Tạm trữ lúa gạo: Để nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi

11/09/2012 19:25 GMT+7

(TNO) Trong khi chính sách tạm trữ lúa gạo hiện hữu chưa đem lại nhiều hiệu quả cho nông dân thì dự thảo phương án tạm trữ lúa gạo nhằm hỗ trợ người trồng lúa đang được Bộ NN-PTNT lấy ý kiến lại có một số điểm xa rời thực tế.

(TNO) Trong khi chính sách tạm trữ lúa gạo hiện hữu chưa đem lại nhiều hiệu quả cho nông dân thì dự thảo phương án tạm trữ lúa gạo nhằm hỗ trợ người trồng lúa đang được Bộ NN-PTNT lấy ý kiến lại có một số điểm xa rời thực tế.

Thanh Niên Online đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về vấn đề này.

Doanh nghiệp không ham “tạm trữ”

- Ý kiến của ông về việc thời gian qua nhiều địa phương có ý kiến không đồng tình với một số điểm trong chính sách tạm trữ lúa gạo mà VFA thực hiện?

Theo Nghị định 109, khi đi vào vụ thu hoạch, nếu tiêu thụ chậm, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các bộ, VFA đề xuất với Chính phủ tạm trữ đề kích giá lúa gạo lên. Cho nên việc tạm trữ chỉ là biện pháp nhất thời.

Nhiều ý kiến cho rằng tạm trữ lúa gạo chỉ có doanh nghiệp được hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng có lúc được lúc không. Như vụ đông - xuân vừa rồi, nhiều doanh nghiệp thiệt hại rất nặng vì tạm trữ. Cho nên phần lớn doanh nghiệp đều không ham tạm trữ mà chỉ muốn kinh doanh bình thường thôi.

 
Việc tạm trữ hiện nay được coi là chưa mang lại hiệu quả cho người trồng lúa

Cũng có người nói lợi ích của việc tạm trữ không tới được người nông dân. Nhưng công bằng phải nói rằng việc mua tạm trữ phần nào đó kéo giá lúa gạo lên một chút.

Có ý kiến không đồng tình việc mua tạm trữ phải thông qua hàng xáo (lực lượng trung gian - PV). Nhưng do nông nghiệp nước ta sản xuất nhỏ, hơn 95% nông dân thu hoạch đều bán hết lúa tại ruộng, doanh nghiệp muốn mua trực tiếp lúa của dân cũng khó có thể thực hiện được nên phải thông qua hàng xáo. Vừa qua Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho VFA tổ chức lại lực lượng hàng xáo hoạt động có hiệu quả hơn.

- Một số ý kiến cho rằng việc VFA “tự biên tự diễn”, thu mua tạm trữ mà không thông qua địa phương. Điều này dẫn đến việc mua tạm trữ không mang đến hiệu quả như mong muốn?

Việc không thông báo là do UBND các tỉnh hay Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, bởi mọi hoạt động của VFA đều đã thông báo cho các cơ quan này. Mọi kết luận quan trọng của VFA đều được gửi cho Chính phủ, các bộ ban ngành, các UBND các tỉnh. Còn việc các sở cần thông tin thì phải hỏi UBND các tỉnh, các bộ chứ VFA không có trách nhiệm phải gửi.

Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể

- Như ông nói việc mua tạm trữ chỉ là biện pháp nhất thời nhưng rõ ràng là mang lại tác dụng tại một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, hiện nay, việc mua tạm trữ còn rơi vào tình trạng bế tắc. Ngay như quy chế tạm trữ lúa gạo hỗ trợ người nông dân lại đang bị VFA, doanh nghiệp phản đối?

VFA không tán thành bởi quy chế có một số điểm không hợp lý và làm bất lợi cho người nông dân. Ví dụ như muốn được hỗ trợ lãi suất, người nông dân phải có kho chứa 10 tấn lúa trở lên. Quy định như vậy thì người nông dân nghèo làm sao có thể thực hiện được. Quy định như thế chỉ có làm người giàu càng giàu thêm mà người nghèo và ít ruộng đất không được hưởng lợi gì.

 
Hiện nay cả nước có gần 1,5 triệu hộ nông dân. Khoảng 14% số hộ nông dân có diện tích trên 1 ha, còn 86% chỉ có diện tích 0,3-0,5 ha. Sản xuất nông nghiệp với diện tích nhỏ, manh mún như vậy, người nông dân lấy tiền đâu mà xây kho như quy chế đề ra.
Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong

Những bất hợp lý này đều bị chúng tôi phản đối. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng VFA chỉ phản đối một số điểm bất hợp lý của quy chế chứ không phản đối hết tất cả.

- Với vai trò là Chủ tịch VFA, ông có cho rằng quy định đảm bảo 30% lợi nhuận cho người nông dân là duy ý chí, công thức quá hay không, bởi giá cả thì tăng hàng ngày, chưa kể người nông dân trồng lúa hiện đang phải chịu quá nhiều loại phí, thuế?

Việc bảo đảm lợi nhuận 30% cho người nông dân xuất phát từ chủ trương của Chính phủ và từ lâu rồi chúng ta cứ bám vào đó để thực hiện. Con số 30% nghe ra có vẻ lớn nhưng trên thực tế lợi nhuận của người trồng lúa không được bao nhiêu. Cho nên dù giá lúa gạo có tăng 100% thì người nông dân vẫn không thể khá được.

Muốn giúp nông dân, Nhà nước cần phải có giải pháp tổng thể chứ không chỉ bằng cách đẩy giá lúa gạo lên. Ví dụ như phải giảm phí, thuế hay tài trợ lãi suất cho vay bằng 0% để người nông dân có điều kiện sản xuất tốt hơn.

Ngoài ra, Nhà nước nên triển khai tốt chính sách tam nông nhằm tạo điều kiện cho người trồng lúa và phải có chính sách ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Trung Hiếu

>> Mua tạm trữ 500.000 - 1 triệu tấn lúa
>> Giá lúa gạo nhích lên nhờ mua tạm trữ
>> Đề xuất tiếp tục mua tạm trữ lúa gạo hè thu
>> Sẽ không chủ động mua gạo tạm trữ
>> Mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2010
>> Thủ tướng chỉ đạo mua tạm trữ 500.000 tấn gạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.