phê duyệt đơn vị tham gia sản xuất TBDH cũng như phê duyệt giá thành TBDH năm học 2004-2005 vẫn còn nguyên và làm nảy sinh tâm lý lo ngại dai dẳng. Nhiều địa phương chỉ mới nhận được thiết bị dạy học chương trình SGK lớp 3 và lớp 8 mới vào tháng 3/2005. Độc quyền trong cung ứng, quá gấp về thời gian thì chất lượng kém cũng là điều không khó giải thích! Đến 15/5/2005, hai bộ SGK lớp 4 và 9 sẽ được phát hành nhưng đến thời điểm này, các Sở GD-ĐT địa phương vẫn chưa nhận được một thông báo hay kế hoạch cụ thể nào về việc mua sắm TBDH phục vụ cho chương trình SGK hai khối lớp này.

Thời điểm này mới rút kinh nghiệm là hơi muộn vì chương trình SGK mới đã đi gần hết chặng đường đối với TH và THCS nhưng "có vẫn hơn không". Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục và sớm ký kết hợp đồng cung ứng TB với các nhà sản xuất để nhanh chóng chuẩn bị trang thiết phục vụ chương trình thay sách trong năm học 2005-2006 sắp tới gần. Rút kinh nghiệm cho công tác này không chỉ có ý nghĩa đối với chương trình cải cách các khối lớp TH và THCS mà còn hết sức quan trọng đối với chương trình phân ban đang được thí điểm ở bậc THPT một khi được nhân rộng.

(Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.