M&A Hưng Vượng Developer, In Hòa Phát HTP hoàn thiện hệ sinh thái bất động sản

12/10/2022 18:00 GMT+7

Công ty In sách giáo khoa Hòa Phát (HTP) dự kiến tăng tỷ lệ sở hữu tại Hưng Vượng Developer và một doanh nghiệp địa ốc khác. Với tiềm lực tài chính lành mạnh, HTP đang từng bước hoàn thiện các mảnh ghép chiến lược để gia nhập thị trường bất động sản.

Chiến lược M&A giá trị

Công ty cổ phần In sách giáo khoa Hòa Phát (HTP), tiền thân là Xí nghiệp In sách giáo khoa Hòa Phát thuộc Nhà xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập từ tháng 4.1996. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2004, và được chấp thuận niêm yết trên sàn HNX vào tháng 11.2006 với mã là HTP.

Trong năm 2021, HTP đã phát hành 90 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 918 tỉ đồng. Số tiền thu về 900 tỉ đồng giúp công ty mua 62,75% vốn Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer.

Chưa dừng lại ở đó, theo kế hoạch, mục tiêu mà công ty hướng tới là sở hữu 99% cổ phần Hưng Vượng Developer và 99% cổ phần Bách Phú Thịnh.

Được biết, Bách Phú Thịnh là công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Deawon - Hàn Quốc và đang sở hữu dự án Centum Wealth (TP.Thủ Đức, TP.HCM), diện tích 1,1 ha. Các cổ đông đã có chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Bách Phú Thịnh trong năm nay.

Tiềm lực tài chính lành mạnh của HTP

Tính đến ngày 30.6, HTP có hơn 5.908 tỉ đồng tổng tài sản, tăng 9% so với đầu năm theo báo cáo kiểm toán của Ernst &Young (E&Y). Ernst &Young - Top công ty kiểm toán big4 thế giới chính là bảo chứng cho sự minh bạch về các số liệu tài chính của doanh nghiệp.

Trong tài sản ngắn hạn, công ty có hơn 459 tỉ đồng tiền nhàn rỗi, bao gồm 300 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn (theo báo cáo kiểm toán của E&Y). Vào giai đoạn lãi suất gia tăng, tín dụng bị kiểm soát, việc sở hữu một lượng tiền nhàn rỗi lớn là một lợi thế. Số tiền này có thể giúp công ty chủ động trong việc lưu động vốn sản xuất, kinh doanh; đảm bảo các khoản chi trả; ngoài ra có thể gia tăng giá trị từ việc gửi ngân hàng.

Công ty CP Hưng Vượng Developer sở hữu CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt - chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (tên thương mại Venezia Beach) tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận quy mô 72 ha.

Mới đây, Hưng Vượng Developer cũng hoàn tất sở hữu dự án Hodota có ranh sát với Venezia Beach giúp cho quỹ đất tăng từ 73ha lên 92,5ha và trở thành nhà phát triển bất động sản lớn hàng đầu khu vực. Theo ước tính với giá trị giao dịch bất động sản ở khu vực này, 73 ha đất của Venezia Beach thu về khoảng 30.000 tỉ đồng, chưa kể phần doanh thu từ dự án Hodota liền kề.

Ngoài ra, hiện theo thông tin công bố trên website, HVD hiện đang sở hữu nhiều quỹ đất bao gồm dự án hơn 2.000 căn hộ cao cấp Bình Chánh, dự án hơn 3.000 căn hộ và biệt thự tại Bình Thuận, dự án hơn 1.300 căn hộ biệt thự tại BRVT,… Ngoài các quỹ đất này, thời gian gần đây HVD cho biết đang âm thầm tiến hành thương thảo các thương vụ M&A khác chưa chính thức công bố.

Tâm điểm Venezia Beach - tương lai của HTP

Trong thời gian tới, doanh thu và lợi nhuận của HTP phụ thuộc khá lớn vào dự án BĐS trọng điểm là Venezia Beach. Với quy mô 73 ha, với 681 sản phẩm thấp tầng, 6 block căn hộ và 1 block thương mại dịch vụ, 80 căn siêu biệt thự biển, 1 khách sạn 5 sao, ước tính giá trị giao dịch của dự án này rất lớn.

Hiện, Hưng Vượng Developer vừa hoàn tất đợt ra mắt giai đoạn 1 cho phân khu nhà phố biệt thự thấp tầng. Trong quý 4/2022, công ty tiếp tục ra mắt 2 phân khu căn hộ cao tầng với số lượng khoảng 800 căn, đa diện tích, pháp lý sở hữu lâu dài. Đây là khoản doanh thu tiếp theo của HTP trong năm nay.

Trong bối cảnh đó, Venezia Beach ghi nhận lượng quan tâm cao trên thị trường phía Nam. Nguyên nhân lớn nhất là do dự án có pháp lý sở hữu lâu dài, vị trí tốt, được vận hành bởi nhiều thương hiệu quốc tế uy tín. Vì vậy, dự báo trong quý cuối năm, lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ có yếu tố sở hữu lâu dài như Venezia Beach tiếp tục sẽ duy trì ở mức tốt.

Lãnh đạo HTP cho biết với đặc thù của ngành, các BĐS thường mất 2 - 5 năm tùy thuộc vào quy mô để hoàn thiện thi công, thậm chí có thể kéo dài 5 - 10 năm. Do đó, nguồn vốn doanh nghiệp huy động cần đảm bảo dài hạn để dự phòng cho các trở ngại bất khả kháng gây chậm tiến độ nằm ngoài kế hoạch. Vì vậy trong ngắn hạn, các chỉ số tài chính sẽ phản ánh không chính xác tình trạng doanh nghiệp do đặc thù ngành BĐS. Để đánh giá tiềm năng và sức khỏe tài chính của một doanh nghiệp BĐS, nhà đầu tư cần quan sát kỹ về cơ cấu nguồn vốn, năng lực phát triển sản phẩm, phương án và tiềm năng của dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.