Nỗi lo vỡ đập

27/11/2012 03:20 GMT+7

Cái tin đập thủy điện Đắk Glei ở Kon Tum bị đổ sập (mà nguyên nhân theo chủ đầu tư là “do xe đổ đất đá dồn dập và trong đợt cao điểm thi công, đập đã không chịu nổi nên bị sập đổ”) có thể khiến hàng vạn người dân vùng hạ lưu thở phào, bởi nếu đến khi hồ chứa tích nước, lũ về đập mới vỡ thì không biết số phận của họ sẽ ra sao!

Nhận xét sơ bộ về nguyên nhân gây nứt, đổ sập đập Đắk Glei, GS-TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, phân tích: “Như chủ đầu tư trả lời báo chí, đập họ thiết kế, thi công là đập tường thượng và hạ lưu bằng bê tông, ở giữa là đá và cát. Nhưng không ai người ta làm đập như vậy. Trong kỹ thuật xây đập không có loại đập như thế này. Thêm vào đó, bây giờ chủ đầu tư thường chuộng cách cho nhiều phụ gia vào bê tông để tăng cường độ mà lại giảm lượng xi măng, nên kết cấu bê tông rất giòn, rất dễ vỡ”.

Khâu thiết kế kỹ thuật của con đập là cực kỳ quan trọng, nhưng cơ quan nhà nước lại chỉ duyệt thiết kế cơ sở, là thiết kế ban đầu, mang tính ý tưởng được trình lên lãnh đạo địa phương kèm theo dự án. Còn thiết kế kỹ thuật quy định rõ con đập được đắp thế nào, móng sâu bao nhiêu, chiều dày đập bao nhiêu... lại do chủ đầu tư quyết.

Chủ đầu tư được quyền quyết thì lẽ đương nhiên, họ sẽ chọn giải pháp tiết kiệm nhất, với chi phí thấp nhất có thể. Như với dự án Đắk Glei, đơn vị thi công lại là một... công ty con của chủ đầu tư.

Theo quan điểm của GS Vũ Trọng Hồng, những đập thủy điện, thủy lợi có chiều cao trên 5 m là phải do bộ chuyên ngành quản lý; đập có chiều cao dưới 5 m mới giao cho địa phương. Bởi chính quyền địa phương ít kinh nghiệm và khó đảm bảo năng lực chuyên môn để quản lý chất lượng công trình đỏi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, tác động đến hàng vạn, thậm chí hàng triệu người như các công trình thủy điện, thủy lợi.

Trên thực tế, với đập thủy điện, thủy lợi, vốn là những công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến xã hội, nhưng vai trò của Sở Xây dựng ở địa phương và Bộ Xây dựng trong việc thẩm định, giám sát chất lượng đã không được đặt đúng vị trí. Chưa hết, theo luật Xây dựng và nghị định hướng dẫn thi hành, vẫn còn sự chồng chéo vai trò, trách nhiệm giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công thương trong việc quản lý nhà nước về chất lượng công trình thủy điện.

Lỗi hệ thống trong phân cấp và sự tổ chức bộ máy bất hợp lý trong việc thực thi nhiệm vụ thẩm định thiết kế, giám sát thi công như đã nêu ở trên đang tạo ra lỗ thủng về quản lý nhà nước với chất lượng công trình thủy điện. Để vá được lỗ thủng này, cần phải sửa đổi luật Xây dựng theo hướng quy trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với chất lượng công trình thủy điện lớn cho Bộ Xây dựng.

Đây là việc làm hết sức cấp thiết, bởi từ đập Đắk Glei nhìn rộng ra, còn hàng loạt thủy điện đã có tình trạng thấm nước vào thân đập, từ Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 đến Sông Tranh 2; từ đập thủy điện Bản Vẽ ở Nghệ An đến thủy điện Sơn La... Tất cả đều liên quan đến sinh mạng của hàng vạn gia đình, hàng triệu con người vùng hạ lưu.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.