Thẻ vàng ở Quốc hội

16/09/2012 03:55 GMT+7

Đề án “Quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” đã lần đầu tiên được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần qua.

Có 5 vấn đề lớn được đề cập trong đề án được thiết kế để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 này, bao gồm: xác định những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, định kỳ lấy phiếu tín nhiệm, mức độ đánh giá, công khai kết quả và xử lý kết quả.

Hầu hết các vấn đề đều được trình 2 phương án, điều đó phần nào thể hiện tính phức tạp của vấn đề.

Thảo luận ở Thường vụ Quốc hội chiều 14.9 cho thấy, nội dung đạt được đồng thuận lớn nhất là những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm chỉ tập trung vào một số người giữ chức vụ chủ chốt, ở T.Ư là từ cấp bộ trưởng trở lên (tổng cộng 49 người), ở địa phương là thường trực HĐND và các thành viên ủy ban nhân dân (tối đa 20 người). Định kỳ lấy phiếu nhận được nhiều ý kiến song không tập trung, đấy là sẽ lấy phiếu hằng năm hay 2 lần/nhiệm kỳ. Nhưng việc này cũng không quá quan trọng, bởi định kỳ thưa hay mau thì rủi ro của việc có tín nhiệm thấp cũng sẽ như nhau.

Có 2 vấn đề cần bàn trong đề án này. Thứ nhất là mức độ đánh giá. Đề án chia ra 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp). Mục tiêu việc Quốc hội đưa ra đánh giá là để xác định trách nhiệm chính trị của các chức danh được bầu và phê chuẩn mà trách nhiệm chính trị chỉ được xác lập dựa trên sự tín nhiệm. Do vậy, việc đánh giá chỉ nên đơn giản là “tín nhiệm” hoặc “không tín nhiệm”.

Việc này sẽ tạo tiền đề thuận lợi để thiết kế đối với vấn đề thứ hai, đó là xử lý kết quả có được từ việc lấy phiếu tín nhiệm. Do việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm đánh giá tín nhiệm, hiệu quả hoạt động của bộ máy nên việc công bố công khai, cụ thể, rõ ràng mức độ tín nhiệm và tỷ lệ phiếu cụ thể là rất quan trọng. Nếu như kết quả ấy không được công khai (như một phương án đề nghị), do lo sợ “làm ảnh hưởng đến uy tín, khả năng điều hành” của lãnh đạo, sẽ chẳng khác nào trọng tài rút thẻ vàng mà không cho ai biết. Nó sẽ khiến cho toàn bộ mục tiêu của đề án không đạt được theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (tín nhiệm thấp cần được xem xét, cho thôi giữ chức vụ).

Việc thiết kế 2 lần lấy phiếu liên tiếp đạt tín nhiệm thấp sẽ bị xem xét về trách nhiệm chính trị, cũng là phù hợp trong điều kiện ở ta hiện nay (từ chức ngay khi không đủ tín nhiệm là cách mà các chính trị gia nhiều nước thực hiện, nhưng đấy là phạm trù của lương tri, không phải câu chuyện của lập pháp). Nhưng khi đó nên chuyển thẳng sang miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, không cần thiết phải qua bước “bỏ phiếu tín nhiệm” (thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm), sẽ làm cho quy trình xử lý cán bộ kéo dài, thậm chí có thể bị tác động tiêu cực.

Nếu đề án được thông qua vào tháng 10 tới đây, Quốc hội ta sẽ có công cụ quan trọng để áp đặt trách nhiệm chính trị đối với các chức danh lãnh đạo. Mà bảo đảm trách nhiệm chính trị là bảo đảm sự trong sạch, hiệu quả của nhà nước.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.